Trang chủ » Điểm nóng » Cạnh tranh với các cường quốc trong kinh doanh

Cạnh tranh với các cường quốc trong kinh doanh

Tác giả:


Nếu bạn là Giám đốc Điều hành của một công ty đa quốc gia đang tìm kiếm địa bàn mở rộng thị trường, hoạt động và đầu tư thì Trung Quốc hẳn là hấp dẫn hơn Ấn Độ, Nam Phi hơn hẳn Mêhicô và Nga sẽ hứa hẹn hơn Mỹ?

Câu trả lời mà bạn đưa ra có thể mang tính chất sống còn với tương lai của công ty.

Điều thuận lợi là trong nền kinh tế toàn cầu siêu cạnh tranh ngày nay, một vài nước đã tạo ra những lợi thế

Cần khôn khéo lựa chọn đối tác trong
nền kinh tế siêu toàn cầu hiện nay
Ảnh: www.birminghamchamber.com

riêng nhằm hỗ trợ việc kinh doanh nói chung, nhưng bạn cần khôn khéo lựa chọn.

Chính vì vậy, trong cuốn sách mới xuất bản gần đây của giáo sư Richard H.K. Vietor thuộc trường kinh doanh Harvard có tên “Các nước cạnh tranh như thế nào trong nền kinh tế toàn cầu: Chiến lược, cơ cấu và chính phủ” (How Countries Compete: Strategy, Structure and Government in the Global Economy), ông đã tập trung tìm hiểu động lực cạnh tranh của mười nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Giáo sư Vietor đã thực hiện một cuộc điều tra liên quốc gia về những yếu tố xã hội, văn hoá, chính trị và lịch sử riêng biệt giúp thúc đẩy các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Mêhicô, Nam Phi, Ả rập xê-út, Nga, châu Âu (đặc biệt là Ý) và Mỹ phát triển vượt bậc. Ông còn giúp độc giả tự vạch ra “đường đi nước bước” cho họ và xem nước nào có thể dẫn đầu trong thời gian tới.

Mục Working Knowledge của Trường Quản trị Kinh doanh Harvard đã có một buổi phỏng vấn với giáo sư Vietor về những điều mà nghiên cứu của ông đã gợi ý cho các nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Dưới đây chúng tôi xin trích dịch nguyên văn bài phỏng vấn:

Sean Silverthorne (S.S): Vì sao các chiến lược của chính phủ lại ảnh hưởng đến các doanh nhân? Dường như các nhà quản trị (đặc biệt là Mỹ) tin rằng chính phủ thiếu năng lực?

Richard Vietor (R.V): Doanh nhân quan tâm theo nhiều cách – kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô và đầu tư nước ngoài.

Một doanh nhân Mỹ quan tâm xem chúng ta có bị thâm hụt mậu dịch nặng dẫn tới tăng tỷ lệ lãi suất hay không. Anh ta sẽ còn để ý tìm hiểu xem liệu chúng tôi có bị thâm hụt tài khoản vãng lai và có nhập khẩu tất cả mọi thứ từ nước ngoài hay không. Vì những điều này, việc kinh doanh của anh ta có thể xuống dốc tới mức phá sản.

Sau cùng doanh nhân Mỹ còn quan tâm vì hoạt động của nền kinh tế chúng tôi ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sự cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu và chi phí về nguyên liệu nhập khẩu của anh ta.

Theo quan điểm kinh tế vi mô, doanh nhân này sẽ còn quan tâm đến thuế quan, chính sách công nghiệp, chính sách thuế (không chỉ chính sách tác động trực tiếp lên kinh doanh mà cả chính sách tác động đến phân phối thu nhập và do đó tác động tiêu dùng), và chính sách lao động.

Cân nhắc rủi ro về lạm phát
để định hướng chiến lược
 Ảnh: images.scotsman.com

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, bất kỳ doanh nhân Mỹ nào suy tính về việc đầu tư ở nơi khác cũng phải cân nhắc tất cả chính sách đề cập ở trên cộng với những rủi ro: rủi ro về lạm phát, thay đổi pháp lý, bất ổn chính trị, tham nhũng…

S.S: Nếu phải tóm tắt các nhân tố một quốc gia cần có để tạo ra sự phát triển kinh tế thành công, thì đó là gì?

R.V: Các nhân tố đó đã được đề cập đến trong phần kết cuốn sách của tôi bao gồm các chính sách tài chính tiền tệ lành mạnh, quyền sở hữu bảo đảm, tiết kiệm và đầu tư cao, không tham nhũng và xuất khẩu đủ tính cạnh tranh để cân bằng được với xuất khẩu.

S.S: Ngoài việc tìm hiểu về tình trạng hiện tại của một nước, ông lưu ý rằng doanh nghiệp phải phân tích xem mục tiêu mà đất nước đang hướng đến là gì – hay nói cách khác đường lối của đất nước đó.. Vì sao điều này thực sự quan trọng và đâu là điểm mấu chốt để phân tích và tìm hiểu hướng đi của một nước trong tương lai gần?

R.V: Bất kỳ một doanh nhân nào cũng chỉ quan tâm đến tương lai – đến thị trường và các quốc gia mà họ đang hướng đến. Cách duy nhất để hiểu tương lai gần là hiểu rõ tình hình hiện tại và từ đó mở rộng các xu hướng phát triển ra từ ba đến năm năm.

Ví dụ: Nước Mỹ đang bị thâm hụt nặng tài khoản vãng lai. Cho dù các Chủ tịch, đảng phái và chính sách có thay đổi, việc này sẽ còn diễn ra trong vài năm tới – có thể trầm trọng hơn cũng có thể nhẹ hơn (trừ khi gặp thảm hoạ). Do đó, tổng nợ nước ngoài sẽ tăng cao; đồng dollar yếu đi; áp lực lên tỷ lệ lãi suất thực tế sẽ tăng….và còn nhiều hậu quả khác nữa. Đây là những điều mà một doanh nhân có thể biết về tương lai thông qua hiện tại.

S.S: Một trong những điểm đáng giá trong cuốn sách dành cho các nhà chiến lược toàn cầu là bản phân tích mười nước hàng đầu thế giới về sự phát triển kinh tế và đường lối phát triển có tiềm năng. Rõ ràng là mỗi nơi một khác nhưng theo ông thì những nước nào là những nước ở vị trí thuận lợi nhất để hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu? Nền kinh tế nào đang bị rủi ro nhất?

R.V: Singapore, Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng đang phát triển tốt nhất và Nga đang là nước bị đe doạ về ổn định chính trị.

Mêhicô, Ả rập Xê-út và Nam Phi tất cả đều gặp những vấn đề quan trọng về cạnh tranh. Ý, Nhật và Mỹ mắc những vấn đề về tính hoàn thiện. Ý gặp các vấn đề về lao động và cơ cấu, Nhật về nhân khẩu và điều hành còn Mỹ lại mắc vấn đề nợ đọng và tiêu thụ quá mức.

S.S: Một trong những ngạc nhiên mà tôi thấy trong cuốn sách chính là việc ông cực kỳ lạc quan về Nga. Tại sao lại như vậy?

Putin đang xây dựng lại nước Nga
rất thành công
Ảnh: cache.eb.com

R.V: Tôi lạc quan vì tôi cho rằng Putin đang xây dựng lại nước Nga rất thành công. Và ông ta có một nguồn của cải khổng lồ để chu cấp cho việc thực hiện các nỗ lực của mình.

Tôi không rõ ông ta sẽ thành công về mặt chính trị hay không nhưng nếu ông ta không từ bỏ nhân quyền và đàn áp các thế lực chính trị thì Nga có thể trở thành môi trường đầu tư tốt.

S.S: Một vài nước ông phân tích bao gồm Nam Phi và Mêhicô dường như gặp nhau ở những điểm mốc phát triển quan trọng. Các nước này có thể nhanh chóng tiến kịp các siêu cường kinh tế mà cũng có thể tụt hậu trong cuộc cạnh tranh này.

R.V: Đúng vậy. Tôi cho rằng các nước Mexico và Nam Phi hay Malaysia, Brazil, Chile, Argentiana và Thổ Nhĩ Kỳ đang “kẹt ở điểm giữa”- theo lời giáo sư Michael Porter. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc và Ấn Độ đang chiếm lĩnh trên tất cả các hoạt động kinh doanh (sản xuất và dịch vụ) ở trình độ thấp và thị trường cấp thấp (do GDP theo đầu người và tiền thuê nhân công thấp) trong khi các nước này vẫn chưa đủ khả năng cạnh tranh được với Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ, châu Âu… ở những sản phẩm trình độ cao. Vì thế, họ cần phát triển các chiến lược có tác dụng giảm lạm phát, tham nhũng và cân bằng phân phối thu nhập, phát triển giáo dục, nâng cao tiết kiệm và đầu tư.

S.S: Hầu hết độc giả sống hoặc làm việc ở Mỹ. Ông đánh giá Mỹ như thế nào về cả sự phát triển lẫn tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của Mỹ so với các nước khác?

R.V: Mỹ rõ ràng là nền kinh tế mạnh nhất thế giới không chỉ về quy mô mà còn về khả năng tiến hành nghiên cứu, sản xuất và phát triển tập đoàn. Tuy nhiên, nước chúng tôi gặp những vấn đề lớn về chính sách ngoại giao, về thâm hụt tài chính và nghiêm trọng nhất là thâm hụt tài khoản vãng lai chồng chất (và nợ đọng). Chúng tôi cần giải quyết các vấn đề này ngay bây giờ nếu còn muốn duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

S.S: Nhớ lại cuốn “Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia” của Michael Porter và tác phẩm của Ted Levitt về marketing toàn cầu, các thách thức và lợi ích của việc kinh doanh toàn cầu đã là một mảnh đất nghiên cứu màu mỡ cho khoa HBS. Chỉ trong tháng trước, chúng tôi đã thấy cuốn sách của Rawi Abdelal về tài chính quốc tế và cuốn của Lou Wells về bảo vệ đầu tư nước ngoài. Vậy ông nghĩ rằng nghiên cứu và cuốn sách của ông sẽ đóng góp gì cho việc phát triển tư duy trong lĩnh vực này?

Toàn cầu hoá thương mại là trọng tâm phát triển của
bất kỳ nền kinh tế nào
Ảnh: www.hazelhenderson.com

R.V: Cả ba chúng tôi đều quan tâm tới thương mại xuyên biên giới và toàn cầu hoá. Rawi tập trung vào dòng chảy vốn toàn cầu và Lou tập trung vào đầu tư nước ngoài. Tôi đang cố gắng chỉ ra rằng các chính phủ cần thiết lập một môi trường chung đảm bảo cạnh tranh thắng lợi trong nền kinh tế toàn cầu. Một chính phủ tồi chỉ có thể dẫn tới kinh doanh kém cạnh tranh.

S.S: Bây giờ ông đang nghiên cứu gì?

R.V: Tôi đang thực hiện việc xây dựng mô hình các trường hợp thực tế và hướng tới khá học được quan tâm nhất của chúng tôi: BGIE (Kinh doanh, chính phủ và kinh tế quốc tế). Tuy nhiên, dự án nghiên cứu tiếp theo của tôi sẽ tập trung vào lịch sử hiện đại của quản lý kinh tế vĩ mô ở Mỹ – có lẽ từ Franklin D. Rosevelt cho đến Georgre W. Bush! Nhưng đó chỉ mới là kế hoạch.

Sean Silverthorne[1]

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.



[1] Sean Silverthorne là biên tập viên mục Working Knowledge của Trường QTKD Harvard