Trang chủ » Điểm nóng » Ngợi ca những thất bại vẻ vang

Ngợi ca những thất bại vẻ vang

Tác giả:

 
Hãy dũng cảm lên! Dám mắc sai lầm!

Bạn có dám khẳng định không bao
giờ mình mắc sai lầm?
Ảnh: imagecache2.allposters.com

Đây chính là mệnh lệnh của tân Giám đốc Điều hành một hãng bán lẻ danh tiếng của Anh dành cho những nhà quản lý vài năm trước đây, khi giá cổ phiếu của công ty này rớt giá và doanh số bán hàng bị sụt giảm.

Không có gì ngạc nhiên khi đội ngũ quản lý phản đối lại mệnh lệnh này. Lâu nay, công ty vốn không chấp nhận những thất bại. Những nhà quản lý không thể trở thành những người liều lĩnh chỉ trong nháy mắt. Cuối cùng, họ vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp hành mệnh lệnh.

Họ đều bị sa thải khi phạm sai lầm?

Tôi cho rằng điều này xảy ra rất nhiều trong các công ty. Như Bob Sutton[1] đã chỉ ra trong những thành công và thất bại gần đây của ông ta, các công ty hiếm khi ưu ái sự thất bại. Các nhà quản lý thường quá bận để có thời gian nhìn lại những thất bại hay rút ra những bài học kinh nghiệm từ những sai lầm.

Tất cả các nhà quản lý đều được lập trình sẵn bằng thứ ngôn ngữ của sự thành công: Liên tục cải tiến, chất lượng hoàn hảo, quản lý hoạt động tốt, những hoạt động gây tiếng vang tốt hơn những sai lầm hay những thất bại…

Nhưng tôi đã phải nghĩ lại khi gần đây tôi gặp một người đàn ông có nhiệm vụ ngợi ca những thất bại (đúng hơn là những thất bại vẻ vang) ngang với mức độ ngợi ca những thành công.

Paul Iske, Phó Chủ tịch cấp cao và Chuyên viên nghiệp vụ chính của ngân hàng Dutch, ABN AMRO là người sáng lập tổ chức có cái tên nghe rất kêu: Institute of Brilliant Failures (Tổ chức của những người thất vại vẻ vang). Ông sáng lập ra tổ chức này khi nhận thấy ngân hàng thường từ chối đầu tư cho những doanh nhân có tài nhưng ý tưởng của họ bị thất bại (mà nguyên nhân chính thường là do những sai lầm không phải của riêng họ).

Đây chính là nơi sáng lập ra tổ chức
Institute of Brilliant Failures
Ảnh: media.usinenouvelle.com

Iske nói: “Không có sự đổi mới nào không trải qua những thất bại; và không có thất bại nào ngoài mục đích đổi mới (…) Có sự khác biệt rất lớn giữa những người thất bại do ngu ngốc với những người thất bại vì họ nảy ra những ý tưởng tuyệt vời nhưng chưa gặp đúng thời điểm và thời cơ thuận lợi.”

Iske cho rằng khi thế giới ngày càng trở nên phức tạp thì con người ngày càng dễ mắc sai lầm. Vì thế, việc các công ty, tổ chức biết chấp nhận thất bại là điều bình thường và không cần thiết phải đưa ra sự trừng phạt ngay lập tức.

Để tăng mức độ của cuộc tranh luận về những thất bại, ông đặt ra một số tiêu chuẩn cho những thất bại vẻ vang (những ý tưởng lớn thất bại vì hoàn cảnh hơn là vì năng lực):

  • Phải có ý định tạo ra giá trị mới (trong một tổ chức hay xã hội nào đó)
  • Thất bại không phải vì một lỗi cá nhân ngớ ngẩn
  • Phải học được gì từ thất bại đó
  • Phải tạo ra được nguồn cảm hứng từ thất bại đó

Có một chân lý rằng mỗi thất bại là một bài học. Đôi khi, bài học rất hiển nhiên: Có một định hướng mới, một cách tiếp cận mới hoặc quyết định từ bỏ kế hoach. Nhưng cũng có những bài học rất tinh tế nhờ thất bại: Mở rộng suy nghĩ của bạn, làm sáng tỏ những vấn đề khi xử lý công việc và là điều cần thiết vì sự thành công tuyệt đối dễ làm nảy sinh tính tự mãn.

Thất bại cũng là cách tích cực để tạo sự đổi mới. Nếu một công ty muốn trở nên tân tiến và phát triển hơn, thu hút và giữ chân được những bộ óc thông minh nhanh nhạy, họ phải cho phép, thậm chí khuyến khích thất bại. Nhưng bản thân cách tiếp cận này cũng có sự căng thẳng, như tác giả và cố vấn người Anh Charles Leadbeater[2] đã miêu tả điều đó là “những đổi mới gây khó xử”:

Chấp nhận thất bại, nhưng phải biết vượt qua
Ảnh: www.torontoartexpo.com

  • Sự đổi mới nghe có vẻ thú vị nhưng có thể gây hậu quả tệ hại và dễ thất bại (Các nhà quản lý phải thực hiện nó nhưng lại ghét chính ý tưởng đó)

  • Sự đổi mới đòi hỏi mọi người cùng nhau chia sẻ thách thức (Nhưng làm một nhà quản lý nghĩa là phải chịu trách nhiệm)
  • Sự đổi mới bắt nguồn từ việc thừa nhận mình không biết gì (Nhưng làm một nhà quản lý nghĩa là phải biết câu trả lời)
  • Sự đổi mới đòi hỏi người ta phải vay mượn ý tưởng từ người khác và phải biết khiêm tốn (Nhưng nhà quản lý lại ghét thú nhận rằng ai đó giỏi hơn mình)
  • Bạn có thể chấp nhận thất bại ở mức độ nào?

    Văn hoá và lịch sử công ty bạn có chấp nhận và rút ra bài học từ thất bại?

    Nếu có, bạn đã học được những gì?

    Cuối cùng công ty của bạn có tiến bộ và phát triển hơn không?

    – Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Gill Corkindale[3]

    • HBV-TVN

    Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.



    [1] Bob Sutton, tên thật là Robert Sutton, giáo sư của tổ chức Management Science (Quản lý Khoa học) và là kỹ sư nghiên cứu của trường Đại học Stanford, Là người đồng sáng lập tổ chức Center for Work, Technology and Organization (Trung tâm của Thế giới, Khoa học và tổ chức)

    [2] Charles Leadbeater là lãnh đạo cao cấp về lĩnh vực đổi mới và sáng tạo. Ông có kiến thức sâu rộng về các công ty, các trung tâm thương nghiệp và lĩnh vực lãnh đạo chính quyền. Ông còn là một cố vấn của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

    [3] Gill Corkindale, là nhà huấn luyện quản lý và là cây bút kỳ cựu ở Luân Đôn. Bà đã làm việc với các Giám đốc và lãnh đạo từ Âu, Mĩ, Pakistan, châu Á, Sudan và Ả rập, thuyết minh về những chiến lược kinh doanh hiệu quả và thay đổi con người.