Trang chủ » Điểm nóng » Giáo dục: Chuyện không của riêng ai…

Giáo dục: Chuyện không của riêng ai…

Tác giả:


Thực tế tình hình giáo dục trung học tại Mỹ

Giáo dục ở Mỹ cũng là một mớ hỗn độn
và xa lạ với thực tiễn
Ảnh: www.sde.ct.gov

Trong tháng sáu, học sinh cuối khóa ở các trường trung học Mỹ sẽ nhận bằng tốt nghiệp và thực sự bước vào cuộc sống. Vậy mà, họ hầu như còn hoàn toàn xa lạ với thực tiễn kinh tế mà họ sẽ phải đối mặt.

Tuy nhiên, trên thực tế, có đến gần một phần tư số học sinh Mỹ ở độ tuổi 18 chưa được nhận bằng tốt nghiệp trung học vào tháng 6 tới. Và rất nhiều trong số họ sẽ không bao giờ lấy được bằng.

Số học sinh tốt nghiệp trung học của Mỹ hiện đang thấp hơn mức trung bình của 30 nước thành viên OECD[1]. Các nước như Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Ai-len, I-xra-el, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na-uy đều có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp là lớn hơn hoặc bằng 90%, trong khi đó tỷ lệ này ở Mỹ đã giảm xuống dưới 80%.

Thậm chí tỷ lệ còn thấp hơn ở nhiều khu vực của Mỹ. Tỷ lệ tốt nghiệp của toàn bang California chỉ khoảng 71%. Trong đó, nhóm học sinh Mỹ gốc Phi chiếm 57%, và gốc Latinh chiếm 60%.

Đây là nguyên nhân khiến cho Gary Orfield, Giám đốc dự án Quyền công dân (The Civil Rights Project) của Harvard gọi những trường lớn ở các quận trong thành phố là “Trung tâm sản xuất các học sinh bỏ học giữa chừng”.

Trong vòng bốn năm, ở Los Angeles[2] và Oakland[3], số học sinh tốt nghiệp chỉ bằng gần nửa số học sinh nhập học ban đầu (sau đó một số học tiếp văn bằng Phát triển Giáo dục Toàn bộ – General Educational Development (GEDs)).

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học ở Mỹ
đang giảm sút ở mức báo động
Ảnh: www.kettering.edu

Điều gì sẽ xảy ra sau đó?

Mấy tuần trước đây, trường trung học nơi con gái tôi đang theo học đã mời một số học sinh tốt nghiệp trong khoảng thời gian 1990 – 1991 về trường tham gia hội thảo. Hội thảo này nhằm mục đích truyền đạt những hiểu biết và suy nghĩ của những học sinh đã tốt nghiệp cho lớp học sinh sắp ra trường.

Tất cả những người tham gia đã hết sức kinh ngạc khi các bài diễn thuyết của họ xoay quanh một chủ đề chính: Sự không phù hợp của phần lớn những gì họ được học ở trường với những gì họ đã làm sau đó.

Tôi cũng xin nêu lên hai ưu điểm: Tôi yêu ngôi trường của con gái tôi và tôi nghĩ rằng ở đó con gái tôi nhận được sự giáo dục đầy đủ và tốt đẹp. Có thể, những học sinh đã tốt nghiệp này đều đang làm phóng viên cho Family Guy[4] nên họ luôn có cái nhìn hài hước đối với mọi vấn đề. Dĩ nhiên cũng có thể vấn đề không phải là như vậy.

Chúng ta cần tham gia thảo luận một cách thẳng thắn về sự phù hợp của nền giáo dục mà chúng ta đang áp dụng đối với lớp trẻ.

Phần lớn những gì học sinh học được
ở trường đều không phù hợp với thực tế
Ảnh:www.ebibleteacher.com

Cho dù là ở nội thành Los Angeles, nơi học sinh được quyền tự quyết nhiều vấn đề, hay là các trường dự bị ở New England[5], nơi học sinh có thể phát triển rất tốt và nội dung các môn học kết hợp được tính cổ điển và tính hiện đại, thì vẫn đặt ra một câu hỏi: “Những gì học sinh được học có liên quan như thế nào đến cuộc sống sau này của chúng?”

Một con số thú vị khác: Gần 60% số học sinh tốt nghiệp đại học là nữ. Đối với trường hợp này, các chàng trai giải thích rằng từ một góc độ nào đó, những kiến thức họ nhận được ở trường đại học là “không bõ công học”.

Năm nay, trong lễ phát bằng tốt nghiệp tại Học viện Rensselaer Polytechnic[6], bài diễn văn của Thomas Friedman[7] đã tập trung nói đến tầm quan trọng của những kỹ năng khoa học sẽ góp phần vào thành công trong tương lai của nền kinh tế Mỹ.

Tất nhiên là Friedman đã đúng. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ có vậy. Những công dân trẻ của chúng ta còn cần thêm rất nhiều những kỹ năng cơ bản khác nữa.

Vậy chúng ta cần làm gì để nội dung dạy học ở các nhà trường có thể phù hợp và hữu dụng hơn cho tất cả học sinh?

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Tammy Erickson –

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.



[1] Organisation for Economic Co-operation and Development – Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế.

[2] Los Angeles là thành phố được thành lập vào năm 1781, bởi những người Tây Ban Nha tại Mexico. Vào năm 1821 khi Mexico giành độc lập từ Tây Ban Nha, thành phố này là một phần của Mexico. Sau chiến tranh Mỹ – Mexico, Los Angeles lại rơi vào tay Hoa Kỳ. Đây là thành phố lớn nhất tiểu bang California và lớn thứ nhì tại Hoa Kỳ, thuộc quận Los Angeles.

[3] Oakland, thành lậpnăm 1852, là thành phố lớn thứ tám tại tiểu bang California (Hoa Kỳ) và là thủ phủ của Quận Alameda. Thành phố tọa lạc tại bờ Đông của vịnh San Francisco, nép mình vào đồi Berkeley và giáp với các công viên khu vực vịnh. Phía Bắc của thành phố là Berkeley, nơi có trường Đại học California tại Berkeley, phía bờ Tây là thành phố San Francisco.

[4] Family Guy là một chương trình truyền hình vui nhộn của Mỹ, là câu chuyện hư cấu về một gia đình hết sức thực dụng sinh sống ở Thị xã Quahog, Tiểu bang Rhode Island. Chương trình này được Seth MacFarlane tạo ra cho Fox Broadcasting Company (Công ty truyền hình Fox) năm 1999. Chương trình sử dụng thường xuyên “những lời nói đùa kịch tính” – những lời nói đùa mang hình thái mô tả hời hợt xung quanh diễn biến của một sự kiện nào đó
 
[5] New England là một vùng của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, có vị trí nằm ở vùng xa nhất phía Đông Bắc, bao gồm các bang như: Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island và Connecticut.
 
[6] Học viện Rensselaer Polytechnic là một tập đoàn Giáo dục,có trụ sở tại Thành phố Troy, Bang Michigan, Mỹ, kế thừa di sản của những nhà lãnh đạo kỳ cựu trong lĩnh vực khoa học có tầm quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Năm 2007, Học viện này được đánh giá là một trong những trường Đại học tốt nhất nước Mỹ.
 
[7] Thomas Friedman là nhà báo, nhà kinh tế học, đồng thời là bình luận gia hàng đầu của Mỹ về quan hệ quốc tế. Sinh năm 1953 tại Minneapolis, ông đã học Đại học Brandeis và trường St. Anthony, Đại học Oxford. Cuốn sách đầu tay “Từ Beirut đến Jerusalem” đoạt giải National Book Award năm 1988. Friedman cũng đoạt hai giải thưởng Putlitzer trong thời gian làm Trưởng phân xã tờ The NewYork Times tại Beirut và Jerusalem. Friedman hiện đang sống ở Bethesda, Maryland cùng vợ là Ann và hai con gái là Orly và Natalie. Ông là tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng: The Lexus and olive tree (TD: Chiếc Lexus và cây ô liu) và The World is Flat (TD: Thế giới phẳng).