Trang chủ » Tranh luận » VNR500: Suy thoái kinh tế là cơ hội cho Việt Nam

VNR500: Suy thoái kinh tế là cơ hội cho Việt Nam

Tác giả:

 

 – “Lạm phát năm ngoái phần lớn do giá thực phẩm tăng nhanh, với điều kiện hiện nay giá thực phẩm ở mức độ ổn định thì lạm phát cũng sẽ ổn định và không thay đổi nhiều”, ông Cheung Tai Hui, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á – Standard Charter Bank, phát biểu tại Diễn đàn VNR500 sáng 17/7.

Trên 200 đại biểu đã có mặt tại Diễn đàn của 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam – với chủ đề “Chiến lược quản trị tài chính – Tận dụng cơ hội sau suy thoái” (VNR500 SUMMIT 2009) tại khách sạn Caravelle, TP.HCM do Báo điện tử VietNamNet phối hợp với Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tổ chức.

Đây cũng là Hội nghị thường niên của VNR500 nhằm bàn thảo và tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Đâu là cơ hội sau suy thoái kinh tế?”. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamNet, trao đổi cùng các chuyên gia quốc tế bên lề Diễn đàn VNR500. (Ảnh: Hoài Sơn)

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamNet cho biết, hơn lúc nào hết, chính những thành viên VNR500 cần phải tạo ra sức mạnh và cùng nhau vượt qua cuộc suy thoái kinh tế này. Tuy nhiên, làm gì và làm như thế nào luôn là trăn trở của VietNamNet và VNR 500.

Chính vì vậy, hôm nay chúng ta ngồi đây để cùng nhau bàn thảo với các diễn giả là các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước để giúp các doanh nghiệp tìm ra cơ hội sau suy thoái kinh tế”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ với hơn 200 doanh nghiệp của VNR500 tham dự tại diễn đàn lần này, ông Cheung Tai Hui, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á – Standard Charter Bank cho rằng, Việt Nam sẽ là một môi trường mà nhà đầu tư lựa chọn trong cuộc suy thái kinh tế này vì các vấn đề chính trị không ảnh hưởng tới cảm giác của nhà đầu tư, trong khi các nước khác thì họ rất quan tâm vấn đề này.

VNR500 Summit 2009 là một trong những hoạt động “offline” thường niên của CLB VNR500.

Sau 3 năm hoạt động, CLB VNR500 đã thu hút được 300 hội viên thuộc Top 500 DN lớn nhất Việt Nam.

Thay đổi lãnh đạo ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến cán cân, chính sách đối với nền kinh tế. Ngoài ra các nước khác như Thái Lan, Malaysia hoặc kết quả bầu cử ở Indonesia cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế. Các nhà đầu tư rất chú ý tới vấn đề này, vì vậy đây là cơ hội cho Việt Nam”, ông nói.

Theo ông, niềm tin là một yếu tố quan trọng, then chốt. Nếu nhà bán lẻ, doanh nghiệp không phục hồi niềm tin thì nền kinh tế sẽ chậm và ngược lại với các nước châu Á.

Ông Cheung Tai Hui cũng cho rằng, thị trường đang không lạc quan vì vẫn còn quan ngại lạm phát. Xem lại thâm hụt thương mại của Việt Nam thì có vẻ bức tranh toàn cảnh tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở khoảng 3 – 4% và tỉ lệ lạm phát những tháng sắp tới vẫn còn ở 2,7%.

Năm 2008 được đánh giá là nền kinh tế gặp khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp lao đao nhưng các doanh nghiệp trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500) vẫn thể hiện được vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Cụ thể, 33% doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR 500 vẫn đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 tỷ đồng, 29% đạt được mức 50-100 tỷ đồng.

  • Đoàn Quý