Trang chủ » Tranh luận » Đi tìm thước đo cho doanh nghiệp Việt

Đi tìm thước đo cho doanh nghiệp Việt

Tác giả:

(VietNamNet) – Gần đây khi mà quá trình cổ phần hoá diễn ra mạnh mẽ, đồng thời thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, một nhu cầu mới đang đặt ra với các nhà đầu tư là cần một thước đo cho doanh nghiệp Việt để họ có thể tham khảo trước khi đầu tư.

>> Vai trò của xếp hạng và giải thưởng đối với doanh nghiệp

1

Trên thế giới, việc lựa chọn của nhà đầu tư khi định làm ăn với doanh nghiệp nào đó trở nên rất đơn giản, với việc tham khảo các mô hình đánh giá và xếp hạng sẵn có như Fortune 500, S&P 500… (Ảnh minh họa. Nguồn: hotjobs.com)

Một thước đo có đủ khả năng phản ánh được kịp thời những thay đổi của doanh nghiệp trong từng giai đoạn, nhất là hiện nay, khi đất nước mở cửa hoà cùng dòng chảy của thị trường quốc tế.

Nếu như trên thế giới, việc lựa chọn của nhà đầu tư khi định làm ăn với doanh nghiệp nào đó trở nên rất đơn giản, với việc tham khảo các mô hình đánh giá và xếp hạng sẵn có, thì ở Việt Nam, đây vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp thấu đáo.

Tại Mỹ, với S&P 500 – chỉ số đo lường 500 mã cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất của Hoa kỳ được tính toán và công bố bởi Công ty Standard & Poors thì nhà đầu tư có thể lựa chọn được trong phạm vi hẹp đó, để đầu tư nhanh chóng, thay vì tự khảo sát điều tra một cách không chuyên nghiệp. S&P là một chỉ số đáng tin cậy luôn được các quỹ đầu tư tin dùng. S&P 500 gồm 500 công ty, trong đó 400 công ty ngành công nghiệp, 20 công ty ngành giao thông vận tải, 40 công ty ngành phục vụ, 40 công ty ngành tài chính.

Hoặc Fortune 500 – Danh sách xếp hạng TOP 500 công ty đại chúng hàng đầu của Hoa Kỳ dựa trên tổng doanh thu do Tạp chí Fortune đưa ra. Fortune 500 là danh hiệu đo lường sức mạnh của các DN dựa trên doanh thu, nên có hạn chế trong việc phản ánh thực chất của các doanh nghiệp cũng như tương quan thứ hạng. Bên cạnh đó Fortune cũng có công bố các danh sách xếp hạng khác nhau dựa trên các chỉ tiêu cụ thể như: Top 100 về doanh thu, top các công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao (Top revenue growth), doanh nghiệp có số nhân công cao (Big employer), công ty có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao (High profit growth)…

Fortune luôn theo sát tình hình phát triển của kinh tế thế giới.
Fortune luôn theo sát tình hình phát triển của kinh tế thế giới.

Mô hình bảng xếp hạng của Fortune dựa trên nguyên tắc đơn giản, hiệu quả mà vẫn phản ánh được bức tranh tổng thể về xếp hạng doanh nghiệp. Fortune sử dụng các yếu tố cơ bản để xếp hạng theo từng tiêu chí độc lập nên rất phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển đặc biệt là ở các nước còn thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu cơ bản cũng như những nước có hệ thống chỉ tiêu đánh giá khác biệt với các doanh nghiệp theo hệ thống kế toán của Hoa Kỳ.

Với hiện trạng hiện nay của Việt Nam, một mô hình như Forbes 500 hay Fortune 500 (tất nhiên không rập khuôn), cũng là điều nhiều nhà đầu tư đang mong mỏi. Tuy vậy, áp dụng mô hình hiện đại như vậy không phải là điều dễ dàng.

Chẳng hạn, nếu theo mô hình Forbes 500 và chỉ dựa trên những chỉ tiêu hiện tại để đánh gía như: Doanh thu, tài sản, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận và số lao động thì vẫn gặp nhiều hạn chế như: tài sản của các doanh nghiệp nhà nước rất khó xác định và thường không tính đủ (vấn đề về sở hữu đất đai, vấn đề cấp phát vốn của Nhà nước, vấn đề công nợ của các DNNN…) hoặc sự mất cân bằng giữa lao động trong các ngành như dệt may và tài chính ngân hàng… đồng thời cả sự hạn chế về hệ thống cơ sở dữ liệu, sự không thống nhất trong mô hình quản lý hạch toán của các tổng công ty nhà nước và các đơn vị thành viên.

Bên cạnh đó, nền kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, do vậy sẽ gây khó khăn cho việc xác định mô hình sở hữu cũng như tổng hợp dữ liệu. Về tổng thể, vẫn có thể đưa ra bức tranh tổng quát về xếp hạng doanh nghiệp, tuy nhiên, kết quả đưa ra sẽ có nhiều sai lệch.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia tới từ Công ty Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thì với hiện trạng cơ sở dữ liệu cũng như tình hình thực tế các DN hiện nay của Việt Nam, mô hình đánh giá đơn giản và hiệu quả của Fortune 500 là phù hợp nhất.

"Chính vì vậy mà chúng tôi đang xây dựng VNR500 – một bức tranh tổng thể phản ánh hiện trạng sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam", đại diện phía Vietnam Report cho biết.

VNR500 là danh sách các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu. Vietnam Report sẽ công bố 02 danh sách xếp hạng như dưới đây: Danh sách thứ nhất, danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (không phân biệt về sở hữu: Nhà nước, tư nhân, nước ngoài). Danh sách thứ 2, danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam về doanh thu. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân: có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 70%.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra rất hào hứng với một danh sách tin cậy như vậy, bởi nó giúp họ có được những quyết định đầu tư đúng đắn và quyết đoán trong thời gian ngắn nhất.

Hơn nữa, cũng phải thừa nhận rằng, cần thiết phải có một danh sách cụ thể như vậy, như một cách tôn vinh các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, bởi đó là một phần quan trọng xây dựng tương lai của nền kinh tế nước nhà.

  • Nhật Vy