Trang chủ » Tranh luận » Sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Tác giả:

(LĐCT) – Đầu những năm 2000, Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam (Vinachem) là một trong những DN tiên phong trình diễn kỹ thuật sản xuất sạch hơn (Cleaner Production – CP) và hiện nay đang từng bước áp dụng CP trong tất cả công đoạn/dây chuyền sản xuất của các DN thành viên.

Phó Tổng giám đốc Vinachem Ngô Mạnh Hoài cho biết:
 

Cty Giấy Phong Châu chuyên sản xuất giấy crafl từ tre, nứa, giấy phế liệu và bột giấy thải của Công ty Giấy Bãi Bằng chủ động đầu tư 439 triệu đồng cho các giải pháp sản xuất CP.

– Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền công nghiệp hoá chất VN tạo ra những thách thức mới cho môi trường. Vì thế, để có thể phát triển Vinachem một cách bền vững, chúng tôi buộc phải quan tâm đến việc làm thế nào để vừa đảm bảo các lợi ích kinh tế, đồng thời giảm ô nhiễm và bảo vệ được môi trường.

Tham dự các khoá phổ biến CP do Nhà nước (cụ thể thời đó là Bộ Công thương) tổ chức, TCty nhận ra CP là phương sách tốt nhất để kết hợp hai yếu tố này. Do đó, Vinachem đã chủ động bỏ vốn để đẩy mạnh ứng dụng CP từ cấp TCty đến các DN thành viên.

Một số DN của Vinachem đã tham gia trình diễn kỹ thuật đánh giá SXSH nhằm thuyết phục giới công nghiệp tiếp nhận CP vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 2 năm 2007 – 2008, TCty đầu tư hơn 150 tỉ đồng cho các hoạt động liên quan đến CP.  Hiện nay, 90% trên tổng số 44 DN của Vinachem đã áp dụng CP.

– Những kết quả thu được từ việc áp dụng CP là gì, thưa ông?

– Kết quả đánh giá CP tại các DN thành viên cho thấy nhiều cơ hội tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, vật tư và tài nguyên nước cũng như giảm chất thải trong sản xuất. Cụ thể, từ năm 2003, Công ty Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đã chuyển đổi hoàn toàn công nghệ sản xuất H2SO4 từ đốt pyrit sang lưu huỳnh, giảm thiểu đáng kể hàm lượng SO2 và SO3 trong khí thải và hầu như không còn chất thải rắn ra ngoài môi trường.

Nhà máy Hoá chất Biên Hoà (Công ty Hoá chất cơ bản miền Nam) đầu tư công nghệ điện phân xút (clo) sử dụng màng trao đổi ion (membrane), giúp tăng năng lực sản xuất từ 6 vạn lên 10 vạn tấn sản phẩm/năm, giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu. Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển (Hà Nội) sau khi cải tạo lò cao, cải tạo hệ thống thu bụi xử lý khí thải, nước thải đã tăng công suất lò lên 10 vạn tấn/năm, giảm định mức tiêu hao than 24% và điện 20%, giải quyết triệt để bụi thải và các thành phần độc hại trong khí thải và nước thải.

Công ty cổ phần Hoá chất Việt Trì (Phú Thọ) lắp đặt bể lắng lọc 3 ngăn thu hồi sợi amiăng cho khu vực sửa chữa thùng điện phân, giúp thu hồi nước trong dây chuyền sản xuất hơn 70% về hồ tuần hoàn, giảm lượng nước thải, khí thải chứa H2S, S02 ra môi trường v.v… Trong thời gian đầu áp dụng CP, một số đơn vị khác còn giảm được 30% chi phí sản xuất.

Tôi thấy rằng, việc thực hiện các giải pháp CP đơn giản, đòi hỏi đầu tư ít cũng có thể nhanh chóng nâng cao hiệu quả kinh tế cho DN và hiệu quả bảo vệ môi trường.

– Vinachem sẽ tiếp tục thúc đấy ứng dụng CP?

– Trong thời gian tới, Vinachem đặt mục tiêu thực hiện một loạt biện pháp CP trong tất cả công đoạn/dây chuyền sản xuất của các DN thành viên. Để làm được điều này, hàng năm, Vinachem đều cử cán bộ tham dự một số khoá đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị năng lực về CP; chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về CP từ cấp TCty đến các DN thành viên.

 
  • Hải Long