Trang chủ » Tranh luận » Nhìn từ bảng xếp hạng VNR 500: Tăng tốc chuyển dịch cơ cấu sở hữu

Nhìn từ bảng xếp hạng VNR 500: Tăng tốc chuyển dịch cơ cấu sở hữu

Tác giả:

Bảng xếp hạng VNR500 năm 2009 tiếp tục khẳng định vị vai trò dẫn dắt nền kinh tế của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) (chiếm tỷ trọng 45,3%). Tuy nhiên, bảng xếp hạng cũng chứng kiến nỗ lực vươn lên của khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và FDI…

DNNN- vẫn lớn, vẫn hiệu quả thấp
Năm 1998, số lượng DNNN là 5.600. 10 năm sau còn 1.700 DNNN. Năm 2009, con số này khoảng 1.500. Dù số lượng DNNN giảm nhanh chóng qua các năm nhưng khối doanh nghiệp này vẫn đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi so với các thành phần kinh tế khác, DNNN đang ngày càng bộc lộ nhiều yếu điểm.
Bất chấp những điều kiện ưu đãi, các hệ số ICOR, doanh thu thuần, khả năng tạo việc làm của khu vực kinh tế Nhà nước đều thấp hơn nhiều lần so với khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Ví dụ, DNNN phải đầu tư tới hơn 708 triệu đồng để tạo ra một việc làm, so với 463 triệu đồng của DNTN và 505 triệu đồng của doanh nghiệp FDI.

Hơn nữa, rất nhiều DNNN đang được hưởng ưu đãi tài chính. Do đó, nguy cơ mang lại rủi ro lớn. Theo trung tâm Thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 6/2009, có bốn tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước nợ vốn vay vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, một tỷ lệ lớn đến mức có thể mang lại rủi ro. Trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tỷ lệ nợ là 15,33% so với vốn tự có của một ngân hàng thương mại Nhà nước. Tương tự, tập đoàn Bưu chính viễn thông có tỷ lệ nợ là 18,90% tại một ngân hàng thương mại Nhà nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nợ với tỷ lệ 71,97% và 22,49% tại hai ngân hàng thương mại Nhà nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ với tỷ lệ là 22,77%, 22,49% và 71,97% tại ba ngân hàng thương mại Nhà nước.

Về hiệu quả đầu tư, hệ số ICOR của khu vực Nhà nước luôn cao hơn của khu vực tư nhân (từ 2,23 đến 2,44 lần tùy theo cách tính). Năm 2009, ICOR khu vực Nhà nước lên tới mức báo động 12 lần (mức chung của nền kinh tế là 8 lần). Điều này cho thấy, hiệu quả sử dụng đồng vốn của DNNN thấp đến mức kỷ lục.
Không chỉ yếu kém trong hiệu quả đầu tư, DNNN còn liên tục nhập siêu với mức độ ngày càng tăng trong suốt 13 năm từ 1995 tới 2008. Đây là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại.

DNTN- nhiều và nhỏ
DNTN Việt Nam được định vị từ năm 1990 khi Luật DNTN và Luật Công ty được ban hành. Sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, DNTN có bước phát triển khá nhanh. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 6/2008, cả nước có 349.309 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn 1.389.000 tỉ đồng, tương đương 84 tỉ USD. Trong đó, có tới 87% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo tiêu chí vốn đăng ký không quá 10 tỉ đồng và số công nhân không quá 300 người), còn 13% doanh nghiệp được coi là lớn, nhưng cũng chỉ thuộc loại nhỏ và vừa của các nước khác trên thế giới (theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có dưới 500 công nhân).

Tuy khối DNTN tăng nhanh về số lượng nhưng quy mô đầu tư sản xuất nói chung còn tương đối nhỏ. Một DNTN bình quân chỉ có 31 lao động, 4 tỷ đồng vốn – thấp hơn đáng kể so với con số 421 lao động và 167 tỷ đồng vốn của DNNN và 299 lao đồng, 134 tỷ đồng vốn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quy mô vốn có hạn đã hạn chế khả năng trang bị công nghệ tiên tiến của DNTN, với mức đầu tư trung bình cho tài sản cố định trên một lao động chỉ có 43 triệu đồng so với 137 triệu đồng đối với DNNN và 247 triệu đồng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Quy mô nhỏ bé của khối DNTN chứng tỏ chúng ta chưa huy động được phần vốn đang còn rất lớn trong dân vào sản xuất, kinh doanh. Và người dân chưa mặn mà với những lĩnh vực đầu tư kinh doanh một cách cơ bản, lâu dài. Hơn nữa, môi trường thể chế, chính sách, những biện pháp trợ giúp chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn lớn vào kinh doanh, cho nên nhà đầu tư tư nhân vẫn chỉ đầu tư ở mức nhỏ lẻ, nhất thời.

Trong những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã được nhìn nhận như động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2008, kinh tế tư nhân trong nước đóng góp khoảng 10% GDP. Đặc biệt, hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân rất cao. Số doanh thu thuần tạo ra bởi một đồng vốn của doanh nghiệp tư nhân gấp hơn ba lần so DNNN và trên 2,9 lần so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp FDI- dụng nhân như dụng mộc
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, về hoạt động sản xuất kinh doanh, khu vực FDI vẫn thể hiện tính năng động hơn khu vực doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt 13,6 tỷ USD, bằng 81% so với cùng kỳ và chiếm 49,3% tổng xuất khẩu cả nước. Điều này cũng cho thấy, dù các nền kinh tế đối tác chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế dẫn tới nhu cầu với hàng hóa của Việt Nam giảm nhưng suy giảm xuất khẩu khu vực FDI thấp hơn mức suy giảm của khu vực trong nước. Nếu phát triển với tốc độ hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 19 đến 20 tỷ USD trong năm nay, thay vì 34,5 tỷ USD như năm 2008.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không sử dụng nhiều lao động có trình độ như DNNN, nhưng hiệu quả hoạt động lại hơn hẳn. Đó là kết quả một cuộc điều tra về tiền lương trong các khối doanh nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cuộc điều tra được tiến hành bằng hình thức phát phiếu và phỏng vấn trực tiếp tại 500 doanh nghiệp ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong số đó, 41,6% doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động, 18,8% doanh nghiệp có quy mô từ 100 đến 300 lao động và 40,6% số doanh nghiệp có quy mô trên 300 lao động. Theo loại hình doanh nghiệp, 23,6% số doanh nghiệp được điều tra là DNNN, 58,4% là DNTN và 18% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả điều tra cho thấy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá là biết dùng người nhất. Điều này thể hiện ở hiệu quả sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp tính theo lao động. Kết quả khảo sát cho thấy, 1 đồng tiền lương đã tạo ra 1,1 đồng lợi nhuận tại khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi chỉ tạo ra 0,5 đồng trong khối DNTN và 0,3 đồng tại khối DNNN.

Điều đáng nói là, với năng suất lao động cao nhất, nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại không sử dụng nhiều lao động có trình độ như các loại hình doanh nghiệp khác. Số lao động đã qua đào tạo, đã có chứng chỉ hoặc bằng cấp về nghề trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 41,7% tổng số lao động làm việc 1 năm trở lên trong doanh nghiệp. Trong khi đó, DNNN là nơi sử dụng nhiều lao động đã qua đào tạo nhất, với tỷ lệ là 66,2%. Tiếp đó, khối DNTN sử dụng 46,9% tổng số lao động đã qua đào tạo.

Thực tế trên cho thấy, bài toán sử dụng nguồn nhân lực làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khi hội nhập không còn là chuyện nhỏ. Vấn đề đặt ra là, vì sao các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại dùng người có hiệu quả hơn hẳn các loại hình doanh nghiệp khác? Để trả lời được những câu hỏi này, không chỉ đơn thuần là nâng cao chất lượng lao động như cách nhiều người vẫn thường lý giải, mà mấu chốt ở đây là việc quản trị nguồn nhân lực trong nội bộ các doanh nghiệp.
 

  • Nguyễn Minh