Trang chủ » Tranh luận » Doanh nghiệp xa lạ với nhiều cam kết thương mại

Doanh nghiệp xa lạ với nhiều cam kết thương mại

Tác giả:




Nhiều doanh nghiệp không tận dụng được những lợi thế từ các cam kết thương mại quốc tế mang lại mà còn gặp những rủi ro như bị kiện chống bán phá giá…

 

Hội nhập đối với các doanh nghiệp (DN) còn khá xa lạ. Chính vì không được tham gia xây dựng chính sách nên sự thay đổi các văn bản pháp luật, nhất là các cam kết thương mại quốc tế khiến đa phần DN mù tịt. Đó là ý kiến đáng chú ý được ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nêu ra tại lễ ra mắt Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại tổ chức ngày 29-1.

 

Góp ý cho chính sách còn hình thức

 

Giải thích lý do nói trên, ông Cường nêu: Thực tế không ít cơ quan ban hành văn bản pháp luật còn xem việc góp ý xây dựng chính sách của DN, hiệp hội ngành hàng chỉ là hình thức. Nhiều góp ý của DN chưa được xem là một trong những nguyên liệu đầu vào khi xây dựng chính sách. Đa phần DN cũng chưa nhận thức đúng vai trò của mình dù chính sách đó khi được ban hành sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động, đến kết quả kinh doanh của DN.

 

 




Hơn 3 năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, Doanh nghiệp vẫn xa lạ với nhiều cam kết thương mại

 

Ông Cường băn khoăn, từ ngày 1-1-2010, chính sách thương mại ASEAN – Trung Quốc có hiệu lực, những chính sách bảo hộ đối với các DN trong nước đã bị xóa bỏ hoàn toàn hay chưa? Nếu xóa bỏ hàng rào thuế quan, với mức thuế suất 0%, những DN sản xuất thép trong nước sẽ gặp khó khăn rất lớn khi thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Chúng ta xây dựng được thương hiệu thép cây, còn thép cuộn thì khó có thể cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Hội đồng Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết kinh nghiệm của các nước là luôn luôn rà soát, đánh giá tác động trước khi ban hành chính sách về thương mại, cũng như các ký kết và các văn bản pháp luật liên quan đến các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này gần đây mới được đề cập. Chính vì vậy, DN đã gặp rủi ro không đáng có, không tận dụng được lợi thế do các cam kết mang lại, mà lại bị kiện chống bán phá giá…

 

Thông tin chính sách đặc biệt quan trọng

 

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh – Trưởng ban Pháp chế (VCCI), Chính phủ đang gia tăng việc đàm phán các hiệp định thương mại, các đàm phán trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha của WTO… Do vậy, việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng DN vào quá trình đàm phán, thực thi các cam kết quốc tế của Chính phủ đặc biệt cần thiết và hữu ích cho cả Chính phủ và DN. Trong hội nhập, thông tin phải là hàng đầu, đặc biệt là thông tin về chính sách, nhất là trong quá trình ban hành, sửa đổi bổ sung để các DN có thể tận dụng được các cơ hội mà các cam kết mang lại và tránh được rủi ro khi hội nhập hay áp dụng các công cụ pháp luật kịp thời.

 

Luật sư Huỳnh cũng lưu ý các nhóm lợi ích càng ngày càng đa dạng và phong phú. Nhiều nhóm lợi ích đối lập nhau. Vụ kính nổi là một biểu hiện cụ thể của quá trình hội nhập giữa nhà sản xuất trong nước và các DN nhập khẩu nước ngoài. Sự phân hóa về lợi ích cũng thể hiện rõ nét ngay trong mỗi hiệp hội. Đó là điều mà chúng ta có thể lường trước để các hiệp hội tính toán, có thể chia nhỏ các nhóm DN của mình theo lợi ích.

 

Theo Pháp luật online