Trang chủ » Tranh luận » Ngày xuân nói chuyện nội lực văn hoá doanh nhân

Ngày xuân nói chuyện nội lực văn hoá doanh nhân

Tác giả:







Từ ngày nước ta mở cửa hội nhập, văn hoá thương mại đã có những biến đổi tích cực. Từ mua bán theo tem phiếu, “mua như cướp, bán như cho”, chuyển sang thuận mua vừa bán – là một bước ngoặt quyết định, phù hợp với văn minh thương mại quốc tế.

 

Cái được và cái mất

 

Nhờ mở cửa hội nhập mà chất lượng, mẫu mã, bao bì hàng hoá trong nước đã tiến một bước dài. Hàng hoá tốt hơn, đẹp hơn, tiện dụng hơn. Hàng trăm mặt hàng Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính của các nước châu lục. Nhờ mở cửa, hội nhập, trình độ tiêu dùng trong nước đã tăng lên đáng kể trên nhiều mặt của cuộc sống tiện nghi và văn minh. Đáng mừng hơn là thời mở cửa đã đào tạo nên đội ngũ doanh nhân Việt Nam tầm cỡ quốc tế. Đó là các nhà doanh nghiệp lịch lãm, có tính tự chủ, tự tôn dân tộc cao, am hiểu kỹ thuật hiện đại, lấy chữ tín làm đầu, làm ăn có hiệu quả cao. Các doanh nghiệp như Bia Sài Gòn, Hoàng Anh Gia Lai, May Việt Tiến, Cà phê Trung Nguyên, Bitis, Vinamilk, Hàng không Việt Nam… kinh doanh vượt bậc là nhờ biết “khai thác thế mạnh văn hoá dân tộc trong chất lượng hàng hoá, kiểu dáng, mẫu mã, dịch vụ”.

 

 

Xin bắt chước các nhà quân sự mà nói về văn hoá doanh nhân: “Doanh nhân là người biết đánh theo cách đánh của ta”, hoặc “buộc đối phương phải theo cách đánh (cách lựa chọn) của ta”. Đó chính là bản lĩnh – là nội lực văn hoá của các doanh nhân, là vũ khí của cạnh tranh và hội nhập.

 

Cái được mà thời mở cửa mang lại cho văn hoá kinh doanh còn có thể kể ra trên nhiều mặt khác như tạo ra mặt làm và thu nhập cao cho lao động trong nước, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ lao động Việt Nam, góp phần xoá đói, giảm nghèo… Nhưng cái mất, cái chưa được thì cũng không nhỏ! Thậm chí có nhiều mặt, sự nguy hại của nó đã đến mức báo động. Việc nhập lậu băng hình, sách báo đồi truỵ, các loại nhạc kích động, các hình thức kinh doanh trên thân xác phụ nữ, rồi ma tuý, đồ chơi bạo lực… đang trực tiếp làm băng hoại đời sống, thuần phong mỹ tục và văn hoá Việt Nam, đe doạ các thế hệ người Việt. Đạo lý, phong tục Việt Nam ngàn năm văn hiến đang bị đánh bật dần ra khỏi nhiều gia đình, nhiều bạn trẻ. Trong một số cơ sở liên doanh với nước ngoài, do nội lực văn hoá văn nhân yếu, những người lãnh đạo chuyên môn, công đoàn phía Việt Nam đã không dám đấu tranh, thậm chí a dua với ông chủ ngoại quốc đánh đập, sỉ nhục cộng đồng người Việt Nam. Do nội lực văn hoá thấp, nhiều doanh nhân đã trực tiếp tổ chức hoặc tiếp tay cho bọn buôn lậu trong và ngoài nước, chống phá quyết liệt kỷ cương phép nước.

 

Tôi muốn đặc biệt nhắc đến một nỗi buồn day dứt không nguôi. Ấy là việc do nội lực văn hoá thấp, đã có rất nhiều giám đốc mờ mắt trước đồng tiền – trở thành nô lệ, trở thành con rối trong tay các nhà buôn nước ngoài, lừa dối nhà nước; giúp bọn nước ngoài buôn bán hàng cấm, gian lậu thương mại, trốn lậu thuế, nhập rác, nhập thiết bị cũ kỹ, phá hoại môi trường sống, gây ô nhiễm các dòng sông… Xem ra cái mất do nội lực văn hoá doanh nhân thấp là không nhỏ!

 

Đi tìm nguyên nhân

 

Một trong những nguyên nhân đó là đã từ lâu, các trường đào tạo của chúng ta đã ít coi trọng tới việc nghiên cứu giảng dạy và vận dụng mối quan hệ qua lại giữa các quy luật đặc thù, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá, nhằm bồi dưỡng nội lực văn hoá cho các doanh nhân ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Một nguyên nhân khác là đó là không ít doanh nhân chưa chú ý đọc sách báo, tìm hiểu sâu văn hoá dân tộc để phục vụ cho kinh doanh. Đó là cái gốc của vấn đề.

 

 






Muốn hội nhập thế giới, doanh nhân Việt phải có một nội lực văn hoá vững chắc

 

Nhà nghiên cứu văn hoá Phan Ngọc có một nhận định rất xác đáng rằng: “Nói đến văn hoá ở thời đại kỹ thuật là nói đến biện pháp kinh doanh văn hoá, đổi mới văn hoá để đất nước giàu có, phát triển”. Muốn làm được điều đó thì phải vận dụng kiến thức môn văn hoá học! Mỗi dân tộc đều có nét riêng biệt về văn hoá ở từng lĩnh vực, gọi là “độ lệch” văn hoá, hay ưu thế lựa chọn. Kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá là khai thác cái “độ lệch” ấy, làm cho người tiêu dùng thưởng thức giá trị của nó và cảm thấy mình giàu có lên. Quan niệm về kinh doanh văn hoá như trên giúp các nhà doanh nghiệp giải thoát được nỗi tự ti ám ảnh trước nền văn minh đồ sộ của phương Tây, lựa chọn cho mình một thế đứng, một thái độ bình đẳng hơn trong hợp tác làm ăn.

 

Nội lực văn hoá doanh nhân mạnh vừa có tác dụng bảo tồn và phát triển văn hoá doanh nghiệp, lại vừa tạo ra lợi nhuận cao, nâng cao uy tín dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Các thương gia Nhật Bản đã góp phần tạo ra một nền văn minh Nhật in đậm dấu ấn trên toàn thế giới. Hiển nhiên, điều đó không dễ dàng chút nào. Phải đầu tư thời gian, chất xám mới tìm ra được những nét văn hoá sáng giá, độc tôn, thể hiện được “độ lệch” văn hoá cao mới mong chiếm lĩnh được khách hàng, chiếm lĩnh được thị trường. 

 

Ngô Minh (Thời báo Doanh nhân)