Trang chủ » Tranh luận » Đằng sau “ánh hào quang” của tỷ phú giàu nhất thế giới

Đằng sau “ánh hào quang” của tỷ phú giàu nhất thế giới

Tác giả:




 

Carlos Slim, người đàn ông giàu nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí Forbes vào tuần trước, đã tạo ra hàng trăm ngàn việc làm ở Mexico, nhưng cũng được xem là một điển hình trong giới doanh nhân giàu có tích góp tiền của bằng cách “khai thác” triệt để người nghèo.

 

Carlos Slim, người giàu nhất thế giới hiện nay.

 

Carlos Slim có các công ty Telmex và America Movil thống trị ngành điện thoại Mexico và nhờ chúng mà ông xây dựng được khối tài sản trị giá 53,5 tỷ USD, đưa ông trở thành người giàu nhất thế giới, theo ước tính của tạp chí danh giá Forbes vào tuần trước.

 

Ở một đất nước với những ngôi nhà làm bằng các tấm tôn và bìa cát-tông nằm dưới bóng của những tòa nhà chung cư sáng loáng, Slim, 70 tuổi, hiện thân cho khoảng cách lớn giữa tầng lớp giàu có chiếm một phần ít ỏi và hàng triệu người dân nghèo đói ở Mexico.

“Ông ấy sở hữu Telmex, ông ấy là chủ của tất cả Mexico. Thật nực cười khi một đất nước không có tốc độ phát triển kinh tế như nhau”, Veronica Delgado, một kiến trúc sư cho biết khi đang đi mua sắm tại một trong những cửa hàng quà tặng của Slim trong khu vực giàu có ở Mexico City.

 

 

Carlos Slim, người đã vượt qua Bill Gate, trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới

Giống như nhiều nước phát triển khác, Mexico phải hứng chịu một hệ thống giáo dục yếu kém, các dịch vụ y tế kém chất lượng, tham nhũng tràn lan và thiếu công việc chất lượng cao. Cứ 5 người Mexico thì lại có 1 người không kiếm đủ ăn theo đúng nghĩa và 1 nửa những người trưởng thành không bao giờ học quá tiểu học.

 

Nhưng Mexico tự hào có một tầng lớp thượng lưu quan trọng, lái những chiếc xe thể thao sáng loáng, sống trong những khu nhà giàu và gửi con cái sang Mỹ học.

 

Khoảng cách giàu nghèo ở Mexico còn lớn hơn ở các nước phát triển như Mỹ và Canada, mặc dù theo số liệu của Ngân hàng thế giới và LHQ, khoảng cách này đã được thu hẹp đôi chút trong vòng một thập kỷ qua.

 

Trong khi người Mexico thường đùa rằng khó có thể trải qua một ngày mà không trả tiền cho Slim, các công ty của ông đã lớn mạnh sau nhiều thập niên, tuyển dụng 270.000 người, trong đó có 35.000 việc làm được tạo ra vào năm ngoái, khi nền kinh tế Mexico phải vật lộn với trận suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.

 

Đế chế kinh doanh rộng lớn của Slim gồm một số siêu thị nổi tiếng nhất Mexico, các khách sạn, nhà hàng, dàn khoan dầu, các công ty xây dựng và nhà băng Inbursa.

 

Kể từ khi có được công ty điện thoại nhà nước Mexico trong cuộc tư hữu hóa năm 1990, Slim đã bị cáo buộc cố tình duy trì sự độc quyền và bị cáo buộc đánh phí cao vô lý, khiến các công ty nhỏ hơn khó có thể mở rộng được.

 

“Ông ấy là một doanh nhân với tầm nhìn lớn…Điều đó tốt cho ông ấy, nhưng việc ông ấy trở thành người giàu nhất thế giới không giúp gì được cho tôi”, Heriberto Gonzalez, một người bán thịt chiên cho biết khi đang trả phí điện thoại hàng tháng của anh ở một cửa hàng Telmex tại Mexico City.

 

Một cuộc thăm dò được công bố ngày 15/3 do tờ báo Milenio thực hiện cho thấy người Mexico có quan điểm khác nhau khi được hỏi liệu Slim có xứng đáng với khối tài sản của mình. 1/3 cho rằng ông đã kiếm được số tiền đó, trong khi một số ít hơn con số này đôi chút cho biết ông có được số tiền trên là do có quan hệ với các quan chức quyền lực.

 

Tỷ phú “khác người”: Không phi cơ, không du thuyền

 

Giới giàu có Mexico “xun xoe” trước Slim, nhưng khối tài sản khổng lồ 53,5 tỷ USD đối lập với lối sống của người đàn ông giàu nhất thế giới. Ông đã sống suốt khoảng 40 năm trong một căn nhà không đổi, lái chiếc Mercedes Benz cũ kỹ, lảng tránh chuyên cơ, du thuyền riêng và những thứ xa xỉ khác trong giới siêu giàu Mexico.

 

Ở cuối một sự kiện phù hoa gần đây tại Mexico City, người ta đã thấy người đàn ông giàu nhất thế giới bách bộ về cùng với một vệ sỹ, trong khi những người tham dự giàu có khác lại đứng đợi những chiếc xe sang có tài xế riêng của họ.

 

Nhưng ngày hưng thịnh của đế chế viễn thông Slim đang trôi qua khi cuộc cạnh tranh trong ngành này dần quyết liệt nhờ cải thiện công nghệ. (Telmex nắm giữ 80% đường dây cố định của Mexico và America Movil chiếm hơn 70% thị trường không dây ở đây.)

 

Slim không phải là người Mexico duy nhất có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes. “Góp mặt” trong danh sách còn có Ricardo Salinas, người xây dựng khối tài sản tiền tỷ bằng bán đồ nội thất và gia dụng cho những người Mexico có thu nhập thấp, cho vay tín dụng với lãi suất trên 60% và cử những người đưa thư đi xe gắn máy tới nhà họ để thu tiền hàng tuần.

 

 




Công ty Telmex và America Movil của Carlos Slim thống trị ngành điện thoại Mexico

 

Những người khác nữa gồm German Larrea Mota, chủ công ty khai thác mỏ đồng Grupo Mexico, Emilio Azcarraga, “ông trùm” truyền hình Televisa, nhà điều hành siêu thị Jeronimo Arango cùng ông chủ nhà băng Roberto Hernandez.

 

Bất chấp phản ứng của chính phủ Mexico, tay trùm ma túy bị truy nã số 1 nước này, Joaquin "Shorty" Guzman cũng nằm trong danh sách của Forbes.

 

Trong những năm gần đây, Slim đã tham gia nhiều hơn trong cuộc chiến chống nghèo đói, chống mù chữ và cải thiện y tế yếu kém ở châu Mỹ Latinh, khi phát động các cuộc đấu bóng, đấm bốc, và các dự án thể thao khác cho người nghèo. Những quỹ do ông sáng lập đã quyên góp hơn 600 triệu USD vào năm 2009.

 

Nhưng những đóng góp này vẫn còn thua xa so với nhà đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates hay nhà đầu tư Warren Buffett. Theo Forbes, số tài sản 53 tỷ USD của Bill Gates có thể đã là hơn 80 tỷ USD nếu ông không đem tiền đi làm từ thiện.

 

Song với tỷ phú Slim, ông cho rằng tạo ra việc làm là cách tốt nhất cho các doanh nhân chiến đấu với cuộc chiến nghèo đói.

 

Dân trí