Trang chủ » Tranh luận » Lại nói chuyện đầu tư công

Lại nói chuyện đầu tư công

Tác giả:







 

Trong câu chuyện nhập siêu và lạm phát cao của ngày hôm nay, nhiều nhà kinh tế cho rằng, một nguyên nhân sâu xa là do có quá nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước chậm được đưa vào sử dụng.

 

Câu chuyện dự án DAP

 

Một ví dụ khá tiêu biểu là dự án phân bón DAP được khởi công từ năm 2002, ròng rã tới tháng 4/2009 đã cho ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên, nhưng cho đến bây giờ chủ đầu tư vẫn chưa thể nhận nhà máy để phát huy sản xuất. Ông Hoàng Văn Liễu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vinachem, Trưởng ban quản lý dự án DAP cho rằng, chính sự không thống nhất, đồng bộ trong các quy định hiện hành đã khiến cho dự án bị kéo dài thời gian đầu tư. Hiện tại, nhà thầu EPC của dự án này không chịu bàn giao nhà máy cho chủ đầu tư, bởi họ thấy bị thiệt cả trăm triệu USD so với dự toán của gói thầu EPC nhà máy DAP số 2 sắp được triển khai. Nhưng quan trọng hơn cả là nhà thầu vẫn chưa được trả tiền đầy đủ do Vinachem còn nợ họ 11 triệu USD và khoảng 250 tỷ đồng. Mặt khác, nhà thầu EPC cũng chưa nghiệm thu xong dự án để bàn giao cho chủ đầu tư và chất lượng phân DAP làm ra chưa đạt yêu cầu như cam kết.

 

Không chỉ vướng mắc về chất lượng sản phẩm, nghiệm thu công trình, dự án DAP còn là bài học trong việc lựa chọn chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan. Ông Liễu cho hay, mục tiêu ban đầu của dự án là chọn nhà thầu đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Tây Âu, Nhật Bản để có thể học hỏi được kinh nghiệm của họ và sau đó phát huy trong dự án DAP số 2. Tuy nhiên, với các mức bỏ thầu khá cao (của nhà thầu Pháp là 170 triệu USD, nhà thầu Nhật Bản là 140 triệu USD hay nhà thầu Hàn Quốc cũng là 130 triệu USD, trong khi mức dự toán được duyệt cho gói thầu EPC chỉ khoảng 108 triệu USD) nên mục tiêu chọn nhà thầu có đẳng cấp đã không đạt được. Trong thời gian 2 năm, sau nhiều lần thương thảo mà không đạt kết quả, dự án DAP cuối cùng đã phải tổ chức đấu thầu lại và nhà thầu Trung Quốc với mức bỏ thầu chưa đến 100 triệu USD đã thắng! Cho đến tháng 6/2009, hai tháng sau khi ra mẻ sản phẩm đầu tiên, nhà máy DAP đã bắt đầu bước vào giai đoạn có thể trả nợ với số tiền 23 tỷ đồng/tháng. Nhưng bởi nhà máy chưa được nhà thầu bàn giao nên ông Liễu cho hay, lắm lúc phải “nói ngọt” với nhà thầu để họ cho chạy máy, có sản phẩm ra để bán thì mới có tiền trả nợ. Những lúc nhà thầu hết “mát tính” thì nhà máy lại dừng! Với một nhà máy hóa chất như DAP thì kiểu vận hành “thích thì cho chạy, không thì dừng” này khó tránh khỏi việc nhanh làm cho thiết bị nhanh hư hỏng.

 

Tới thời điểm này, những nỗ lực của chủ đầu tư nhằm xúc tiến việc bàn giao dự án trong tháng 2/2010 theo như trù tính xem ra đã thất bại.

 

Hai dự án hẩm hiu

 

Tháng 2/2002, dự án nhà máy bột giấy Kon Tum có công suất 130 nghìn tấn bột/năm với tổng vốn đầu tư khi đó là khoảng 244 triệu USD đã bị tạm dừng giải ngân để đánh giá hiệu quả đầu tư. Khi đó giá bột giấy trên thế giới chỉ khoảng 400 USD/tấn, trong khi giá bán được ước tính trong dự án là 500 USD/tấn. Nhưng 2 năm sau, khi dự án được Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện dự án thì giá bột giấy đã vượt qua mức 500 USD/tấn, thậm chí xấp xỉ 600 USD/tấn. Ông Phan Quý Kỳ, Chủ tịch HĐQT TCT Giấy lúc đó chỉ còn biết ngậm ngùi cho hay, khi lập dự án này đơn vị đã thuê hẳn 1 công ty tư vấn nổi tiếng thế giới trong ngành giấy và họ đã đưa ra một chu kỳ 15 năm về giá cả, sản xuất và tiêu thụ giấy trên thị trường. Nhưng khi đó, các cơ quan chức năng không tin rằng giá bột giấy sẽ có lúc vượt lên và chạm mốc 600 USD/tấn.

 

 







Nghành giấy phụ thuộc đến 80% bột giấy nhập khẩu vì sự ì ạch của các dự án lớn

 

Tuy nhiên, số phận không mỉm cười với dự án này – dẫu dự án đã thực hiện được một số công đoạn như trồng rừng nguyên liệu; chuẩn bị và san lấp mặt bằng với tổng số tiền đã giải ngân là 200 tỷ đồng. Quyết định cuối cùng được đưa ra từ các cơ quan chức năng vẫn là ngừng dự án vào tháng 9/2004 bởi cho rằng không hiệu quả. Nhưng cơ hội không đến với doanh nghiệp nhà nước thì lại mở ra với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Giữa tháng 1/2010 vừa qua, dự án nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai – Kon Tum của Tập đoàn Giấy Tân Mai, vốn là một công ty con của TCT Giấy nhưng đã cổ phần hóa, được khởi công trên chính nền đất xưa. Trước đó, đơn vị này đã trúng thầu mua lại một nhà máy sản xuất giấy bao gồm cả đầu tư mới và đang hoạt động ở Canada, tạo đà triển khai 4 dự án giấy lớn của mình ở Việt Nam. Công suất bột của dự án mới cũng bằng chính công suất của dự án năm xưa đầu tư dở dang và đáng nói hơn là vùng nguyên liệu của dự án mới chính là rừng nguyên liệu năm xưa TCT Giấy trồng phục vụ cho dự án của mình.

 

 

 

Trong thời gian 2 năm, sau nhiều lần thương thảo mà không đạt kết quả, dự án DAP cuối cùng đã phải tổ chức đấu thầu lại

 

Không ít người có mặt tại lễ khởi công dự án giấy Tân Mai – Kon Tum ngậm ngùi cho số phận của dự án bột giấy Kom Tum năm nào lẽ ra đã cho ra sản phẩm nếu được triển khai vào thời điểm năm 2002, khi chi phí đầu tư còn rất rẻ. Còn nhà máy giấy Tân Mai – Kon Tum, dù với cơ chế thuận lợi nhất mà một doanh nghiệp không phải là 100% vốn nhà nước có thể đưa ra thì chắc cũng phải mất ít nhất 2 năm mới có thể cho ra được sản phẩm, tức là sau khoảng 10 năm kể từ khi Kon Tum được chọn là địa điểm đặt một nhà máy bột giấy. Số phận hẩm hiu không chỉ rơi vào dự án giấy Kom Tum, dự án giấy và bột giấy Thanh Hóa có quy mô đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng được phê duyệt vào tháng 10/2002 mà TCT Giấy là chủ đầu tư hiện cũng chuyển sang chủ đầu tư khác và chưa biết ngày về đích. Trước đó, tháng 2/2003, dự án đã được khởi công với mục tiêu ban đầu là làm bột giấy, giấy carton duplex và giấy bao gói. Nhưng sau 3 năm kể từ khi động thổ, dự án lại được chuyển mục tiêu sang làm giấy bao gói xi măng và kraff line. Tuy vậy, dự án cũng không tiến triển là bao, bởi đề nghị vay vốn bị các ngân hàng ngoảnh mặt làm ngơ. Nguyên nhân chính là các ngân hàng không tin vào năng lực của nhà tổng thầu trong nước lẫn chủ đầu tư. Hiện tại, Công ty cổ phần giấy Thanh Hóa, mà TCT Giấy là cổ đông chi phối với 29% vốn, đang nỗ lực cùng với các cổ đông còn lại triển khai dự án này. Nhưng xem ra mọi chuyện không hề đơn giản.

 

Việc hai dự án lớn được trông chờ nhất trong ngành giấy từ cách đây gần chục năm nhưng không về đích đúng hẹn hay nhà máy có điều kiện nhất là Bãi Bằng cũng đang ì ạch đầu tư mở rộng sản xuất, nâng công suất từ 100.000 tấn bột/năm lên 250.000 tấn bột/năm… dẫn tới việc ngành giấy trong nước không được bổ sung nguồn cung nguyên liệu khiến ngành này vẫn phụ thuộc tới 80% vào bột giấy nhập khẩu như hiện nay.

 

Nhà máy ôtô Thanh Hóa

 

Tháng 7/2004, dự án ô tô Thanh Hóa do TCT Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) đầu tư được khởi công xây dựng. Trước đó khoảng nửa năm, VEAM đã trúng thầu mua lại dự án nhà máy ô tô tải nặng Samsung tại Hàn Quốc. Ông Nguyễn Thanh Giang, Tổng giám đốc VEAM khi đó đã rất tự hào vì “qua mặt” được các đối thủ Trung Quốc để mua được nhà máy mới được đầu tư 440 triệu USD năm 1996 và dừng hoạt động trước khi bước sang thế kỷ mới với giá chỉ khoảng 40 triệu USD.

 

 

5 năm sau khi động thổ nhà máy ô tô Thanh Hóa mới cho ra đời được sản phẩm đầu tiên

 

Lẽ dĩ nhiên, niềm tự hào của VEAM thực ra có nguyên do. Người bán hiểu rõ một điều nếu bán cho các doanh nghiệp Trung Quốc thì chỉ sau 1 năm thôi người Trung Quốc sẽ tự mình đảm nhiệm được các công đoạn cung cấp nguyên phụ liệu, linh phụ kiện cho nhà máy này. Trong khi đó, nếu bán cho doanh nghiệp Việt Nam thì các doanh nghiệp Hàn Quốc là vệ tinh của nhà máy Samsung vẫn có cơ hội bán tiếp các linh phụ kiện mà mình sản xuất ra. Ngay VEAM, tuy là nhà sản xuất phụ tùng có tiếng ở thời điểm đó nhưng cũng chưa đủ sức làm ra nhiều chi tiết cung cấp cho ô tô nên đã phải ký hợp đồng ràng buộc với người bán để mua các chi tiết phụ tùng của các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất với một tỷ lệ phần trăm nhất định.

 

Ở vào thời điểm chưa có doanh nghiệp nội địa nào làm ô tô hoành tráng khi đó, cơ hội “lớn nhanh như thổi” bằng việc mua lại nhà máy của Samsung này từng rất được kỳ vọng. Nhưng rồi trong khi các nhà sản xuất ô tô nội đã lần lượt ra đời và tiến xa trong việc mở rộng đầu tư, tăng tỷ lệ nội địa hóa thì VEAM vẫn… im hơi bặt tiếng. Lần lữa mãi, tới tháng 9/2009 nhà máy ô tô VEAM – Thanh Hóa cũng đi vào sản xuất với năng lực ban đầu là 5 xe tải nhỏ và 2 xe tải lớn/ngày. Với kế hoạch tháng 2/2010 chính thức bán hàng, ông Giang vẫn hy vọng sẽ tạo ra được một cục diện mới trên thị trường ô tô và nâng dần công suất của nhà máy lên mốc 30.000 xe/năm như lúc lập dự án. Nhưng cục diện cạnh tranh trên thị trường ô tô tải hiện nay đã khác. VEAM đã tự đánh mất ưu thế đi trước rất xa của mình.

 

Dự án thép Cái Lân

 

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mới đây đã phản ứng mạnh mẽ với đề nghị mở rộng quy mô của dự án thép tấm Cái Lân (Quảng Ninh) của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) từ 350.000 tấn/năm lên 1 triệu tấn/năm. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho hay, dự án thép tấm Cái Lân được đầu tư từ năm 2002 nhưng tới nay vẫn chưa đi vào hoạt động, trong khi với các nhà đầu tư chuyên nghiệp thì chỉ cần 2 năm là có sản phẩm ở quy mô này. Như vậy, sau 8 năm vẫn không có sản phẩm và đang đầu tư dở dang mà nay lại muốn mở rộng sản xuất, đầu tư thêm dây chuyền nữa để nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm là không thiết thực. Nhất là khi dự án đó được đầu tư bằng nguồn tiền của Nhà nước.

 

Trên thực tế, dự án thép tấm công suất 350.000 tấn/năm hiện được cho là đầu tư chắp vá, không đồng bộ với thiết bị không phải là hiện đại. Cũng chính bởi sự đầu tư chắp vá để giảm chi phí đầu tư ban đầu nên đến giờ dự án vẫn chưa đi vào sản xuất. Nếu bây giờ mở rộng tiếp lên quy mô 1 triệu tấn/năm, tức là tiếp tục “chắp vá” thiết bị một lần nữa, thì nguy cơ lãng phí đầu tư ở mức lớn hơn là hoàn toàn có thể xảy ra. “Quy mô hiện nay để đầu tư kinh tế là 1 triệu tấn/năm, ở quy mô này có thể mua được những thiết bị hiện đại vì các nhà sản xuất thiết bị tiên tiến trên thế giới đều sản xuất thiết bị ở mức này. Còn nếu thấp hơn sẽ chỉ là thiết bị của những nhà sản xuất không có tiếng, như vậy chất lượng sản phẩm làm ra không đáp ứng được tiêu chuẩn đóng tàu biển mà chỉ đủ để đóng tàu đi ven bờ” – ông Cường nhận xét.

 

Có lẽ, nếu chủ đầu tư của dự án này là một doanh nghiệp tư nhân thì chắc đã chẳng dám kéo dài thời gian đầu tư đến như vậy bởi không chịu nổi áp lực vay vốn và trả nợ do thời gian đầu tư kéo dài. Nhưng bởi Vinashin là một tập đoàn lớn của Nhà nước, được ưu ái vay những khoản tiền trị giá cả tỷ đô la mà không cần thế chấp nên họ vẫn đủng đỉnh… “bò”.

 

Không chỉ phản ứng với dự án thép Cái Lân, VSA lần đầu tiên đã mạnh dạn đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện hoạt động đầu tư của Vinashin vào ngành thép để đánh giá mức độ hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn Nhà nước. VSA nêu ra hàng loạt dự án thép mà Vinashin tham gia đầu tư thời gian qua. Đó là dự án nhà máy thép liên hợp sản xuất phôi thép tại Yên Bái với công suất 200.000 tấn/năm, động thổ được 3 năm nay nhưng tới nay vẫn chưa hoạt động như kế hoạch. Dự án thép Cà Ná, liên doanh với Tập đoàn Lion Group, đã được khởi công vào cuối năm 2008 nhưng tới nay vẫn bất động. Trong khi đó, tại các dự án Vinashinkansai, Vinashin Cửu Long, sản xuất hầu như chỉ mang tính tượng trưng, không liên tục.

 

Việc mở rộng mạnh mẽ hoạt động của Vinashin sang lĩnh vực thép trong khi đã có TCT Thép Việt Nam – cũng là một doanh nghiệp Nhà nước lớn có nhiều kinh nghiệm trong ngành này – cho thấy sự bất cập khi các doanh nghiệp Nhà nước đã được “chia khoảnh” nay lại quyết liệt lấn sân nhau! Gần đây cũng đã có nhiều ý kiến lo ngại về việc hệ số ICOR của Việt Nam hiện đã lên quá cao, nghĩa là hiệu quả sử dụng đồng vốn của chúng ta ngày càng kém đi. Nâng cao hiệu quả đầu tư tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chính là một trong những giải pháp cơ bản giúp giảm dần hệ số này.

 







Doanh nhân