Trang chủ » Thế giới » Kinh tế Mỹ: Không suy thoái nhưng đì đẹt

Kinh tế Mỹ: Không suy thoái nhưng đì đẹt

Tác giả:

Quá trình phục hồi kinh tế Mỹ đi xuống và một xu hướng mới khó khăn đang định hình: tăng trưởng kinh tế quá chậm để những người Mỹ có việc làm trở lại.

Tổng sản phẩm quốc nội, thước đo rộng nhất các hoạt động kinh tế, chỉ tăng ở mức 2,4% trong giai đoạn từ tháng tư tới tháng sáu vừa qua. Chính phủ Mỹ cho biết tỉ lệ này giảm từ mức 5% vào cuối năm 2009 và 3,7% vào đầu năm nay .

Tin tốt là đây là quý thứ tư liên tiếp kinh tế tăng trưởng và mở rộng mặc dù có một cuộc khủng hoảng ở nước ngoài và các thị trường tài chính toàn cầu vẫn mong manh. Tin xấu là mức tăng trưởng ở dưới mức tăng dài hạn theo xu hướng tích cực và không đủ mạnh để giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống. Và đáng lo ngại hơn, nhiều chi tiết của bán báo cáo GDP công bố cuối tuần trước cho biết quá trình tăng trưởng sẽ còn tiếp tục chậm lại.

"Việc phục hồi sau suy thoái đã là lịch sử," ông Bart van Ark, kinh tế trưởng của Hội đồng Hội nghị chuyên nghiên cứu kinh doanh, nói. "Chúng tôi không tiên đoán một cuộc khủng hoảng thứ hai, nhưng chúng tôi thấy rõ tăng trưởng sẽ chậm hơn rõ rệt trong nửa sau của năm."

Các số liệu mới này cộng thêm với quan điểm đang lan tràn rằng tăng trưởng chậm chạp có thể là một xu hướng lâu dài hơn là một hiện tượng của một quý, làm căng thêm môi trường chính trị đang tiến tới cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng mười một. Hạ viện đã gác ngày nghỉ Thứ sáu của họ sang tháng tám để làm việc mà vẫn không thống nhất được một biện pháp chính sách nào khả dĩ để thúc đẩy nền kinh tế, như việc thông qua luật mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vay vốn.

Chính sách của chính phủ lâm vào bế tắc nhưng động lực cho nền kinh tế trong những tháng tới có vẽ như đã định hình rất rõ: người Mỹ chi tiêu hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn, nhưng tỉ lệ thất nghiệp cao, tiền lương không tăng và khoản nợ lớn dần lên từ những năm bùng nổ kinh tế, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đang tăng quá chậm để tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ.

Chi tiêu cá nhân tăng ở mức chỉ có 1,6 phần trăm trong quý thứ hai, và chi tiêu tiêu dùng dường như đã dịu dần liên tục trong quý.

"Vấn đề là tiêu dùng đã thực sự suy yếu trong tháng sáu, do đó, nước Mỹ đang bắt đầu quý thứ ba ở một vị thế yếu kém", David Shulman, nhà kinh tế cấp cao tại UCLA Anderson Forecast cho biết. "Các thành phần của báo cáo này là tồi tệ."

Trong khi đó, một số yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ cuối mùa hè năm ngoái sắp làm hết sứ mệnh của chúng.

GDP quý hai mặc dù khiêm tốn nhưng đã đạt được mức đó nhờ dự trữ hàng tồn kho của các doanh nghiệp (đóng góp 1,05% tăng trưởng) và chi tiêu chính phủ liên bang (0,7%), cả hai đều có khả năng suy giảm trong thời gian tới. Tăng trưởng cũng được hỗ trợ bởi bùng nổ đầu tư trong dân (thêm 0,6%) – do những người xây nhà cố gắng hoàn thành nốt dự án để tận dụng mức ưu đãi thuế cho người mua nhà, yếu tố này lẽ sẽ chuyển sang tiêu cực trong các quý tới.

Một trong những điểm sáng là chi tiêu của doanh nghiệp cho trang thiết bị và phần mềm tăng 22%, một mức tăng mạnh. Nhập khẩu cũng có bước tiến góp vào tăng trưởng quý II nhưng có xu hướng này mong manh và dễ bị đảo ngược vào các quý tới.

Trong thực tế, tốc độ tăng trưởng trong phạm vi 2% chứng tỏ nền kinh tế chỉ đơn thuần như đang đi trên nước. Dân số tăng trưởng và cải tiến công nghệ có nghĩa là Hoa Kỳ có khả năng tăng sản lượng kinh tế của mình lên mức 2,5% tới 3% hàng năm, mức tăng trưởng nhanh hơn đó mới cần thiết để giảm thất nghiệp và đưa các nhà máy nhàn rỗi trở lại.

Có thể cảm nhận được tốc độ tăng trưởng khá tại các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, khiến họ bắt đầu thuê mướn nhân công trở lại.

"Thật khó để biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", Pamela Kebe, quản lý của Piccolo Piggies, một cửa hàng quần áo trẻ em tại Georgetown nói. Các nhà bán lẻ mong đợi nền kinh tế sẽ cải thiện, nhưng nó điều đó không xảy ra. Kebe và nhóm của bà đã ngừng thực hiện các dòng quần áo đắt tiền nhất cho trẻ em, chẳng hạn như Simonetta, thay vào đó là thứ hàng rẻ hơn như Eliane et Lena. Các khách hàng ngày xưa sẵn sàng chi 5000 đôla nay chỉ mua khoảng một nửa số ấy mà thôi, Kebe cho biết.

John Hồ, đồng sở hữu của Yvonne’s Day Spa tại Mount Vernon, cho biết số lượt khách hàng tới đây đã giảm khoảng 25-30% so với năm ngoái. Nhiều khách hàng của ông là khách du lịch, nhưng những ngày này người ta không đi du lịch nhiều lắm.

"Các tác động lan tỏa của nền kinh tế là ảnh hưởng tiêu cực lên chúng tôi," Hồ nói.

Bộ Lao động sẽ báo cáo tình hình việc làm tháng bảy vào thứ Sáu tới. Bản báo cáo dự kiến sẽ cho biết chủ lao động tư nhân tạo thêm 90.000 việc làm trong tháng này – một mức tương đương với tăng trưởng chậm chạp trong báo cáo GDP quý II và dưới tỷ lệ tăng trưởng việc làm cần thiết để theo kịp lực lượng lao động không ngừng phát triển.

Những công kích vào tỉ lệ tăng trưởng chậm chạp là một thử thách đối với các nhà làm chính sách trong chính quyền Obama, trong Quốc hội và Cục Dự trữ Liên bang. Không giống như khi nền kinh tế đang ở trong tình trạng suy thoái sâu, sản lượng đang lao dốc, nền kinh tế ở giai đoạn này không tạo ra động lực cho những động thái táo bạo.

Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán một sự phục hồi chậm chạp chứ không phải một cuộc suy thoái tái diễn.

"Có rất nhiều lý do để quan ngại", Mark Vitner, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo nói. "Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái kép ngay lập tức."

Trang Thư dịch từ Washington Post