Trang chủ » Điểm nóng » Giám đốc IMF: Thế giới lắng nghe và học tập châu Á

Giám đốc IMF: Thế giới lắng nghe và học tập châu Á

Tác giả:

Nhân sự kiện này, thế giới có dịp lắng nghe tiếng nói từ châu Á và hiểu được làm thế nào khu vực này lại có sự phục hồi thần kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930. Trong lúc thế giới đang nỗ lực đẩy lùi khủng hoảng, trung tâm lực hút kinh tế đang dịch chuyển về phương Đông, và vai trò của châu Á ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Bài viết sau của Giám đốc Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) Dominique Strauss Kahn sẽ thảo luận về kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng của châu Á – và ý nghĩa vận dụng của nó đối với các khu vực khác; tìm hiểu vai trò lãnh đạo mới của châu Á trong chính sách kinh tế toàn cầu; và phương cách cải tổ mối quan hệ giữa châu Á và IMF vốn còn nhiều khúc mắc từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây hơn một thập niên.

1. Sự phục hồi của nền kinh tế châu Á

Tại hội nghị ở Daejeon, mọi người đều nhất trí rằng châu Á đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng và hiện đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế thế giới. Khi khủng hoảng nổ ra, châu Á là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhưng khu vực này nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại một cách mạnh mẽ với tốc độ ước tính là 7,35% trong năm 2010 (so với 4,5% của phần còn lại của thế giới và 1,5% của châu Âu). Nhờ đâu có sự phục hồi mạnh mẽ này?

Dĩ nhiên những cải cách trong hệ thống kinh tế vĩ mô, lĩnh vực tài chính và doanh nghiệp tiến hành trên diện rộng suốt một thập niên qua là một phần của câu trả lời. Châu Á vất vả thực hiện cải cách từ sau khủng hoảng năm 1997 nhưng nhờ đó, họ có thể đứng vững trước sức ép của cuộc khủng hoảng hiện tại. Đây là bài học cho phần còn lại của thế giới.

Không một quốc gia châu Á nào tỏ ra tự mãn với những thách thức phía trước. Các nhà hoạch định chính sách châu Á đều nhận thức rõ châu Á phải tiếp tục xây dựng “cỗ máy tăng trưởng thứ hai” vốn dựa trên đầu tư và tiêu dùng nội địa, bên cạnh sức mạnh tuyệt đối về hàng xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh các đối tác thương mại hàng đầu của châu Á là châu Âu và Mỹ đang bước vào thời kỳ tăng trưởng ì ạch.

Thảo luận về những khó khăn lớn xoay quanh tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trong khu vực, hầu hết các nhà lãnh đạo ở châu Á đều tin tưởng rằng những quốc gia châu Á có thu nhập thấp ngày hôm nay sẽ tạo thành các thị trường mới nổi “thế hệ tiếp nối” của thế giới. Nhiều quốc gia nghèo đang thực thi các chính sách cần thiết để phát triển, tăng trưởng và – cần phải nhấn mạnh rằng – thu hút vốn đầu tư theo một cách rất bền vững.

Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn phát biểu tại hội nghị Asia 21: Leading the Way Forward ở Daejeon. Ảnh: Reuters

2. Vai trò lãnh đạo mới của châu Á trong việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu

Ảnh hưởng kinh tế, tiếng nói và vai trò đại diện của châu Á trên vũ đài kinh tế toàn cầu đang ngày một gia tăng. Có 6 quốc gia châu Á trong G-20, trong đó Hàn Quốc hứa hẹn sẽ giữ vai trò nòng cốt.

Các quốc gia châu Á tham dự hội nghị đều nhận thức sâu sắc rằng khi mức độ toàn cầu hóa trong khu vực ngày một gia tăng, một mặt họ sẽ dễ bị các khu vực khác tác động, nhưng mặt khác, họ có thể nâng cao ảnh hưởng của mình đối với chính sách của các nền kinh tế lớn nhằm duy trì một tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định và bền vững cho khu vực.

Theo phân tích mới đây của IMF, tăng cường hợp tác trong quá trình hoạch định chính sách toàn cầu hứa hẹn sẽ giúp châu Á thu về 250 tỷ USD và tạo ra 14 triệu việc làm trong 5 năm tới. Chính vì thế, các quốc gia châu Á hơn bao giờ hết hiểu rằng việc có được tiếng nói mạnh mẽ trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu không phải là một lựa chọn mà là một yêu cầu bắt buộc của thế kỷ 21.

3. Quan hệ châu Á – IMF sang trang

Một số điểm về quan hệ châu Á – IMF được đưa ra thảo luận trong hội nghị: tính “có điều kiện” trọng tâm hơn, cách hiểu chính xác hơn về kết quả của bảng cân đối kế toán, sự gia tăng chuyển nhượng phí ban đầu của các nguồn lực trong khủng hoảng, và tầm quan trọng của chi phí về con người trong các quyết định cải tổ kinh tế.

Với nhiều bài học giá trị rút ra từ quá khứ, IMF ngày càng xem trọng mối quan hệ của quỹ này với châu Á trong tương lai. Tại hội nghị, nội dung trao đổi của hai bên tập trung vào ba nội dung chính như sau:

(i) Đảm bảo những phân tích của IMF trở nên hữu dụng và dễ tiếp cận đối với châu Á. IMF sẽ sớm cảnh báo về những rủi ro, hiệu ứng tràn (spillover effect), các vấn đề xuyên suốt và các phương diện tài chính vĩ mô, đồng thời cải tổ cách thức hoạt động của mình để thay đổi cách nhìn không mấy thiện cảm của nhiều quốc gia châu Á về IMF – họ cho rằng IMF không đối xử công bằng với tất cả quốc gia, khu vực.

(ii) Củng cố hệ thống an ninh tài chính toàn cầu. IMF đang hợp tác chặt chẽ với châu Á, lắng nghe tiếng nói từ khu vực này nhằm đảm bảo hệ thống an ninh mới sẽ đáp ứng được nhu cầu của châu Á. IMF hiện tiếp tục tăng cường các công cụ tài chính để có thể ngăn ngừa khủng hoảng, giảm nhẹ hậu quả và thắt chặt hợp tác tài chính trong khu vực, trong đó phải kể đến các gói giải pháp phòng ngừa khủng hoảng được tùy chỉnh theo yêu cầu và mang tầm đa quốc gia.

(iii) Ủng hộ việc nâng cao vai trò và tiếng nói của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu. Để tăng sức mạnh biểu quyết của châu Á trong IMF thì trước tiên khu vực này cần hoàn thành gói “hạn ngạch” cải cách. IMF sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức trong khu vực và hỗ trợ nỗ lực hợp tác toàn cầu của các quốc gia châu Á.

Quá trình cải cách dĩ nhiên không thể hoàn thành chỉ sau một đêm, tuy nhiên, nó chỉ diễn ra một cách hiệu quả khi có sự hợp tác song phương giữa châu Á và IMF. Sau hội nghị, không chỉ có một châu Á mới ra đời, mà còn có cả một IMF mới nữa.

– Bài viết của Giám đốc Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) Dominique Strauss Kahn (theo HuffingtonPost) trên HBS in the News –

Hoàng Trung dịch