Trang chủ » Điểm nóng » Giá điện sẽ có thể biến đổi theo quý

Giá điện sẽ có thể biến đổi theo quý

Tác giả:

Có thể nói, theo mô hình thị trường dù mới ở cấp độ 1, cạnh tranh khâu phát điện, cơ chế giá điện của Việt Nam sẽ “dấn” thêm một bước thay đổi sâu sắc.

Khắc phục những tồn tại hiện nay, khi theo cơ chế thị trường, giá điện sẽ phải tuân thủ theo một công thức tự động hiệu chỉnh theo yếu tố đầu vào, tương tự như giá xăng dầu hiện nay. Điểm khác với giá xăng là, giá  ở khâu phát điện sẽ bị ràng buộc bởi khung giá và giá trần do Nhà nước qui định.

Giá điện tăng giảm theo giá nhiên liệu

Hôm 18/8, khi công bố kế hoạch vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, điểm khác biệt đầu tiên so với hiện nay là giá bán điện được phân tách thành giá của 4 khâu là phát điện, truyền tải, chi phí điều hành- quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ, phân phối và bán lẻ điện.

Mô tả ảnh.
Khâu truyền tải chỉ chiếm 8% trong giá điện

Trong đó, giá truyền tải điện được xác định hàng năm và phải đảm bảo vận hành đạt chất lượng quy định, cho phép lợi nhuận định mức hợp lý, đáp ứng chỉ tiêu tài chính cho đầu tư.

Giá phân phối và bán lẻ điện được xác định thông qua doanh thu cho phép của các Tổng công ty điện lực. Cơ chế điều tiết giá ở khâu này sẽ theo hiệu quả hoạt động với chu kỳ từ 3 – 5 năm.

Hàng năm, phương án giá điện cơ sở được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và trình duyệt, gồm 4 khâu trên. Nếu mức điều chỉnh dưới 5% là do Bộ Công Thương phê duyệt, còn nếu mức điều chỉnh trên 5%, do Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời Tập đoàn cũng phải trình công thức điều chỉnh tự động giá bán điện hàng quý.

Mỗi quí, EVN sẽ xem xét lại biến động của các yếu tố đầu vào so với thông số cơ sở để tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân quý. Sau khi trình Cục điều tiết điện lực, giá điện bình quân hiệu chỉnh sẽ áp dụng cho quý tiếp theo. Trong trường hợp có sai sót, mức sai lệch sẽ được hiệu chỉnh vào giá điện bình quân quý tiếp sau nữa.

Theo cơ quan này, trong 4 khâu trên thì chi phí của khâu phát điện chiếm tới 72%, khâu truyền tải chiếm 8%, khâu phân phối bán lẻ chiếm 20%.

Trong đó, do phụ thuộc nhiên liện như than, khí, dầu và tỷ giá ngoại tệ, giá phát điện sẽ biến đổi nhiều nhất.

Giá truyền tải, phân phối là khâu độc quyền tự nhiên nên sẽ không có cạnh tranh. Giá của khâu này không cần điều chỉnh thường xuyên mà giữ cố định hàng năm.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, ông Phạm Mạnh Thắng nhấn mạnh, cơ chế điều chỉnh giá điện hàng quý sẽ theo nguyên tắc: khi yếu tố đầu vào thay đổi thì các yếu tố đầu ra thay đổi.

Tuy nhiên, để hạn chế điều chỉnh giá điện liên tục, khi tỷ lệ chênh lệch giá dưới một mức quy định thì sẽ không tiến hành thay đổi giá điện hàng quý.

Sẽ có khung giá cho từng loại công nghệ phát điện

Hiện nay, do chưa có khung giá phát điện chuẩn, khâu đàm phán giá ở nhiều nhà máy nhiệt điện ngòai EVN thường bị kéo dài hàng năm và nhiều trường hợp, khi nhà máy đã xây xong, phát điện lên hệ thống, hợp đồng mua bán điện vẫn chưa ký được.

Bên chủ đầu tư muốn lợi nhuận và thường đưa ra mức giá cao hơn so với khả năng “chịu đựng” của EVN trong bối cảnh, giá điện bán lẻ không được điều chỉnh theo chi phí đầu vào.

Tuy nhiên, trong năm tới, các vướng mắc này có thể được giải quyết bởi, mọi đàm phán mua bán điện sẽ bị giới hạn bởi khung giá do Cục Điều tiết điện lực công bố.

Ông Phạm Mạnh Thắng cho biết, khung giá điện sẽ được xây dựng theo từng loại tổ máy, từng loại công nghệ khác nhau và dựa trên “nhà máy điện chuẩn” của từng loại tổ máy, công nghệ đó.

Theo ông Thắng, các yếu tố đặc thù của từng loại điện, tổ máy phát sẽ được tính đến. Ví dụ, thủy điện tuy giống nhau về công suất nhưng nếu đặt ở hai vị trí địa lý khác nhau là giá có sự khác nhau. Nhiệt điện than sẽ khác với nhiệt điện tua bin khí, nhà máy dùng than nhập hay than trong nước cũng có giá khác nhau. Thậm chí, khung giá này cũng sẽ tính tới nguồn gốc công nghệ thiết bị của Trung Quốc hay G7, Nhật Bản để cho giá khác nhau…

Tuy nhiên, khung giá điện này cũng chỉ xác định ở mức tương đối để làm cơ sở, còn khi đàm phán sẽ phải tùy thuộc rất nhiều yếu tố cụ thể.

Hiện nay, do chưa có cơ chế chuyển đổi một cách tự động giá đầu vào sang giá bán lẻ điện nên việc xây dựng được khung giá điện này không hề đơn giản.

Ông Thắng bày tỏ: “Nếu ban hành một khung giá cao, sẽ dễ cho các đơn vị sản xuất ký được hợp đồng ngay, dễ cho chủ đầu tư, nhưng lại rất khó cho EVN là người mua buôn. EVN sẽ “sập tiệm” vì sẽ phải trả một lượng tiền lớn hơn rất nhiều cái thu được từ giá bán lẻ hiện nay.”

Giả sử tính toán tất cả các yếu tố chi phí đầu vào theo nguyên tắc trên, sẽ dẫn tới, khung giá điện mỗi năm sẽ tăng khoảng 20-30% và nền kinh tế sẽ không chịu được.

“Vì thế, cơ chế ấy phải có một hệ thống đồng bộ”, ông Thắng lưu ý./.