Trang chủ » Thế giới » Friedman: Kinh tế Mỹ vẫn mong manh bất thường

Friedman: Kinh tế Mỹ vẫn mong manh bất thường

Tác giả:

Vài tuần trước đây, tôi có cơ hội được nói chuyện với các nhà hoạch định chính sách kinh tế ở Mỹ và Đức. Tôi đã hiểu hiện tại nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn nào. Đó là: mọi việc đang trở nên tốt đẹp hơn, trừ những thứ chưa tốt đẹp. Các chương trình hỗ trợ tài chính đang có hiệu quả, trừ những chương trình không có hiệu quả. Mọi việc sẽ dần dần trở nên tốt đẹp hơn, trừ những việc dần dần trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta sẽ sớm biết về tình trạng này, trừ khi chúng ta không muốn biết.

Theo Giám đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke, chúng ta hiểu tại sao các doanh nghiệp lại do dự tuyển dụng thêm nhân sự trong “điều kiện tình hình thiếu chắc chắn một cách bất thường” như vậy. Một lý do giải thích cho sự bất thường này là chúng ta không chỉ đang nỗ lực để hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ việc cho vay thế chấp quá mức. Cùng lúc đó, chúng ta cũng đang phải giải quyết 3 vấn đề lớn về cấu trúc đã có từ vài thập kỉ qua và đã lên tới mức khủng hoảng.

Ông Mohamed El-Erian, Tổng giám đốc của Pimco, đã nhắc lại rằng “Những vấn đề về cơ cấu cần những giải pháp mang tính chất cấu trúc.” Không thể có những cách thức giải quyết nhanh chóng những vấn đề này. Ở Mỹ và Châu Âu, chúng ta đang cần những giải pháp lớn về cấu trúc để đạt được sự tăng trưởng bền vững như trước đây – những thay đổi sẽ cần có một mức độ đồng thuận và hi sinh chính trị nhất định mà hầu hết các quốc gia đang thiếu cho tới thời điểm này.

 

 

Nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang chứa đựng trong nó những khuyết tật cơ cấu (Ảnh minh họa: The Guaridan)

Vấn đề lớn đầu tiên về cấu trúc đó thuộc về nước Mỹ. Chúng ta vừa mới chấm dứt hơn một thập kỉ tăng trưởng dựa trên vốn vay trong đó chúng ta vay vốn từ Trung Quốc để cắt giảm thuế và trao nhiều quyền hơn nhưng lại không làm gì để cắt giảm chi tiêu hay đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp hay ngành mới có khả năng tăng trưởng cao. Giờ đây chính phủ của chúng ta nợ nhiều hơn bao giờ hết và có nhiều nghĩa vụ phải trả hơn bao giờ hết trong tương lai như chi cho chương trình chăm sóc sức khỏe mở rộng, cuộc chiến lan rộng ở Afghanistan và hệ thống An sinh xã hội được tăng cường (vì những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em sắp bước vào thời kỳ nghỉ hưu). Tiền chi cho các khoản mở rộng này lại ngày càng ít đến từ tăng trưởng thật sự.

Nước Mỹ có thể cần những biện pháp kích thích hơn nữa để các doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng nhân công, nhưng bất cứ biện pháp kích thích nào giờ đây cũng cần phải hướng tới các khoản đầu tư cho tăng trưởng dài hạn, có thể sinh lời hơn so với chi phí đã bỏ ra, nếu không sẽ chỉ dẫn tới tăng nợ vay. Điều này có nghĩa nên đầu tư vào việc xây dựng kỹ năng và cơ sở hạ tầng cùng với các ưu đãi về thuế dành cho các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh và khuyến khích xuất khẩu. Để các biện pháp kích thích được thông qua ở Quốc hội, cần phải đồng thời cắt giảm chi tiêu và/hoặc tăng thuế khi nền kinh tế khởi sắc hơn.

Thứ hai là, khả năng thanh toán của nước Mỹ có liên quan chặt chẽ với sự phát triển của công nghệ. Nhờ vào mạng Internet, sự phát triển của điện toán đám mây (cloud computer), mạng xã hội và việc chuyển từ dùng máy tính để bàn và máy tính xách tay sang các thiết bị cầm tay như iPad và iPhone, công nghệ đang loại bỏ những công việc lạc hậu và ít sử dụng tới các kỹ năng – những công việc vốn đã được trả một mức lương tương đối – ở một tốc độ còn nhanh hơn cả việc tạo ra những công việc mới sử dụng nhiều kỹ năng hơn và được trả lương tương xứng nhưng lại đòi hỏi phải đào tạo hơn bao giờ hết.

Chỉ có một cách duy nhất để giải quyết thách thức này: cần phải cải tiến hơn để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và tạo ra những công việc có thể trả cho người lao động 40$ một giờ, cùng với những sáng kiến lớn để đào tạo nhiều người Mỹ hơn có thể giành được việc làm từ những người lao động ở các nước khác. Không còn biện pháp nào khác ngoài biện pháp này.

Nhưng nền kinh tế toàn cầu cũng cần có một Châu Âu khỏe mạnh, và thách thức về cấu trúc thứ ba mà chúng ta phải đối mặt đó là Liên hiệp Châu Âu, một thị trường rộng lớn, đang phải đối mặt với một vấn đề mà đại sứ của Mỹ tại Đức ông John Kornblum đã gọi là “cuộc khủng hoảng gắn với sự tồn tại của con người.” Lần đầu tiên ông này đã nhấn mạnh rằng, EU “đã thấy được những nguy cơ sụp đổ.” Nước Đức đã nhận thức rõ rằng nếu như khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu còn tiếp tục tồn tại, thì khu vực này còn phụ thuộc vào cách thức hành xử của Đức chứ không phải của Hi Lạp. Liệu những thành viên trong khối này có thể nâng cao năng lực của mình? Điều này chưa có gì đảm bảo là chắc chắn xảy ra.

Việc theo kịp Đức không phải là điều dễ dàng. Một thập kỉ trước đây nước Đức là “một thành viên ốm yếu của Châu Âu” và không có vai trò gì. Những người Đức đã cùng nhau góp sức. Đức đã từ bỏ việc tăng lương và cho phép các doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh và làm việc linh hoạt, trong khi đó chính phủ trợ cấp cho các công ty giữ chân các công nhân lành nghề ở lại làm việc trong điều kiện kinh tế suy thoái. Nước Đức giờ đây đang trên đà tăng trưởng, nhưng không có nghĩa là đã hết những thách thức về cơ cấu. Sự tăng trưởng của quốc gia này phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và Đức cũng là nước tài trợ lớn nhất cho Hi Lạp. Dẫu vậy, Kornblum cho rằng “ Đức không còn là một quốc gia với những sinh viên già nhất và người về hưu trẻ tuổi nhất.”

Ngược lại, hai Đảng chính trị lớn của Mỹ còn bám vào những niềm tin cốt lõi như thể chưa có gì thay đổi. Những thành viên Đảng Cộng hòa cố gắng làm phương hại tới Tổng thống trong mọi quyết định và đưa ra những giải pháp quá đơn giản về việc cắt giảm thuế sẽ giải quyết được mọi vấn đề – mà chưa bao giờ chỉ ra cụ thể rằng họ sẽ phải từ bỏ những gì để có chi phí chi trả cho các biện pháp này. Tổng thống Obama đã đưa ra chương trình chăm sóc sức khỏe mở rộng trước khi thúc đẩy kinh tế phát triển để có thể có chi phí chi trả cho chương trình này.

Tổng thống Mỹ cần đưa những người lao động, giới kinh doanh và lãnh đạo Quốc hội tới Trại David và không quay về nếu như không đạt được sự thương lượng về các vấn đề thuế khóa, xúc tiến thương mại, năng lượng, các giải pháp thúc đẩy thị trường và cắt giảm ngân sách, những vấn đề cho thấy chắc chắn rằng chúng ta đang hành động cùng một hướng. Đó không chỉ là một giải pháp trợ giúp nền kinh tế mà phải là xây dựng lại nền kinh tế trong thế kỉ 21.

Bạn sẽ nói rằng “Không có cơ hội nào đâu”. Thế thì sau đó, theo tôi, chúng ta hãy sẵn sàng cho một thời kỳ dài có thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế yếu ớt.

Thanh Nga dịch từ New York Times