Trang chủ » Thế giới » Roubini: Nếu “tham lam là tốt”, sẽ còn khủng hoảng

Roubini: Nếu “tham lam là tốt”, sẽ còn khủng hoảng

Tác giả:

VNR500 đăng bài viết của GS Nouriel Roubini, mời bạn đọc tham khảo.

Trong bộ phim Phố Wall năm 1987, nhân vật Gordon Gekko có một câu nói rất nổi tiếng: “Greed is good” (Tham lam là tốt). “Tín điều” của anh phổ biến đến mức trở thành nét đặc trưng cho một thập niên “vượt giới hạn” của các doanh nghiệp và ngành tài chính, mà kết quả là sự sụp đổ của thị trường trái phiếu cấp thấp và cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ cuối những năm 1980. Chính Gekko cũng bị bỏ tù.

Một thế hệ sau, trong phần tiếp theo của phim Phố Wall – sẽ được công chiếu vào tháng tới – Gekko được phóng thích khỏi nhà giam và trở về với thế giới tài chính. Lần tái xuất hiện này của anh diễn ra đúng lúc bong bóng tín dụng, được “bơm” thêm bởi sự bùng nổ cho vay thế chấp dưới chuẩn, sắp đến hồi vỡ tung, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái.

Tư tưởng “tham lam cũng tốt” là điểm không thay đổi trong mọi cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng liệu các thương gia và chủ ngân hàng trong câu chuyện cho vay dưới chuẩn có tham lam, kiêu căng, và vô đạo đức hơn các Gekko của những năm 1980 hay không? Không hẳn vậy, vì lòng tham và sự phi luân lý trên thị trường tài chính đã thành phổ biến qua các thời kỳ.

 

Roubini là tên tuổi nổi bật trong giới kinh tế học Mỹ với cuốn sách mới: “Kinh tế học khủng hoảng”. Ảnh: medya365.com

Giảng dạy đạo đức và các giá trị trong trường kinh doanh sẽ không cải tạo được thái độ như thế; thay vào đó hãy thay đổi các động cơ chỉ khuyến khích những thành công ngắn hạn, dẫn tới việc chủ ngân hàng và thương gia chấp nhận rủi ro ở mức độ quá cao.

Giới chủ ngân hàng và nhà buôn trong cuộc khủng hoảng mới đây nhất đã hưởng ứng một cách khôn ngoan với các chương trình bồi thường và tưởng thưởng, cho phép họ nhận được nhiều vốn vay hơn và đảm bảo những khoản tưởng thưởng lớn, nhưng cuối cùng cũng gần như đồng thời tạo ra cho sự phá sản của hàng loạt các thể chế tài chính.

Để tránh những điều quá giới hạn như thế, không thể chỉ trông cậy vào những quy định và sự giám sát tốt hơn, vì 3 lý do:

– Những chủ ngân hàng và thương gia thông minh và tham lam sẽ luôn tìm cách để “lách” những quy định mới;
– Các CEO và ban giám đốc công ty tài chính – chưa kể các nhà điều tiết và giám sát – có thể không kiểm soát hiệu quả rủi ro và hành vi của hàng nghìn bộ phận phụ trách lợi nhuận và thua lỗ (P&L) trong công ty, bởi mỗi nhà buôn và chủ ngân hàng là một P&L riêng với số vốn rủi ro của chính mình;
– Chính các CEO và ban giám đốc cũng chịu những xung đột lợi ích lớn, bởi vì họ không đại diện cho lợi ích của cổ đông phổ thông của doanh nghiệp.

Kết quả là, bất cứ cải cách quy định và giám sát nào cũng đều không thể kiểm soát được bong bóng và sự vượt quá giới hạn trừ khi một số khía cạnh cơ bản khác của hệ thống tài chính được thay đổi.

Trước hết, kế hoạch bồi thường phải được thay đổi một cách triệt để thông qua quy định, bởi các ngân hàng chính họ sẽ không làm điều đó vì sợ mất nhân tài cho các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, việc trao thưởng dựa trên kết quả trung hạn giao dịch và đầu tư rủi ro phải thay thế cho cách làm dựa trên kết quả ngắn hạn.

Thứ hai, việc bãi bỏ đạo luật Glass-Steagall, tách hoạt động các ngân hàng riêng ra khỏi các công ty chứng khoán, là một sai lầm. Mô hình liên doanh tư nhân cũ – theo đó các bên được khuyến khích giám sát lẫn nhau – nhường chỗ cho mô hình công ty đại chúng, cạnh tranh gay gắt với nhau và với các ngân hàng thương mại để nâng cao mãi khả năng sinh lời, điều chỉ có thể đạt được với mức độ nợ rủi ro cao.

Tương tự, việc chuyển từ mô hình cho vay “tạo ra và nắm giữ” (originate and hold) sang mô hình “tạo ra và phân phối” dựa trên sự chứng khoán hóa đã dẫn tới sự chuyển giao rủi ro hàng loạt. Không phải người chơi (chứng khoán) nào mà chính là người cuối cùng trong chuỗi chứng khoán hóa có nguy cơ hứng chịu toàn bộ rủi ro tín dụng, còn phần còn lại chỉ đơn giản hưởng phí và hoa hồng cao ngất.

Thứ ba, thị trường tài chính và công ty tài chính đã trở thành nơi tập trung vô số các xung đột lợi ích cần phải được tháo gỡ. Những xung đột này là cố hữu, vì các công ty tham gia vào hoạt động ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, tự doanh, tạo lập thị trường, bảo hiểm, quản lý tài sản, vốn chủ sở hữu tư nhân, hoạt động hùn vốn, và các dịch vụ khác đóng vai trò của tất cả các bên trong mọi thỏa thuận (trường hợp mới đây của Goldman Sachs chỉ là phần nổi của tảng băng).

 

Cải cách tài chính chưa triệt tiêu được sự tham lam quá mức chi phối phố Wall. Ảnh: www.endicatorstaples.com

Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến đại diện trong hệ thống tài chính vì bên đi thuê hay chủ sở hữu (như cổ đông) không thể giám sát được toàn bộ hoạt động của người đại diện (CEO, quản lý, thương nhân, chủ ngân hàng), những người chỉ cốt theo đuổi lợi ích của cá nhân. Hơn thế nữa, vấn đề này không chỉ đơn giản là cổ đông dài hạn bị đại diện ngắn hạn tham lam lừa gạt.

Nếu các thể chế tài chính không có đủ vốn, và cổ đông không thể bao quát được mọi thứ, thì họ sẽ đẩy CEO và chủ ngân hàng phải chấp nhận mức nợ và rủi ro quá lớn, vì giá trị ròng của chính họ không bị đe dọa.

Cùng với đó là vấn đề “đại diện hai lần”, khi cổ đông phổ thông – cổ đông cá nhân – không trực tiếp kiểm soát ban giám đốc và các CEO. Các cổ đông này được đại diện bởi các thể chế đầu tư (ví dụ quỹ hưu trí) mà lợi ích, chương trình làm việc và mối quan hệ nồng ấm của họ thường gắn kết họ chặt chẽ hơn với các CEO và quản đốc của công ty. Vì thế, khủng hoảng cứ lặp đi lặp lại cũng là kết quả của một hệ thống quản trị doanh nghiệp thất bại.

Thứ tư, lòng lam không thể bị kiềm chế bởi bất cứ sự cầu viện tới luân lý hay giá trị nào. Tham lam chị bị chi phối bởi nỗi sợ mất mát, bắt nguồn từ ý thức rằng các thể chế và đại diện liều lĩnh sẽ không được giải cứu. Cuộc giải cứu một cách hệ thống cuộc khủng hoảng mới đây càng làm trầm trọng hơn vấn đề rủi ro đạo đức này. Không chỉ các thể chế “quá lớn nên không thể sụp đổ” được giải cứu mà cả sự méo mó cũng trở nên tồi tệ hơn khi những tổ chức này thậm chí càng trở nên lớn hơn – thông qua công cuộc củng cố ngành tài chính. Nếu một thể chế quá lớn thì hãy nên nên chia nhỏ nó ra.

Trừ khi chúng ta có những cải cách triệt để này, bằng không những Gordon Gekkos – và Charles Ponzis – sẽ lại xuất hiện. Với mỗi Gekko bị trừng phạt và “tái sinh” – như Gekko trong phim Wall Street mới – lại sinh ra hàng trăm kẻ bủn xỉn hơn và tham lam hơn.

Đình Ngân dịch từ Project Syndicate