Trang chủ » Thế giới » Tân hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard cam kết cải cách

Tân hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard cam kết cải cách

Tác giả:

Hãy nghe ông nói và cam kết một cuộc “cải cách cấp tiến” bởi giới kinh doanh đang phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng về tính chính thống” và đào tạo kinh doanh đang ở giai đoạn “chuyển giao”.

Thành quả ban đầu của các hoạt động này được mô tả trong bài báo của phóng viên Schumpeter trên tờ The Economist. Tác giả viết “Hiệu trưởng mới của Trường kinh doanh Havard hứa sẽ đem lại những “cải cách cấp tiến”.

“HBS có tầm ảnh hưởng rất lớn. Ngôi trường là cơ sở đào tạo những nhân vật hàng đầu trong giới kinh doanh Mỹ: Một số lượng đáng kể những người đứng đầu các công ty thuộc nhóm Fortune 500, trong đó có cả lãnh đạo General Electric và Boeing, đã rèn luyện các kỹ năng của mình tại ngôi trường này.

Ngôi trường có tài sản trị giá 2,1 tỷ đô la với những chuyên gia kiệt xuất, trong đó có Michael Porter và Clayton Christensen. HBS đã phát triển “phương pháp tình huống” – sử dụng các nghiên cứu tình huống để dạy sinh viên về những vấn đề kinh doanh trong thế giới thực. HBS tự nhận rằng mình là nơi cung cấp bốn phần năm các giáo trình về nghiên cứu tình huống được sử dụng trong các trường kinh doanh hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, không phải lúc nào trường cũng đạt được những thành tích vẻ vang. Hoạt động kinh doanh toàn cầu bị rung chuyển bởi các cuộc khủng hoảng, từ vụ sụp đổ của Enron đến khủng hoảng hệ thống tài chính. Và HBS cũng liên quan đến những sự kiện này.

Ở Enron, từ giám đốc điều hành Jeff Skilling trở xuống đều là các cựu sinh viên của HBS. Trường cũng đã viết hàng tập tài liệu nghiên cứu tình huống ca ngợi công ty này. Nhiều ông chủ ngân hàng vừa mới “bắt chẹt” những người đóng thuế trên thế giới cũng từng là sinh viên HBS. Cựu tổng thống George Bush cũng học để trở thành “nhà ra quyết định” tại HBS.

Tân hiệu trưởng HBS Nitin Nohria cho rằng sẽ có những trung tâm giáo dục mới cạnh tranh với Mỹ. Ảnh: topnews.in

Ngày 1/7, hiệu trưởng mới, Nitin Nohria, lên nhậm chức. Việc bổ nhiệm ông cho thấy ngôi trường này nhận ra rằng cần phải được cải cách cơ bản.

Ông Nohria là hiệu trưởng đầu tiên của HBS không phải là người sinh ra ở Bắc Mỹ. Ông cũng là người đầu tiên khi nhậm chức đã nói rằng giới kinh doanh đang phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng về tính chính thống” và đào tạo kinh doanh đang ở giai đoạn “chuyển giao”.

Ông Nohria tin rằng HBS đang ở đỉnh của “một giai đoạn cải cách lạ thường”.

Nhưng cải cách theo ý ông là gì? Liệu có phải đó chỉ là những ý tưởng mang tính khích lệ hay không? Và cơ hội nào cho ông trong việc điều hành một tổ chức khổng lồ như HBS đi theo đúng hướng mà ông mong muốn?”

Bài viết sau đó đi vào phân tích việc Nohria nhấn mạnh cả giáo dục “kỹ năng” lẫn “tính cách”, và “một niềm cảm hứng lớn nhằm tăng cường năng lượng cho những cải cách ở HBS” của ông, căn cứ trên những nghiên cứu ông đã thực hiện về cải cách và lãnh đạo doanh nghiệp để tác động làm thay đổi các tập đoàn, đặc biệt là ở Mỹ trong thập kỷ vừa qua.

Những ý tưởng của Nohria cũng được giải thích thêm trong bài diễn văn tưởng niệm JRD Tata tại Mumbai ngày 29/7.

Ở đây, ông đã áp dụng những phát hiện trong các nghiên cứu quan trọng của mình như các chiến lược của doanh nghiệp tập trung vào hiệu quả sản xuất, sự hài lòng của khách hàng và cải cách, vào trường hợp nền kinh tế phát triển nhanh Ấn Độ kể từ khi thị trường được nới lỏng khỏi các quy định từ đầu thập kỷ 1990.

Kết quả là hoạt động kinh doanh của Ấn Độ kể từ đó, với việc một số công ty được thành lập thích nghi được với môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn trong khi số khác phá sản, trở thành một phiên bản tăng tốc của giai đoạn bùng bổ doanh nghiệp và công nghiệp của Mỹ diễn ra trong hơn một thế kỷ. Bài diễn văn là một tài liệu nhập môn hữu ích về khái niệm kinh doanh và lãnh đạo của Nohria.

Trong bài viết về Ấn Độ ngày nay trên tạp chí Wall Street Journal đăng ngày 3/8, Nohria dự báo những thách thức kinh tế và giáo dục đối với nước Mỹ và HBS.

“Hiện rõ ràng đã có những thách thức đáng kể đối với giới kinh doanh Mỹ… vốn đã thống trị danh sách những công ty thuộc nhóm 100 và 500 công ty hàng đầu toàn cầu trong cả thế kỷ 20. Khi họ bắt đầu nhìn thấy những công ty đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản trong danh sách đó, họ nói: “ Họ đang làm gì trong danh sách của chúng tôi vậy chứ. Chúng tôi tưởng danh sách này là của chúng tôi”.

Nếu nhìn lại lịch sử trong một thời gian dài, những trung tâm giáo dục tầm cỡ đã từng có xu hướng được đặt cùng nơi với những trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới. Nếu những phần khác của thế giới nổi lên về triển vọng kinh tế, điều không thể tránh khỏi là ở đó sẽ mọc lên những trung tâm giáo dục tầm cỡ khác, và đó sẽ là những đối thủ cạnh tranh của các trường kinh doanh Mỹ.”

Về quá trình dịch chuyển kinh tế toàn cầu đang diễn ra, Nohria nói:

“Tôi nghĩ phải mất một khoảng thời gian để Mỹ và châu Âu điều chỉnh lại điểm thả neo từ vị trí thống trị trở thành bộ phận của một thế kỷ cạnh tranh toàn cầu thực sự. Nhưng tôi không cho rằng đó sẽ là sự đi xuống của phương Tây, đó chỉ là sự đuổi kịp của những người khác, và điều đó sẽ tốt cho người dân Mỹ và châu Âu cũng như là cơ hội để họ mở rộng thị trường và tiêu dùng.”

Phương Hà dịch từ
HarvardMagazine