Trang chủ » Điểm nóng » Dấu hiệu “bão” giá cuối năm

Dấu hiệu “bão” giá cuối năm

Tác giả:

Hàng loạt mặt hàng nhập khẩu và tiêu dùng đã được các nhà sản xuất và nhập khẩu gửi thông báo tăng giá đến các siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Dấu hiệu đợt tăng giá cuối năm đã bắt đầu.

Mấy ngày gần đây, hệ thống siêu thị ở Hà Nội liên tiếp nhận được thông báo về tăng giá của nhiều mặt hàng.

Bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam – hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, đã nhận được báo giá của một số nhà cung cấp bánh kẹo nhập khẩu tăng thêm 10%. Nhưng hệ thống siêu thị vẫn chưa áp dụng tăng giá ngay.

Trong khi đó, đại diện siêu thị Big C cho biết, các mặt hàng tăng giá sẽ tập trung nhiều nhất ở nhóm thực phẩm như đồ hộp, bánh kẹo với gần 100 loại, mức tăng bình quân 6%; dầu ăn tăng 4%; hoá mỹ phẩm tăng 6-9%; gia dụng tăng 4-6%; hàng may mặc tăng giá khoảng 6-12%.

Dự kiến sắp tới, sẽ có thêm nhiều mặt hàng tăng giá do giá nguyên liệu trên thế giới tăng và chi phí nhập khẩu tăng lên theo tỷ giá.




Giá mặt hàng thực phẩm – bánh kẹo dự kiến tăng mạnh vào cuối năm (ảnh VNN)

Ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển thị trường nội địa, khẳng định, nhiều mặt hàng tiêu dùng có nguồn gốc nhập khẩu đều được thông báo tăng giá sau khi điều chỉnh tỷ giá USD/VND nhưng các hệ thống siêu thị chưa đồng ý tăng.

Trên thị trường hiện nay, giá thép cũng đã DN điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/tấn do giá phôi thép trên thế giới tăng, cộng thêm việc ảnh hưởng tỷ giá USD. Hiện tại, giá thép bán lẻ trên thị trường nằm trong khoảng là 14-14,9 triệu đồng/tấn.

Bên cạnh đó nhóm hàng đồ dùng cho năm học mới như sách, vở học sinh đang tăng cao do nhu cầu tăng. Thống kê từ Trung tâm thông tin – Bộ Công Thương cho biết, sau đợt tăng giá tháng 5/2010, giá giấy in, giấy viết và giấy in báo hiện nay tiếp tục tăng trung bình 9-14%. Các sản phẩm giấy bao gói công nghiệp cũng tăng giá với mức tăng từ 10-15%.

Tình hình có vẻ bi đát hơn khi ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thông báo, thời gian tới sẽ có khoảng 300 mặt hàng tiêu dùng tăng giá và đầu tháng 9/2010 với mức tăng dự báo từ khoảng 2-12%.

Trong khi đó, mặt hàng bị tác động trực tiếp từ tỷ giá là hàng điện máy nhất là điện máy nhập khẩu lại chưa có dấu hiệu tăng giá. Tuy nhiên, theo các siêu thị điện máy lớn, đây là thời điểm các nhà sản xuất tập trung cho sản xuất hàng cuối năm, cố gắng đẩy mạnh bán hàng còn lại nên giá cả chưa điều chỉnh nhiều. Hơn nữa, các nhà phân phối đang cạnh tranh nhau nên vẫn bán hàng theo giá nhập khẩu cũ.

Tuy nhiên, đại diện Pico Plaza dự báo, sắp tới sẽ có một loạt mặt hàng được áp dụng mức giá mới như đồ gia dụng, hàng điện máy, điện lạnh…

Cũng theo dự báo của Bộ Công Thương, do tác động của những yếu tố bất lợi như giá cả trên thế giới tăng, tính mùa vụ của tiêu dùng, sản xuất, ảnh hưởng của mùa mưa bão khiến các mặt hàng có nguy cơ tăng giá cao. Trong quý III-IV/2010, một số mặt hàng có diễn biến phức tạp như sữa ngoại tăng, đường trắng, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi, gạo… có thể sẽ tăng giá mạnh.

Mở rộng khả năng can thiệp giá cả

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 122/2010/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 104/2008/TT-BTC về thi hành Pháp lệnh Giá theo hướng mở rộng khả năng can thiệp và bình ổn giá thị trường bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng và tăng thêm các tình huống có thể can thiệp giá cả.

Đối tượng áp dụng được mở rộng cho tất cả các DN, các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam không còn bó hẹp trong các DN nhà nước, DN nhà nước chi phối trên 50% như đối với một số mặt hàng trước đây.

Các trường hợp can thiệp bình ổn giá cũng mở rộng hơn. Thay vì giá biến động 20% trong thời gian nhất định mới can thiệt thì này chỉ cần giá tăng cao hơn so với mức tăng giá của các yếu tố “đầu vào”, hoặc cao hơn so với giá vốn hàng nhập khẩu khi tính toán các yếu tố hình thành giá không đúng với các quy chế tính giá do cơ quan Nhà nước ban hành.

Bên cạnh đó, các trường hợp tăng hoặc giảm không có căn cứ, trong khi các yếu tố hình thành giá không có biến động trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, địch hoạ, khủng hoảng kinh tế – tài chính, mất cân đối cung – cầu tạm thời hoặc do các tin đồn thất thiệt không có căn cứ về việc tăng giá hoặc giảm giá; giá tăng hoặc giảm không hợp lý do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền về giá… đều thuộc điện can thiệp để bình ổn giá.