Trang chủ » Kinh tế 24h » Đối mặt với “sốt” tỉ giá

Đối mặt với “sốt” tỉ giá

Tác giả:

Song cũng có nhiều hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ nguyên giá bán. Nhiều doanh nghiệp còn cam kết tiếp tục giữ giá ổn định trong tháng tới.

TPHCM: Chuẩn bị đợt điều chỉnh giá

Đi đầu chiến dịch điều chỉnh giá bán sản phẩm theo tỉ giá USD là các Cty kinh doanh gas, ngày 19.8 các hãng đã đồng loạt tăng 4.000 đồng/bình gas. Cũng với lý do này, cộng thêm lý do giá nguyên liệu phôi thép tăng, giá thép tại các nhà máy và giá bán lẻ trên thị trường hiện tiếp tục tăng thêm, dù nhu cầu mặt hàng này không cao.

Ngày 26.8, thép Pomina đã điều chỉnh giá thép lần thứ năm trong tháng 8 với mức tăng 330.000 đồng/tấn thép cuộn, tương đương khoảng gần 500.000 đồng/tấn thép cây. Trong khi đó, thép VNSteel cũng tăng 150.000 – 400.000 đồng/tấn cho 2 loại thép cuộn và thép cây. Việc điều chỉnh giá bán của các nhà máy đã khiến giá thép bán lẻ trên thị trường đẩy lên 15 triệu đồng/tấn.

Theo Chi cục Quản lý thị trường, giá thép bán lẻ tại quận Bình Thạnh tăng 800 đồng/kg đối với thép phi 6, 8, nâng giá bán lẻ lên 15.000 đồng/kg, phi 12 bán lẻ 148.200 đồng/cây – tăng 8.200 đồng/cây.

Tuy không biến động liền theo tỉ giá, nhưng các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm ngoại nhập hiện cũng rục rịch điều chỉnh giá. Theo các siêu thị Maximark, Co.opmart, Big C…, gần đây đã có nhiều nhà cung cấp đề nghị điều chỉnh giá bán của hàng trăm sản phẩm. Bà Nguyễn Phương Thảo – GĐ siêu thị Maximark Cộng Hòa – cho biết, mức tăng các nhà cung cấp đề nghị từ 3-10%, chủ yếu thuộc nhóm hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo ngoại nhập, hàng tiêu dùng.

Thời gian đề nghị điều chỉnh giá đa số rơi vào trong tháng 9. Tuy nhiên, tháng 9 sắp tới là tháng TPHCM tổ chức chương trình Tháng khuyến mãi. Hầu hết các siêu thị lẫn một số nhà cung cấp đều có kế hoạch giảm giá, khuyến mãi với mức đầu tư hàng chục tỉ đồng cho công tác này. Do vậy, các mặt hàng nếu có tăng giá cũng được giảm giá theo chương trình khuyến mãi nên nhìn chung NTD chưa phải mua hàng với giá tăng lên liền trong tháng 9.

Một số nhóm ngành dịch vụ có liên quan đến việc thanh toán với nước ngoài cũng rục rịch điều chỉnh. Hiện một số Cty du lịch đã phải tính đến việc điều chỉnh giá niêm yết các tour nước ngoài, nhất là những tour xa, dài ngày với giá từ 1.000USD/tour trở lên. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Giám đốc đối ngoại Cty du lịch Fiditour – cho biết: “Do phải thanh toán với các đối tác nước ngoài bằng USD, trong khi giá niêm yết và thu của khách là theo VND, nên khi tỉ giá USD tăng mạnh, ít nhiều các Cty du lịch đều bị ảnh hưởng.

Với mức tăng tỉ giá dao động trong khoảng từ 19.100 – 19.500 đồng/USD như thời gian vừa qua, Cty cố giữ giá niêm yết vì cũng không thể điều chỉnh giá công bố các tour lên xuống. Nhưng nếu thời gian tới, tỉ giá vượt qua mức 19.500 đồng/USD, Cty sẽ phải tính đến việc điều chỉnh giá niêm yết các tour nước ngoài”. Theo các Cty du lịch, chi phí tăng lên do ảnh hưởng tỉ giá USD tăng lên thời gian qua ở mức 200.000 – 400.000 đến hơn 1 triệu đồng/tour/người.

Hà Nội: Thị trường vẫn “êm”

Tại nhiều siêu thị lớn như Hapro, Fivimart, BigC… nhiều mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như sữa hộp, bánh kẹo, dầu ăn, thực phẩm đông lạnh, hoa quả tươi… vẫn giữ nguyên trong nhiều tháng qua. Theo một nhân viên tại siêu thị Fivimart, nguyên nhân hàng hóa vẫn chưa tăng một phần là nguồn hàng tồn kho vẫn còn khá lớn và duy trì ở mức giá cũ.

Tuy nhiên, hiện đã có một số nhà phân phối rục rịch gửi biểu giá mới với mức tăng giá trung bình từ 5 – 10%, nên việc tăng giá bán vào tháng tới hay không vẫn còn tùy thuộc vào mức độ tiêu thụ hàng của mỗi siêu thị.

Đại diện siêu thị BigC khẳng định, các biểu giá mới theo đề nghị của nhà phân phối sẽ được xem xét kỹ và có thể thương lượng sao cho mức tăng tối thiểu. Thời điểm đầu năm học mới sắp đến, cũng là cơ hội để các siêu thị tung ra các đợt khuyến mãi nhằm thu hút sức mua của các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, không thể có hiện tượng tăng giá hàng tiêu dùng với lý do là vào đầu năm học mới. Siêu thị BigC có đến 95% hàng hóa nội địa, tỉ lệ hàng nhập khẩu rất thấp, do vậy khẳng định sẽ không tăng giá bán hàng vào tháng tới.

Trong khi đó, hàng hóa tại các điểm bán lẻ như chợ, hàng tạp hóa… giá cả chỉ nhích lên không đáng kể đối với một số như sữa bột (tăng 10.000đ/hộp), mỹ phẩm, hoa quả tươi nhập khẩu.. theo nhiều tiểu thương, tăng giá chủ yếu do phí vận chuyển ngày càng cao, trao đổi mua bán ngoại tệ cũng khá căng thẳng, buộc lòng phải nâng giá bán. Với xu thế cạnh tranh, nhiều cửa hàng “cực chẳng đã” mới phải nhích giá bán lên một chút.