Trang chủ » Điểm nóng » Thông tư “chơi khó” doanh nghiệp

Thông tư “chơi khó” doanh nghiệp

Tác giả:

HTML clipboard

Thủ tục “hành” … là chính

Một nữ doanh nhân thuộc Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (TP.HCM) rất bức xúc khi đưa ra tập hồ sơ, trong đó có tờ Lệnh kiểm tra hải quan với bút phê của lãnh đạo Chi cục Hải quan Quản lý hàng gia công TP.HCM.

Tờ Lệnh ghi rõ: “Lưu ý: chỉ cho hàng ra khỏi cảng khi có đủ 2 giấy của cơ quan kiểm dịch và kiểm tra ATVSTP chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu” (đính kèm văn bản số 1407/TCHQ-GSQL ngày 6/8/2010 của Tổng cục Hải quan gửi các Chi cục HQ, yêu cầu rà soát việc thực hiện kiểm dịch các mặt hàng thủy sản nhập khẩu theo thông tư 06/2010/BNN&PTNT).

Theo thông tư này, ngoài các thủ tục nhập khẩu bình thường như trước đây, Công ty này phải làm thêm các thủ tục để được chứng nhập đạt chất lượng nhập khẩu, mặc dù sản phẩm thủy sản nhập khẩu thuộc diện không phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh và không phải lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y (theo Thông tư 06). Phía sau tờ lệnh còn chú thích khá rõ ràng về việc DN có gì vướng mắc thì gửi văn bản trực tiếp về… Bộ NN&PTNT để được xem xét trả lời!

Trường hợp bức xúc của DN không phải là hiếm. Ngay khi vừa ban hành thông tư, DN chế biến thủy sản cả nước, thông qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhiều lần phản ánh sửa đổi những thủ tục hành chính không cần thiết của hai thông tư trên.

Hàng thuỷ sản đông lạnh đang ách tắc tại cửa hải quan (ảnh AB)

Các ý kiến của DN nêu rõ, việc kiểm tra VSATTP đối với với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để chế biến xuất khẩu là không cần thiết, không trúng mục tiêu “bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam” (vì đây là hàng nhập để chế biến rồi tái xuất) và không phù hợp với năng lực bộ máy các cơ quan kiểm tra hiện hành.

Ngày 28/8,  vì quá bức xúc, CAFICO Việt Nam – một công ty khá lớn về chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khánh Hòa – đã trực tiếp gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc không áp dụng hai thông tư này bởi đã gây khó khăn lớn cho công ty trong quá trình thực thi các khâu thủ tục.

Chỉ còn biết kêu trời

Thực tế, quy trình thủ tục kiểm dịch quá phức tạp, mất nhiều thời gian và đặc biệt gây tốn kém cho DN. Nguyên nhân là do đặc thù nguyên liệu thủy sản đông lạnh.

Để đối phó với bất cập và hạn chế hàng ách tắc ở cửa khẩu, Chi cục Hải quan các tỉnh đã thực hiện chế độ “hậu kiểm”, nghĩa là giải phóng hàng nhanh khỏi cảng, các công ty được mang hàng về kho lạnh tự bảo quản trong chế độ cách ly để chờ làm thủ tục kiểm dịch.

Tuy vậy, phí dịch vụ kho lạnh cho mỗi container mà các DN phải trả là 60-80 USD/ngày, chưa kể điều kiện bảo quản lạnh không đảm bảo đủ – 22oC. Trong khi, hàng nhập về dồn dập chất đống tại kho lạnh hải quan, còn kho của DN lại bỏ không.

Nhiều DN bức xúc cho hay đã phải hủy không ít hợp đồng do không kịp tiến độ, cho thôi việc công nhân, công việc sản xuất xáo trộn nặng nề.

Trao đổi với PV.VNR500, Tổng Thư ký VASEP – ông Trương Đình Hòe tỏ vẻ ngán ngẩm: “Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến đề nghị Bộ NN&PTNT hủy không áp dụng thông tư trên đối với mặt hàng thủy sản nguyên liệu nhập khẩu nhưng chưa thấy có biến chuyển. Những mặt hàng này trước hết không liên quan gì đến vấn đề tăng nhập siêu của Việt Nam mà chủ yếu giải quyết nguyên liệu để xuất khẩu do nguồn cung nội địa không đáp ứng đủ.

Hơn nữa, về thủ tục kiểm dịch thú y, chưa có một nước nào áp dụng khâu này đối với mặt hàng thủy sản. Việc áp dụng hai thông tư trên gây quá nhiều cản trở cho quá trình sản xuất của các DN”.

Theo ông Hòe, không ít DN chế biến thủy sản hiện vẫn phục thuộc đến 90% nguồn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu như cá, tôm, mực… đông lạnh. Do vậy, nếu áp dụng hai thông tư trên với hàng chục “cửa” kiểm soát thủ tục thì hiện không ít DN đang “thoi thóp” chờ phá sản.

Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng”, VASEP đang tiến hành thống kê số lượng DN bị ách tắc hàng hóa, tổng hợp ý kiến phản hồi của DN và sẽ nhanh chóng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ngừng áp dụng hai thông tư 06 và 25 đối với mặt hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu.

hông tư số 06 do Bộ NN&PTNT ban hành ngày 2/2/2010 quy định trình tự thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 19/03/2010; Thông tư số 25 ban hành ngày 8/4/2010, hướng dẫn việc kiểm tra VSATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2010 (gia hạn có hiệu lực từ 1/9/2010).