Trang chủ » Doanh nhân » Đi học, làm thuê hay lập công ty?

Đi học, làm thuê hay lập công ty?

Tác giả:

Mời bạn đọc cùng VNR500 theo dõi câu chuyện cuối tuần hấp dẫn về WePay và những ông chủ trẻ, và tham gia thảo luận về chủ đề này với Diễn đàn.

“Đi học, làm thuê hay lập công ty?” Câu trả lời ở đây là: Bạn không nên trì hoãn việc bắt đầu kinh doanh vì bạn có thể sẽ không còn cơ hội lần thứ 2!

Dừng học – Bỏ việc – Lập công ty!

Rich Aberman và Bill Clerico đã phải đối mặt với một quyết định thực sự khó khăn khi đang là sinh viên năm cuối Đại học Boston. Họ phải lựa chọn 1 trong 2 con đường: Bắt đầu kinh doanh hay nộp đơn xin việc và học tiếp lên cao học?

Họ quyết định đi con đường an toàn hơn: Aberman tiếp tục học luật tại Đại học New York, còn Clerico xin làm nhân viên tư vấn đầu tư tại Jefferies. Họ tự hứa với bản thân nhất định sẽ có một ngày thành lập công ty của riêng mình. Nhưng hầu như ngay lập tức họ nhận ra mình bị cuốn vào vòng xoáy công việc hàng ngày và tham vọng kinh doanh càng lúc càng rời xa họ.

Bill Clerico và Rich Aberman (Nguồn: Entrepreneur)

Aberman, 25 tuổi, chia sẻ: “Thời gian trôi qua càng nhiều thì việc bắt đầu kinh doanh càng trở nên khó khăn hơn mà thôi. Khi bạn đã chấp nhận mức lương của bạn, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại, và điều này đồng nghĩa với việc sẽ thật khó để từ bỏ công việc và bắt đầu kinh doanh – thứ ít chắc chắn hơn việc mà bạn đang làm.”

Clerico đã từng lo lắng nếu anh thành lập công ty riêng, và thất bại, anh sẽ mất 6 tháng sau khi ra trường mà trong tay không có bất cứ kinh nghiệm làm việc hay thành công cụ thể nào. Theo Clerico, lúc đó 24 tuổi, “Cuối cùng, tôi đã nhận ra, dù có hơi muộn, rằng sự ngại ngùng lo sợ đó thật là ngớ ngẩn! Bạn luôn có thể nộp đơn xin việc vào bất cứ lúc nào, nhưng bắt đầu kinh doanh thì lại là chuyện khác.”

Vì vậy, chỉ sau vài tháng, họ thay đổi kế hoạch: Aberman dừng học luật còn Clerico bỏ việc, và họ cùng nhau thành lập WePay, một hệ thống trực tuyến cho phép người ta quản lý tài khoản của mình. Họ kiếm thêm tiền bằng những nghề tay trái: Aberman dạy các khóa học luyện thi LSAT (Law School Admission Test – kì thi vào trường Luật) và Clerico làm nhân viên cố vấn kĩ thuật trong thời gian bắt đầu tạo lập công việc kinh doanh.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là cố gắng làm bất cứ điều gì có thể để có thể trang trải cho cuộc sống”, Aberman chia sẻ. “Và điều này chúng tôi hoàn toàn có khả năng làm được. Chúng tôi cũng lo sợ việc không có tiền, nhưng thực ra bạn luôn có thể tìm ra cách để kiếm ra 1 khoản đủ trang trải mỗi tháng”

Và họ đã được đền đáp xứng đáng cho quyết định của mình. Chỉ hơn 1 năm sau khi thành lập công ty, Aberman và Clerico đã kiếm được khoản tiền xấp xỉ 2 triệu đô la cho WePay từ những nhà đầu tư trực tuyến đầy tiềm năng như Max Levchin, Eric Dunn và Ron Conway.

“WePay”: Kết quả của việc không trì hoãn mạo hiểm để thành công

WePay cho phép các cá nhân và tổ chức trên khắp thế giới tạo lập tài khoản và gửi tiền bằng rất nhiều cách khác nhau – như séc, hay thẻ tín dụng, rồi sau đó dùng một loại thẻ đặc biệt để sử dụng số tiền trong tài khoản.

Đến nay đã có vài ngàn người sử dụng WePay, từ những vận động viên thể thao cho tới những nhóm bạn chung phòng dùng WePay trả tiền thuê nhà và sắm sửa trang thiết bị cần thiết. WePay thu phí dịch vụ 50 xu cho các giao dịch ngân hàng và 3,5% số tiền cho các giao dịch với thẻ tín dụng, còn nếu mua hàng trực tiếp thì hoàn toàn miễn phí.

Các dịch vụ của WePay (Nguồn: WePay)

Aberman và Clerico đã thành công trong việc hiện thực hóa tham vọng kinh doanh từ khi còn đi học, dù có phải đi đường vòng một chút; nhưng họ thực sự nghĩ rằng nên bắt đầu kinh doanh ngay từ khi tốt nghiệp.

Theo Aberman, đó là vì “Bạn đã có bằng cấp, và bạn chưa bị ràng buộc gì cả. Nếu bạn chấp nhận rủi ro, và nếu thất bại, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là bạn sẽ có những kinh nghiệm rất riêng, đủ để gây ấn tượng mạnh mẽ cho những nhà tuyển dụng hay giúp bạn rất nhiều trong việc học tiếp lên cao học”. Còn Clerico chia sẻ thêm: “Nếu bạn đợi cho tới khi đã làm việc một vài năm hay đã học xong cao học, bạn chỉ đang cố tìm ra lý do cho việc trì hoãn và không muốn mạo hiểm, điều đó cũng có nghĩa bạn tự làm mất đi những cơ hội đáng quý có một không hai của mình”.

Lời khuyên của Rich Aberman:

5 lý do để bắt đầu kinh doanh ngay sau khi tốt nghiệp

1. Ít gánh nặng hơn (chưa có con cái hay các khoản thế chấp)

2. Không bị ràng buộc bởi những yêu cầu quá cao trong nếp sống (Bạn có rất ít nhu cầu tiện nghi và có thể làm việc nhiều giờ hơn)

3. Không phải từ bỏ sự nghiệp đang có

4. Những người vừa tốt nghiệp có thể nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn từ gia đình (là khách hàng đầu tiên, người cố vấn, v.v…)

5. Điều đó thú vị hơn việc đi xin việc và làm thuê rất nhiều.