Trang chủ » Doanh nhân » Kinh doanh từ việc… cứu người

Kinh doanh từ việc… cứu người

Tác giả:

Hưởng ứng Ngày Hòa giải & Yêu Thương do báo VietNamNet tổ chức, mời bạn đọc VNR500 cùng Quả ngọt Sáng Tạo theo dõi và thảo luận câu chuyện về một ý tưởng kinh doanh đầy sáng tạo và nhân văn.

Trong những năm gần đây, “taxi scooter” hay còn gọi là dịch vụ “xe cứu người” – một dịch vụ nhằm phòng tránh những nguy hại cho lái xe khi lái xe trong tình trạng say rượu, đã trở nên phổ biến trên hầu khắp nước Mỹ. Với một khoản phí bằng non nửa giá tiền đi taxi, nhân viên dịch vụ này sẽ có mặt tận nơi, đón những vị khách đang ngà ngà say vừa bước ra từ quán bar, nhà hàng và các điểm giải trí khác rồi lái chính chếc xe của khách hàng, đưa họ về tận nhà.

Dịch vụ này hoạt động như sau: người tài xế dịch vụ đến điểm đón khách trên một chiếc xe tay ga có thể gấp gọn và đặt vừa trong cốp sau ôtô của khách. Sau khi đưa vị khách có dấu hiệu say rượu về nhà an toàn, người tài xế sẽ dùng xe ga của mình quay về hoặc đi đến điểm đã hẹn khác. Ý tưởng về dịch vụ này xuất phát từ nước Anh vào những năm 90 và phổ biến tại Mỹ vào đầu những năm 2000.

Từ ý tưởng kinh doanh bằng việc… cứu người

Ngoài một số tổ chức hoạt động phi lợi nhuận như Scooter Patrol ở Bãi Sunset, California, đa số các công ty cung cấp dịch vụ này đều hướng tới mục đích kinh doanh, với các điển hình là CityScoot ở Louisville, Kentucky; Zingo ở Atlanta, Lilybug Scooters ở Hamptons và Y Drive LA ở Los Angeles.

Đúng, đó thực sự là kinh doanh, và công ty hoạt động với mục tiêu thu lợi ích tài chính để tồn tại và phát triển – William Heath, người đứng đầu Lilybug Scooters nói. Nhưng, ông hóm hỉnh: “Nó không kiếm ra tiền cho tôi đến St Tropez mà ngồi thuyền ngắm trời mây sông nước đâu”.

Calvin Mercer, nhân viên Lilybug Scooters chuẩn bị đón một khách hàng có dấu hiệu say rượu. Lilybug đặt trụ sở tại Hamptons, Long Island (Nguồn: NYTimes)

Heath vốn là người Anh, sau đó chuyển về New York. Ông bắt đầu gây dựng công ty của mình năm 2007, sau khi một người bạn qua đời bởi một tai nạn do người lái xe say rượu gây ra.

“Bất kì điều gì ngăn cản không cho người ta lái xe khi đang say rượu đều là tích cực đối với cộng đồng”, ông nói.

Làm việc thiện nguyện trong khi vẫn kiếm được lợi nhuận là điều ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm – Matt Nash, giám đốc quản lý Trung tâm Mở rộng các Đóng góp của Doanh nghiệp cho Xã hội thuộc Đại học Duke nói.

Ông dẫn các trường hợp của Better World Books– tổ chức chuyên sưu tầm và bán sách nhằm gây quỹ cho Chương trình Nỗ lực xoá mù chữ trên toàn thế giới; Tập đoàn Redwoods– một công ty bảo hiểm có duy trì dịch vụ chăm sóc cộng đồng; và Seventh Generation– chuyên sản xuất các thiết bị dùng trong nhà không độc hại- luôn đều đặn trích một phần lợi nhuận cho các hoạt động xã hội.

Chưa thể thống kê số lượng chính xác, Nash nói, nhưng Trung tâm đã ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp doanh nghiệp tham gia hoạt động xã hội có cơ hội tiếp cận nguồn ưu đãi vốn đầu tư và các kế hoạch tài chính khác.

Tuy nhiên, quyết định kinh doanh không phải lúc nào cũng được đưa ra ngay từ đầu. Năm 1999, khi Brandon Busteed và cộng sự thành lập tổ chức Outside the Classroom tại khu Boston với mục tiêu giảm thiểu tình trạng sử dụng đồ uống có cồn quá mức cho phép ở sinh viên và học sinh trung học, tổ chức của họ cũng hoạt động phi lợi nhuận.

Và khi bị từ chối tài trợ đến lần thứ 17 chỉ trong 1 năm rưỡi, ông nói, họ mới quyết định chuyển thành một doanh nghiệp kinh doanh, thu lời và đóng thuế. Gần như ngay lập tức, ông nhớ lại, công việc kinh doanh phần mềm giáo dục mang tên AcoholEdu, với khách hàng là hơn 450 trường trung học và đại học đã thu hút được những nguồn đầu tư ban đầu, và tiếp tục bền bỉ trong suốt 9 năm sau đó.

“Tuy nhiên, tôi vẫn luôn luôn băn khoăn về cái tên của tổ chức: có nên gọi đó là một doanh nghiệp hay không” Busteed nói. “Tôn chỉ của chúng tôi là: hoạt động như một doanh nghiệp, hành xử như một tổ chức phi lợi nhuận, bỏ tâm sức để ngày một tốt hơn”.

Đối với Mark Roberts – người thành lập công ty CityScoot tại Louisville, ông dường như bị thu hút mạnh mẽ bởi sức hấp dẫn của thế giới từ thiện phi lợi nhuận. Trong tương lai gần, ông khởi động tổ chức phi lợi nhuận No Excuse for Drunk Driving (viết tắt NEDD), thừa hưởng thành công của dịch vụ scooter vốn có mặt trên toàn quốc.

Kể từ năm 2004 dịch vụ của CityScoot đã đưa hơn 50,000 khách hàng về nhà an toàn. Và bây giờ, sự nghiệp kinh doanh của công ty sẽ tiếp tục mà không có ông, Roberts nói.

Dịch vụ phục vụ 7 tối trong tuần, từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Chi phí cho một lần đưa đón khách về nhà khoảng 20 USD. Tuy nhiên, với sự hợp tác của nhiều nguồn tài trợ tại địa phương, khoản phí đó có thể giảm xuống chỉ còn 9 USD.

“Tôi đã phấn đấu cho giấc mơ kinh doanh và lợi nhuận từ rất lâu”, Roberts nói. Tuy vậy, ông vẫn nhấn mạnh rằng các công ty non trẻ cần có những tổ chức phi lợi nhuận có tiếng tăm như NEDD trợ giúp các vấn đề bảo hiểm và marketing. “Cuối cùng sẽ có một tư tưởng không còn thành kiến về việc giúp đỡ phát triển bằng những chương trình như thế này”.

Tới mô hình công ty cứu người… phi lợi nhuận!

Ngay cả khi không hướng tới mục đích lợi nhuận, Roberts vẫn mong muốn dịch vụ của mình hoạt động theo mô hình của một doanh nghiệp đang thực sự kinh doanh. “Tôi muốn những doanh nghiệp kiểu này được hưởng lợi ích về tài chính, từ đó khuyến khích niềm hứng khởi bắt đầu công việc”, ông nói.

Ước mơ của ông về một tập đoàn hoạt động thống nhất trên cả nước không phải là không gặp nhiều khó khăn thử thách. Zingo được thành lập tại Atlanta năm 2005, đã được mở rộng trên khoảng gần 25 khu vực – dẫn lời PX Head – một cổ đông, và hi vọng còn có thể hoạt động trên nhiều nơi nữa khắp cả nước.

Travis Roverson, bên trái, đang tìm phương hướng trong khi Stephen Silver, cố vấn của Lilybug nói chuyện điện thoại với một khách hàng (Nguồn: NYTimes)

“Hoạt động cho thuê lái xe thay thế hiện đang chỉ ở tình trạng rời rạc, tự phát”, Zingo nhấn mạnh trên trang web của tổ chức, callzingo.com. “Công việc này thực sự đang cần một sự thống nhất ở tầm quốc gia”.

Thù lao cho các lái xe của Zingo vào khoảng 40 USD/giờ, bao gồm 20 USD phí đón khách, cộng thêm 2 USD mỗi dặm đường. Công ty đã tranh thủ được tài trợ từ nhà máy của tập đoàn Anheuser- Busch ( tập đoàn sản xuất bia lớn nhất nước Mĩ- ND) tại mỗi địa phương nơi triển khai dịch vụ.

Ngoài ra, Zingo còn kí hợp đồng cung cấp dòng xe máy có thể gấp gọn sản xuất tại Italy – Di Blasi. Mỗi chiếc xe được cung cấp theo hợp đồng được bán với giá 2,250 USD. Và có một thứ mà CityScoot và Zingo cùng làm, đó là bắt tay với người đứng đầu nền công nghiệp sản xuất đồ uống có cồn.

Roberts hợp tác làm việc cùng Brown – Forman, ‘ông lớn’ trong ngành sản xuất rượu và thức uống có cồn, đổi lại, 1.000 nhân công của tập đoàn này có thể tự do sử dụng miễn phí dịch vụ của CityScoot. Rob Frederick, giám đốc quản lý tổng hợp của Brown – Forman nói, tập đoàn của ông từ lâu đã rất ấn tượng với ngài Roberts: “Ông ấy luôn hướng về mục tiêu phòng tránh mối nguy hại lái xe khi say rượu, và đã phấn đấu hết mình cho mục tiêu đó”.

Thiết lập quan hệ đối tác với dịch vụ “taxi scooter” là một trong những nỗ lực tuyên truyền sử dụng thức uống có cồn một cách có trách nhiệm của công ty ông, Frederick nói. Công ty ông còn có dự định phối hợp với NEDD bằng một vài hoạt động khác.

Ngoài quan hệ đối tác với CityScoot, Brown – Forman cũng vừa kết thúc một chương trình thử nghiệm với Zingo ở Atlanta. Mùa hè này, nhãn hiệu Jack – Daniel của công ty cũng sẽ chính thức cung cấp tài trợ cho đối tác Lilybug Scooters.

Ông Heath của Lilybug cho rằng, sự liên kết bảo trợ này sẽ giúp gia tăng danh tiếng của dịch vụ “taxi scooter”, “từ đó đưa được ngày càng nhiều người về nhà an toàn, đó cũng chính là mục tiêu phấn đấu lớn nhất của chúng tôi”.