Trang chủ » Kinh tế 24h » Giá vàng còn nhiều đợt tăng cao

Giá vàng còn nhiều đợt tăng cao

Tác giả:

Vì sao tăng?

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, giá vàng tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do giá vàng thế giới nhiều thời điểm đạt trên 1.260 USD/oz, có lúc lên đến 1263 USD/oz như ngày 8-8, gần với mốc kỷ lục mọi thời đại 1.265 USD/oz.

Việc giá vàng VN hạ ngay sau khi vàng thế giới giảm sáng 9/9 (giờ VN) cho thấy giá vàng VN đang bị tác động mạnh từ giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do đang nằm trên ngưỡng 19.500 đồng/USD (bán ra) càng khiến giá vàng đứng ở mốc cao.

Những ngày qua tại TPHCM đã có tình trạng găm vàng để đẩy giá lên, mặc dù giao dịch khá trầm lắng. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng GĐ Cty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho hay: “Hiện các doanh nghiệp (DN) đã ngưng xuất khẩu vàng vì khó gom hàng do mỗi khi DN có ý định hỏi mua vào là giá bị đẩy lên. Trong khi đó, giá vàng VN và thế giới gần một tuần qua chênh lệch không đáng kể”.

Người dân, chủ tiệm vàng… không mặn mà bán vàng ra cũng góp phần khiến vàng khan hiếm và luôn cao giá từ đầu tháng 9 đến nay. Đây còn là thời điểm nhiều DN, tiệm vàng lớn làm nữ trang chuẩn bị vàng nguyên liệu làm hàng cho mùa cưới, mua sắm cuối năm sắp đến.

Ông Huỳnh Trung Khánh nhận định, chưa có nhiều tín hiệu cho thấy giá vàng sẽ giảm sâu. Hơn nữa giá vàng tại VN còn phụ thuộc rất lớn vào tỷ giá USD nên USD còn đứng ở mốc 19.500 đồng/ USD như hiện nay thì dù giá vàng thế giới xuống xấp xỉ 1.200 USD/oz, vàng VN vẫn cao hơn 28,5 triệu đồng/lượng.

TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng phân tích: “Không chỉ ở VN mà nhiều nơi trên thế giới luôn xảy ra cảnh giá vàng hạ chút ít lại bị đẩy lên trở lại do các quỹ, tổ chức đầu cơ xem đây là cơ hội kiếm lời.

Lợi dụng tình hình kinh tế thế giới chưa thực sự thoát khỏi khó khăn do khủng hoảng nợ ở Nam Âu, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm, nhu cầu vàng của Trung Quốc và Ấn Độ lớn, nhiều nước vẫn áp dụng kích thích kinh tế… nên nhà đầu cơ ngày càng đẩy mạnh “lướt sóng” khiến thị trường vàng rất khó ổn định”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo, giá vàng sẽ đạt mốc 1.300 USD/oz đang tác động tâm lý khá mạnh đến giới đầu cơ, cá nhân, khiến họ kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng. Tâm lý này đang tiếp tay cho giá vàng khó giảm sâu.

Theo nhận định chung, giá vàng trong những ngày tới có thể giảm nhẹ nhưng từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều đợt tăng cao với mốc 29,5 đến dưới 30 triệu đồng/lượng.

Cảnh giác sóng ngầm

Không như năm 2008, 2009, giá vàng tăng vọt gần đây chưa gây ra những hỗn loạn. Tổng GĐ một ngân hàng thừa nhận việc cấm mua bán vàng tài khoản trên sàn đã làm thị trường vàng bình ổn hơn. Các hoạt động kinh doanh vàng tài khoản khống từ nhiều cá nhân, tiệm vàng… cũng giảm thiểu.

Do đã nếm trái đắng khi giá vàng biến động quá nhanh từ việc mua vàng, vay vàng kinh doanh nên tình trạng vay vàng ngân hàng đã ngưng hẳn và giảm thiểu số người bị tác động xấu từ giá vàng tăng vừa qua.

TS Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng TPHCM) cho rằng giá vàng tăng nhưng những vật dụng thiết yếu, giá nhà đất, vận tải, thực phẩm… chưa tăng theo làm nhiều người không lo ngại.

Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu giá vàng chạm mốc 30 triệu đồng/lượng và tỷ giá, giá hàng hóa dịp cuối năm tăng theo thì thị trường tiền tệ, tài chính sẽ lại nhảy múa và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác.

Hiện thị trường bình lặng là một tín hiệu tốt nhưng vẫn đang còn khá nhiều sóng ngầm. Đây là thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan cần đưa ra những biện pháp để hạn chế tình trạng đẩy giá, găm hàng cũng như bình ổn tỷ giá nhằm giúp giá vàng ổn định hơn.