Trang chủ » Kinh tế 24h » Hàng loạt đại dự án FDI bị rút giấy phép

Hàng loạt đại dự án FDI bị rút giấy phép

Tác giả:

Tại Quảng Nam, có ba dự án bị rút giấy phép, gồm: Dự án Bãi biển Rồng vốn đăng ký 4,15 tỷ USD, do hai công ty Tano Capital LLC và Global C&D Inc (Mỹ) làm chủ đầu tư; Dự án du lịch sinh thái biển cao cấp Pegasus Fund của nhà đầu tư Mỹ; Dự án Khu du lịch Quê Việt của nhà đầu tư Canada.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND tỉnh này vừa chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển AJ Vietstar (vốn Hàn Quốc) do không đủ năng lực tài chính.

Tại Ninh Thuận, Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9,8 tỷ USD do Công ty Maju Stabil SDN (Tập đoàn Lion Group của Malaysia) làm chủ đầu tư, được khởi công giai đoạn 1 vào cuối năm 2008, nay phải tìm chủ đầu tư mới sau khi UBND tỉnh không liên lạc được với chủ đầu tư.

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa (ảnh TP)

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn STX (Hàn Quốc).

Tại Hà Tĩnh, siêu dự án thép 16 tỷ USD, chủ đầu tư là tập đoàn Formosa (Đài Loan) cũng đang chậm tiến độ. Lãnh đạo Tập đoàn này đã phải làm văn bản xin Thủ tướng miễn hạn mức tín dụng, miễn thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu…

Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, hiện nay, có tới 16 dự án vốn đăng ký trên 1 tỷ USD trong số 100 dự án FDI có số vốn đăng ký lớn.

Trong đó, dự án có số vốn đăng ký lớn nhất (7,87 tỷ USD) là Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương Formosa tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa.

Theo ông Hoàng, trước thực trạng có quá nhiều dự án FDI có vốn đăng ký lớn chậm tiến độ, Bộ KH&ĐT vừa yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp FDI phải báo cáo về tình hình triển khai hoạt động của các dự án. Các nhà đầu tư phải báo cáo cụ thể về tình hình góp vốn, việc sử dụng lao động, tác động môi trường…