Trang chủ » Doanh nhân » Hốt bạc nhờ… rệp

Hốt bạc nhờ… rệp

Tác giả:

Những báo cáo gần đây về tình trạng rệp nâu ồ ạt xâm nhập vào các toà nhà, văn phòng, rạp chiếu phim, kho hàng, cửa hiệu ở Mỹ…  không làm Wes Tyler – quản lý khách sạn Chancellor trên Quảng trường Union, San Francisco – bất ngờ.

“Dù không mong muốn, đối phó với rệp đã trở thành một phần bắt buộc của công việc kinh doanh trong những ngày này”, ông nói.

Năm 2003, một nhân viên phát hiện con rệp đầu tiên trong toà nhà khách sạn 137 phòng. Kể từ đó, Tyler cương quyết đề ra một chiến dịch rà soát quy mô, nhằm mục đích tiêu diệt hết những con bọ hút máu đó trước khi có bất kì khách hàng nào nhìn thấy.

Ông lập một vị trí mới gọi là “chuyên viên rệp” – nhân viên chỉ làm công việc đi kiểm tra rệp trong từng phòng. Đối với các nhân viên khác của khách sạn, nếu phát hiện rệp cũng sẽ được thưởng 10 USD.

Khi phát hiện thấy rệp trong phòng, toàn bộ căn phòng đó và cả các phòng lân cận ngay lập tức tạm ngưng phục vụ. Các nhân viên sẽ tiến hành lau dọn, xông hơi và xử lí hoá chất trong khoảng 5 ngày để tiêu diệt hết rệp và trứng của chúng. Nệm và ga trải giường cũng phải vứt bỏ.

Tổng tổn thất cho mỗi căn phòng có rệp vào khoảng 2.500 USD, bao gồm phí thuê phòng bị mất trong thời gian đó.

“Đó là một khoản tiền lớn, nhưng danh tiếng của khách sạn là vô giá”, ông Tyler nói. “Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là khi ai đó bị bọn rệp cắn ở đây, và sau đó đi công kích, phàn nàn về việc này trên một website du lịch nào đó. Viễn cảnh ấy thật kinh hoàng”.

Trước kia, rệp chỉ là mối đe doạ đối với các hộ gia đình. Nhưng hiện tại, chúng đã tấn công mạnh mẽ vào các doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của họ. Các công ty tiêu diệt côn trùng liên tục đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của rệp tại văn phòng làm việc, rạp chiếu phim, cửa hàng quần áo, nhà máy, xe buýt và thậm chí cả trên máy bay.

Rệp có thể gây thiệt hại tới hàng trăm nghìn USD cho doanh nghiệp. Các công ty chịu nhiều tổn thất khi phải dừng kinh doanh và hoạt động thương mại để thực hiện các thủ tục xử lý loài bọ khó chịu này.

Không những thế, họ có thể còn phải loại bỏ tất cả hàng hoá bị rệp tấn công. Abercrombie & Fitch vào tháng Bảy đã buộc phải đóng cửa 2 địa điểm mua sắm ở New York trong 4 và 5 ngày. Một đại diện của họ xác nhận đã phải tiêu huỷ hàng hoá, nhưng từ chối bình luận về tổng thiệt hại.

Quản lý toà nhà Empire State và chuỗi nhà hát AMC cũng kiên quyết không tiết lộ chi phí phải bỏ ra.

Các website như bedbugregistry.com và bedbugreports.com được lập ra nhằm khuyến khích mọi người tường trình về những khách sạn, chung cư, văn phòng và cửa hàng bách hoá nơi họ nhìn thấy hoặc đã bị rệp cắn.

“Không thể ngừng băn khoăn về những lời tuyên bố chắc nịch của các khách sạn” – Maciej Ceglowski, một lập trình viên ở San Francisco nói.

Anh quyết định thiết lập bedbugregistry.com tháng Mười Một năm 2006, sau khi bị rệp cắn tại một khách sạn địa phương.

“Tất cả mọi người đều sợ phải công khai rằng công ty họ đã bị rệp tấn công, kinh doanh tổn thất”.

Số vụ kiện liên quan đến rệp gia tăng rõ rệt kể từ năm 2003, và nhiều luật sư đang tự quảng cáo rằng chuyên môn của họ là xử lý vấn đề pháp lí này.

Điển hình là vụ kiện gần đây chống lại Tập đoàn Aaron, Norristown, Pennsylvania: Trong số đồ nội thất mà nguyên đơn mua của hãng này có rệp.

Theo tài liệu xét xử, người phụ nữ này muốn được bồi thường 50.000 USD bởi những con rệp đó không chỉ gây nhiều đốm lằn sưng, mà còn khiến bà bị rụng tóc và mất luôn công việc điều dưỡng viên tại một nhà an dưỡng.

“Phần lớn các vụ kiện liên quan đến rệp được dàn xếp ổn thoả với dưới 5.000 USD, nhưng tôi đã từng thấy có vụ mức tổn thất lên đến sáu chữ số”, Christian Hardigree, PGS Trường Quản trị khách sạn William F. Harrah (thuộc Đại học Nevada, Las Vegas), đồng thời cũng là một luật sư đã từng tư vấn nhiều vụ về rệp ở khách sạn, du thuyền, rạp chiếu phim và nhà dưỡng lão.

“Những vụ kiện kiểu này thực sự là ác mộng đối với doanh nghiệp, vì rất nhiều nguyên đơn coi tranh chấp pháp lý như chơi xổ số, và họ nhất quyết theo đuổi chiến thắng lớn nhất có thể có”.

Nhiều công ty hốt bạc nhờ rệp

Bên cạnh kiện tụng xung quanh tổn thương cá nhân, nhiều doanh nghiệp lại tìm ra cách kiếm lợi nhuận từ rệp.

Trong số đó có Protect-A-Bed – công ty đặt trụ sở tại Chicago, chuyên sản xuất tấm bọc bảo vệ nệm giường nhằm phòng tránh ve, bét, rệp và các loại bọ khác.

Dẫn lời giám đốc điều hành James Bell, công ty đưa ra sản phẩm năm 2004 và đạt doanh số bán hàng 10 triệu USD chỉ trong năm vừa qua, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Ông dự đoán doanh thu sẽ còn tăng vọt trong năm nay. “Chúng tôi nhận được sự hưởng ứng ngày một rộng rãi”, ông nói.

Chi phí xử lý rệp khá tốn kém, và thường cũng không được thanh toán trong các chính sách bảo hiểm, bởi theo đánh giá thông thường nó thuộc về vấn đề duy trì, bảo quản. Biện pháp được coi là hữu hiệu nhất để đối phó với rệp – thuê các chú chó có khả năng đánh hơi thấy chúng – có mức chi phí vào khoảng 250 USD cho một cửa hàng rộng khoảng 100 m2 và lên tới 10.000 USD cho một trung tâm mua sắm rộng hàng trăm ngàn mét vuông.

“Để phòng tránh rệp triệt để, tôi khuyến cáo nên sử dụng chó kiểm tra mỗi quý một lần”- theo lời Pepe Peruyero, giám đốc điều hành Viện J&K Canine tại High Spring, Florida – nơi huấn luyện chó đặc vụ chuyên rà soát rệp và cung cấp dịch vụ xử lý tại những toà nhà lớn như trung tâm mua sắm và ký túc xá.

Tuy nhiên, ông nói, rất nhiều khách hàng không đủ khả năng tài chính, thay vào đó họ phụ thuộc vào sự cẩn trọng của các nhân viên sau khi chó đặc vụ hoàn thành rà soát một lần.

Những con rệp đáng ghét đã đem lại cho Linda Develasco, Illinois một con đường sự nghiệp hoàn toàn mới, sau khi cô mất công việc quản lý tại Verizon hai năm trước. Đã từng học qua về rệp từ chồng chưa cưới của mình – một quản lý khách sạn, cô đầu tư 9.700 USD mua chú chó săn đặc vụ Scooby.

Cô nhanh chóng hoàn vốn chỉ trong 3 tháng, với tần suất đưa Scooby đi rà soát rệp một đến ba lần/ tuần.

“Scooby thực sự đáng giá”, Develasco nói. Trước kia cô chỉ thực hiện công việc ở các hộ gia đình, nhưng từ tuần vừa rồi đã bắt đầu tại nhiều cửa hàng bách hoá, toà nhà văn phòng và rạp chiếu phim.

“Thật không thể ngờ”, cô hào hứng.

Sau nhiều năm liên tục bị từ chối do khách hàng cắt giảm chi phí giành cho phòng ngừa sâu bọ để tiết kiệm trong thời buổi kinh tế khó khăn, hiện nay, ngành kinh doanh dịch vụ xử lý và tiêu diệt côn trùng đang phất lên nhanh chóng. Theo Ron Harrison, giám đốc phụ trách kĩ thuật của Orkin – công ty xử lý côn trùng đặt trụ sở tại Atlanta, doanh thu của họ năm vừa qua đạt mức cao gấp 3 lần năm 2008.

“Tôi kí được rồi, một hợp đồng “chăm sóc” bọn rệp trị giá 60.000 USD ở một chung cư!”, Tony Esposito – người đứng đầu công ty tiêu diệt công trùng Bug Reaper, Katy, Texas – reo lên trên điện thoại khi ông trên đường tới khảo sát một địa điểm khác, nơi người ta phàn nàn là có rệp ở gần Houston.

“Tôi sẽ lái xe đến đấy và chuẩn bị nhảy múa ăn mừng!”.