Trang chủ » Kinh tế 24h » Sau bầu Đức, thêm doanh nghiệp “tố” tỉnh Lâm Đồng

Sau bầu Đức, thêm doanh nghiệp “tố” tỉnh Lâm Đồng

Tác giả:

Ông Trần Tiến Lợi – Giám đốc Công ty TNHH Thái Hòa (trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuộc, tỉnh ĐăkLăk) kể lại sự việc: sau khi khảo sát tuyến đường từ TP. Đà Lạt đi thị xã Bảo Lộc (dài 115 km), cuối năm 2006, ông quyết định đầu tư vào dự án vận tải này số tiền 23 tỷ đồng, mua 36 xe buýt vận chuyển hành khách…

Đầu tháng 1/2007, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản cho phép Công ty TNHH Thái Hòa “được tổ chức khai thác vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên tuyến đường Đà Lạt – Bảo Lộc và ngược lại”.

Tuy nhiên, gần 6 tháng sau, ông Huỳnh Đức Hòa, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký văn bản số 4436 ngày 5/7/2007, “về việc phê duyệt phương án tổ chức khai thác vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên một số tuyến nội tỉnh”.

Xe buýt “dự án” của Thái Hòa được gửi tại tỉnh Bình Phước để chờ thanh lý. Ảnh: N.G

Điều bất ngờ là tại văn bản này, ngoài Công ty Thái Hòa được khai thác tuyến đường Đà Lạt – Bảo Lộc, có thêm công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt được phép khai thác tuyến Đà Lạt – Đại Lào.

Đọc tới chữ Đại Lào ai cũng nghĩ là một địa danh ở đâu đó, nhưng thực tế Đại Lào là một phường thuộc thị xã Bảo Lộc, cùng trên quốc lộ 22. Đây là kiểu “chơi chữ”, đồng nghĩa với việc ông chủ tịch Huỳnh Đức Hòa cho phép trên cùng một tuyến đường có hai đơn vị khai thác, tranh giành khách lẫn nhau. Điều này là trái với quy định của pháp luật…” – ông Trần Tiến Lợi bức xúc nói.

Nhận thấy nguy cơ mất khách, phá sản cận kề, Công ty Thái Hòa đã gửi đơn “cầu cứu” cơ quan chức năng.

Ngày 15/6/2007, Cục đường bộ (Bộ giao thông vận tải) có công văn gửi tỉnh Lâm Đồng với nội dung: “Có thêm doanh nghiệp Phương Trang đăng ký vào cùng khai thác là trái quy định hiện hành, đồng thời gây mất ổn định tình hình hoạt động vận tải trên tuyến xe buýt này…”.

Nhận thấy sự “bất hợp lý”, chồng lấn đơn vị vận tải trên tuyến xe buýt Đà Lạt – Bảo Lộc, cũng trong ngày 15/6/2007, UBND thị xã Bảo Lộc có công văn “đề nghị UBND tỉnh chưa cấp phép khai thác tuyến Bảo Lộc- Đà Lạt và ngược lại cho doanh nghiệp khác”.

UBND tỉnh ĐăkLăk, nơi Công ty Thái Hòa đăng ký kinh doanh cũng có công văn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng bày tỏ lo ngại: “Việc khai thác trùng tuyến có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn hoạt động xe buýt và thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp. UBND tỉnh ĐăkLăk đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét vấn đề trên và quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thái Hòa hoạt động ổn định, đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh”.

Tuy nhiên, mọi kiến nghị trên đã không được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng xem xét, giải quyết. Hậu quả là dự án xe buýt Đà Lạt – Bảo Lộc của Công ty TNHH Thái Hòa hoạt động èo uột rồi phá sản. 100% xe buýt mới của doanh nghiệp này phải “trùm mền” vì càng chạy càng lỗ, cuối cùng phải mang bán tháo.