Trang chủ » Kinh tế 24h » Basel III: Ngân hàng phải tăng vốn dự trữ

Basel III: Ngân hàng phải tăng vốn dự trữ

Tác giả:

Diễn đàn VNR500 sẽ có bài phỏng vấn TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, về việc các ngân hàng Việt Nam liệu có đáp ứng được những quy định mới này của Uỷ ban Basel. Mời độc giả đón đọc.

Quy định mới, gọi là Hiệp định Basel III, buộc các ngân hàng có hoạt động quốc tế phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 7%, cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn 2% hiện hành và cao hơn cả tỷ lệ 4% mà các ngân hàng Mỹ áp dụng sau khi kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng vào năm 2009.

Các nhà quản lý tin rằng, tỷ lệ vốn dự trữ càng cao, ngân hàng càng ít bị rủi ro phá sản hay sụp đổ và cũng ít rủi ro gây rối loạn cho toàn hệ thống.

Quy định này cũng được cho là sẽ giúp hệ thống ngân hàng toàn cầu được kết nối chặt chẽ với nhau tránh tích tụ nợ và rủi ro quá mức từng làm đảo lộn thị trường tài chính Wall Street và gây chấn động nền kinh tế thế giới vừa qua, buộc các chính phủ phải dùng tiền thuế của người dân để cứu nguy các tổ chức tài chính.

Ủy ban Basel đặt tại Thụy Sĩ

Mặc dù quy định mới liên quan tới nhiều phép tính phức tạp, nhiều sản phẩm tài chính xa lạ, nhưng theo giới phân tích, nó sẽ có tác động lan tỏa tới mọi hoạt động tài chính, mọi doanh nghiệp và người tiêu dùng khắp thế giới, chi phối các hoạt động cho vay và thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, để tránh gây áp lực lên công cuộc hồi phục kinh tế đang rất chập chờn trên khắp thế giới, các nhà quản lý ngân hàng đồng ý rằng việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ được triển khai dần dần trong khoảng thời gian tám năm, chậm hơn một năm so với đề xuất của Mỹ nhưng sớm hơn một năm so với đề xuất của Đức.

Theo thỏa thuận này, một số thay đổi sẽ được áp dụng ngay từ năm 2013, nhưng một số thay đổi khác sẽ chỉ có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2019.

Từ nay đến năm 2015 chẳng hạn, các ngân hàng phải tích lũy vốn sao cho nguồn vốn dự trữ phải bằng hoặc nhiều hơn 4,5% so với tài sản, sau năm 2015 phải xây dựng quỹ dự phòng 2,5%, sao cho đạt được tỷ lệ dự trữ tối thiểu 7% vào ngày 1/1/2019.

Ngân hàng nào không xây dựng quỹ dự phòng hoặc tỷ lệ dự trữ không đạt mức tối thiểu mà Basel III quy định, cơ quan quản lý sẽ bắt buộc họ phải trích lợi nhuận để gia tăng vốn, giảm nguồn tiền dùng để chia cổ tức hay thưởng cho giới quản trị. Một số người tin rằng, quy định mới có thể buộc nhiều ngân hàng phải thu hẹp dư nợ tín dụng hoặc bán bớt tài sản để cải thiện tình trạng vốn.

Các ngân hàng châu Âu – đặc biệt là Đức, Tây Ban Nha và một vài nước khác, phải tăng huy động vốn. “Phải huy động thêm hàng trăm tỉ euro”, ông Nout Wellink, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức, thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu và lãnh đạo Ủy ban Basel, cho biết.

“Họ (các ngân hàng châu Âu) một mặt phải giữ lại lợi nhuận trong nhiều năm tới, phải giảm tiền thanh toán cổ tức cho cổ đông và tiền thưởng cho giới quản trị; mặt khác, tùy ngân hàng, nhưng họ phải tăng huy động vốn từ thị trường tài chính”, ông Wellink nói thêm.

Ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank chẳng hạn, đã ngay lập tức công bố ý định huy động 10 tỉ euro để tăng vốn và dự kiến sẽ đáp ứng quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc 7% theo Basel III ngay từ năm 2013.

Phần lớn các ngân hàng châu Á, các ngân hàng lớn của Mỹ, Canada, các nước Bắc Âu, Anh, Thụy Sỹ đều có mức dự trữ cao hơn mức tối thiểu mà Basel III quy định, cho nên trái với khối euro, khi Basel III được triển khai, họ sẽ có điều kiện tăng cổ tức cho cổ đông và cho vay mạnh tay hơn.

Các ngân hàng Nhật chẳng hạn, hiện có tỷ lệ dự trữ bình quân là 6,7%, chỉ còn kém mức quy định của Basel III 0,3 điểm phần tram. Đối với Trung Quốc, một quan chức ngân hàng cho rằng phải một thời gian nữa quy định Basel III mới được tích hợp vào luật lệ của nước này.

Không tán thành Basel III, một số nhà ngân hàng cho rằng, việc gia tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có khả năng làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng, làm tăng chi phí vay vốn của khách hàng và do đó tín dụng sẽ bị thu hẹp.

Nhưng các nhà quản lý và chuyên gia tài chính không chấp nhận luận điểm đó. Họ cho rằng, lịch sử cho thấy tỷ lệ dự trữ bắt buộc có rất ít tác động đến hoạt động cho vay hoặc lãi suất của ngân hàng. Vả lại, lợi ích của việc siết chặt quy định nhằm tránh được khủng hoảng tài chính sẽ lớn hơn nhiều so với sự sụt giảm tín dụng mà quy định mới có thể gây ra.

Thị trường đã có phản ứng tức thì với Hiệp định Basel III. Trong phiên giao dịch đầu tuần, cũng là phiên đầu tiên sau khi Basel III được công bố, giá cổ phiếu các ngân hàng Nhật và Úc đã tăng mạnh; trong đó cổ phiếu của tập đoàn tài chính Mizuho tăng 2,3%, của tập đoàn ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial tăng 2,2%, của tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial tăng 1,7%, của các ngân hàng lớn ở Úc tăng khoảng 1-1,7%.

Tại châu Âu, giá cổ phiếu ngành ngân hàng cũng tăng khoảng 1,7% trong khi đồng euro tiếp tục tăng 1,1% so với đô la Mỹ vì giới đầu tư dự báo các ngân hàng khối eurozone sẽ không đua nhau tăng vốn như dự báo trước khi hiệp định Basel III được ký kết.

Hiệp định Basel III được thống đốc các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý ngân hàng 27 nước thành viên (gồm Argentina, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Nga, Ả Rập Xê Út, Singapore, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ) ký kết hôm 12/9 tại Basel, Thụy Sỹ.

Hiệp định sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 20/11 để phê chuẩn. Sau đó, các nước tham gia Basel sẽ tự động áp dụng quy định mới cho các ngân hàng của nước mình.