Trang chủ » Kinh tế 24h » 5 phương án điều chỉnh giá điện theo thị trường

5 phương án điều chỉnh giá điện theo thị trường

Tác giả:

LTS: Bộ Công Thương vừa hoàn tất dự thảo về Quyết định của Thủ tướng qui định về giá điện theo cơ chế thị trường.

Năm 2011, cơ chế giá điện sẽ thay đổi lớn khi thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu vận hành. Trong đó, đơn vị bán buôn điện sẽ nắm quyền quyết định điều chỉnh giá điện và có trách nhiệm bình ổn giá điện.

Khi đó, cơ quan đề xuất và quyết định giá điện sẽ không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay Bộ Công Thương như hiện nay.

Bạn đọc có suy nghĩ thế nào về giá điện theo thị trường vào năm tới, xin gửi ý kiến về [email protected] hoặc bấm vào nút “Thảo luận” ở cuối bài. Xin trân trọng cảm ơn!

2 trường hợp phải giảm giá điện

Ngoài cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân cơ sở hàng năm, cơ chế giá điện mới qui định rõ các điều kiện về điều chỉnh giá điện theo quý. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện bình quân quý sẽ được quy định theo 3 kịch bản.

Ở kịch bản “ổn định”, giá điện bình quân quý không phải điều chỉnh sẽ áp dụng khi các yếu tố đầu vào biến động chỉ làm cho giá điện bình quân tính toán quý giảm hoặc tăng trong phạm vi 1% so với giá điện bình quân cơ sở quý.

Ở kịch bản phải giảm giá điện, cơ chế mới quy định 2 trường hợp giảm.

Trường hợp giảm giá thứ nhất là, khi các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý giảm trên 1-10% so với giá điện bình quân cơ sở quý, đơn vị bán buôn điện phải giảm giá điện bình quân quý tương ứng.

Trường hợp giảm giá thứ 2, là khi, các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý giảm trên 10% so với giá điện bình quân cơ sở quý, đơn vị bán buôn điện tiếp tục giảm giá điện bình quân quý, sau khi cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng cơ chế bình ổn giá tùy thuộc vào tình hình kinh tế – xã hội.

Áp dụng bình ổn khi giá điện bình quân tính toán quí tăng trên 10%

Với kịch bản phải điều chỉnh tăng giá điện,  cơ chế mới đưa ra 3 trường hợp. 

Trong đó, trường hợp tăng nhẹ nhất là, khi các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý tăng vượt 1-5% so với giá điện bình quân cơ sở quý, đơn vị bán buôn điện được phép tăng giá điện bình quân quý tương ứng.

Trường hợp thứ 2 trở đi bắt đầu có can thiệp công cụ bình ổn giá điện. Theo đó,  khi các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý tăng vượt 5 -10% so với giá điện bình quân cơ sở quý, đơn vị bán buôn điện được phép tăng giá tương ứng đến 5% cộng thêm 70% của mức giá điện bình quân quý tăng trên trong khoảng trên (5-10%).

Phần chênh lệch chi phí còn lại sẽ được điều chỉnh vào các quý kế tiếp để bình ổn giá điện.

Trường hợp thứ 3, các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân tính toán quý tăng trên 10% so với giá điện bình quân cơ sở quý hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

Chênh lệch chi phí phát điện do biến động yếu tố đầu vào trong quí IV hàng năm được tính toán để điều chỉnh vào quý I của năm kế tiếp.

Chênh lệch chi phí ở các khâu truyền tải điện, phân phối và bán lẻ điện, điều hành quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ của năm trước sẽ được xem xét để hiệu chỉnh vào giá điện trong các quý còn lại trong năm sau.

Giá điện cơ sở năm tăng trên 5% do Thủ tướng duyệt

Cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân cơ sở hàng năm tương tự như Quyết định 21/2009 của Thủ tướng qui định về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường. Trường hợp giá điện bình quân cơ sở đề xuất cho năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trong phạm vi 5% so với giá điện bình quân thực hiện của năm trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm phê duyệt giá điện bình quân cơ sở cho năm tiếp theo.

Trường hợp giá điện bình quân cơ sở đề xuất cho năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trên 5% so với giá điện bình quân thực hiện năm trước, Bộ Công Thương phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo cơ chế giá điện mới, Chính phủ vẫn áp dụng chính sách bù giá cho người nghèo, người thu nhập thấp, thực hiện cơ chế bù giá giữa các nhóm khách hàng, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Cụ thể như, Chính phủ vẫn giữ nguyên việc hỗ trợ giá cho các hộ nghèo và hộ thu nhập thấp cho 50kWh đầu tiên trong biểu giá bậc thang điện sinh hoạt.

Giá điện từ bậc thang thứ hai phải tăng dần để khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện và để bù chéo cho bậc thang đầu tiên trong biểu giá bậc thang điện sinh hoạt

Ngoài ra, Chính phủ sẽ có cơ chế hình thành quỹ hỗ trợ phát triển điện ở khu vực nông thôn, hải đảo và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo khi điều kiện cho phép.

Giá điện sinh hoạt cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia, nơi mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế sẽ do UBND tỉnh phê duyệt nhưng không được ngoài khung giá quy định trong biểu giá điện.