Trang chủ » Kinh tế 24h » Ngân hàng dè dặt tăng tín dụng

Ngân hàng dè dặt tăng tín dụng

Tác giả:

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia, cũng cho rằng,  nguồn vốn cho vay sẽ hạn chế hơn trong thời gian tới.

Sẽ đáp ứng đủ điều kiện

Các ngân hàng đang phải tăng tốc cơ cấu lại nguồn vốn, tăng cường huy động để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhỏ tại TP. HCM cho biết, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân đặt ra từ đầu năm nay là 30% so với năm trước, ngân hàng ông sẽ có thể hoàn thành kế hoạch nếu không có quy định nâng tỷ lệ an toàn vốn.

Theo vị tổng giám đốc trên, 6 tháng đầu năm 2010, ngân hàng này đã thực hiện được gần một nửa kế hoạch và kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng tốt trong 2 quý còn lại của năm. Thế nhưng, với các quy định được đưa ra tại Thông tư 13, mức tăng dư nợ tín dụng đã chững lại.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất cao đã phần nào hạn chế doanh nghiệp tìm đến ngân hàng vay vốn. Nay, phía ngân hàng lại cũng dè dặt cho vay ra để đáp ứng yêu cầu mới về hệ số CAR. Điều này sẽ ảnh hướng đến tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang từng bước tăng cường huy động vốn, đồng thời điều tiết lại tín dụng để đáp ứng yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn mới”, vị tổng giám của ngân hàng trên nói và cho rằng, khả năng sau ngày 1/10, hoạt động tín dụng của ngân hàng nhỏ khó phát triển mạnh. Bởi cạnh tranh huy động vốn từ dân cư ngày một khó khăn. Trong khi đó, ngân hàng còn phải duy trì tỷ lệ vốn cấp tín dụng không quá 80% nguồn huy động.

Một số ngân hàng quy mô lớn cho biết, hiện hệ số CAR tính theo quy định cũ của ngân hàng là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Song kể từ 1/10, hệ số CAR tính mới sẽ chỉ vừa đủ để đáp ứng quy định, tức là bằng hoặc sát trên 9%. Chẳng hạn, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, hồi đầu năm 2010, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng là 9,3%, nhưng kể từ 30/6 đến nay CAR của ACB là 9%.

Còn tại  Vietcombank, theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT, phải sau khi tăng thêm 33% vốn điều lệ, VCB mới đáp ứng tốt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định mới. Như vậy, ngay cả các ngân hàng lớn cũng phải cơ cấu lại vốn – tín dụng để có thể đáp ứng được quy định mới về hệ số CAR.

Phát biểu tại buổi hội thảo về “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng” diễn ra ngày 21/9 tại TP. HCM, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, hệ số an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng Việt Nam theo quy định mới lên 9% là cao hơn tiêu chuẩn của Basell III (quy định trong Basell III đưa ra ngày 12/9/2010 vẫn giữ hệ số CAR ở mức 8%).

Còn vốn cấp 1 yêu cầu tăng lên 6% so với mức cũ là 4% và trong 6% đó phải có 4,5% vốn từ các cổ đông thường (giống quy định về vốn điều lệ của Việt Nam). Lộ trình Basell III bắt đầu thực hiện từ 1/1/2015 đối với yêu cầu vốn cấp 1. Các quy định mới khác cũng có lộ trình thực hiện đầy đủ kể từ ngày 1/1/2019. Trong khi, trong cách tính tỷ lệ CAR của ngân hàng Việt Nam, vốn chủ sở hữu chủ yếu là vốn cấp 1. Hiện tỷ lệ CAR của các NHTM đều trên mức 8%. Vấn đề hiện nay là cần hỗ trợ để các NHTM tăng vốn cấp 2.

…nhưng hạn chế tín dụng

Các ngân hàng đều khẳng định sẽ đủ khả năng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn mới, nhưng hầu hết đều e ngại về khả năng tăng trưởng nhanh dư nợ tín dụng. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Vietcombank cũng sẽ thận trọng trong tăng trưởng dư nợ và quan tâm hơn đến chất lượng tín dụng.

Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ đặt ra cho năm nay từ 50% đến 55%, ngay trong quý I, ACB đã từng bước đẩy mạnh phát triển tín dụng. Thế nhưng, theo ông Hải, dư nợ tín dụng trong quý I không thể tăng như ý muốn, do đây là thời gian nghỉ tết Nguyên Đán. Ông Hải cho biết, sang quý II và quý III, ACB tiếp tục tăng tốc và cố gắng trong quý IV sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ đề ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng được các ngân hàng lớn quan tâm lúc này cũng như sau khi nâng tỷ lệ an toàn vốn lên 9% chính là hiệu quả sử dụng vốn. Bởi nếu vốn cho vay không hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ CAR. Mặt khác, với một số loại hình tín dụng quy định hệ số rủi ro cao hơn trước như: cho vay cầm cố chứng khoán, kinh doanh bất động sản lên đến 250% cũng khiến ngân hàng không còn hào hứng để cho vay.

Thông tư 13 không những quy định hệ số cho vay cầm cố chứng khoán và kinh doanh bất động sản cao mà còn không phân biệt cho vay đầu tư chứng khoán hoặc cho vay CTCK để làm đòn bẩy; không phân biệt bất động sản đã hình thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai; không phân biệt rủi ro theo chất lượng mã chứng khoán. Vì thế, nếu chiếu theo quy định mới, hệ số CAR mà các ngân hàng cần đáp ứng sẽ cao hơn 9%.

Trong khi đó, Basell III quy định hệ số rủi ro tối đa chỉ ở mức 150% và lưu ý có thể cao hơn đối với khoản vay có tình huống đặc biệt. Mặt khác, việc hạn chế cấp tín dụng trên tổng vốn huy động theo quy định của Thông tư 13 không quá 80 – 85%, đồng thời loại trừ tiền gửi không kỳ hạn của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, kho bạc… sẽ làm tăng trưởng dư nợ tín dụng chậm lại ở tương lai, nếu NHNN không có điều chỉnh.

TS Nghĩa cho rằng, các yếu tố trên sẽ cản trở việc chủ động của NHTM, vì tỷ lệ vốn cho vay trên tổng huy động thực tế chỉ còn khoảng 60%, không hẳn là 80%. Dẫn đến, các ngân hàng mất động lực huy động và sử dụng vốn. Đồng thời, lãi suất không những giảm, ngược lại khả năng sẽ tăng lên hoặc dừng ở mức cao, do ngân hàng phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong việc huy động vốn từ dân cư. Triển vọng giảm lãi suất được các chuyên gia kinh tế cho biết, còn rất xa vời và khó có thể thực hiện được chủ trương Chính phủ đưa ra, nhất là sau khi Thông tư 13 đi vào thực tế cuộc sống.

Hiệu quả hoạt động của ngân hàng có thể giảm mạnh vì chi phí vốn cấp 1 tăng. Từ đó, rủi ro cho cả ngân hàng cũng như các doanh nghiệp. Còn thị trường tín dụng sẽ “méo mó” nghiêm trọng. Thực tế, với quy định không được sử dụng quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn hiện hành của NHNN, để tuân thủ được, các nhà băng đều có “thuật” riêng trong huy động và cho vay. Chẳng hạn như việc huy động vốn, hiện khách hàng có thể gửi dài ngày, nhưng được rút vốn linh hoạt và hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi. Tiền gửi không kỳ hạn được biến thành tiền gửi có kỳ hạn ngắn…