Trang chủ » Kinh tế 24h » Tỷ giá VND/USD: Rối vẫn rối

Tỷ giá VND/USD: Rối vẫn rối

Tác giả:

Nhiều người cho rằng, đây là dấu hiệu tốt, nhưng trên thực tế, đây lại là điều trái với quy luật tự nhiên. Nói trái với quy luật vì nó phản ánh thực tế là lãi suất cho vay USD đang chênh lệch quá thấp giữa lãi suất cho vay USD và VND, đồng thời tạo nên một lượng cung ảo ngoại tệ ra thị trường. Điều này không chỉ gây méo mó cung cầu ngoại tệ, mà còn tạo ra những hệ lụy phức tạp cần phải giải quyết trong việc điều hành tỷ giá trong giai đoạn sau.

Thực vậy, những nhận định trên không còn là dự báo, mà đang được thực tế chứng minh một cách rõ nét. Bằng chứng là mới đây, các NH liên tục tăng lãi suất (lãi suất huy động USD hiện dao động quanh ngưỡng 4,5 – 4,6%/năm). Dấu hiệu này phần nào lý giải được căng thẳng về tỷ giá trong việc đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nếu như trước đây chỉ có một vài NH lớn lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động USD, thì tính đến tuần qua có đến 37 NH đang có dấu hiệu tăng nhẹ, dao động từ 3,5 – 5%/năm lĩnh lãi cuối kỳ áp dụng đối với cá nhân, mức chênh lệch giữa các kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn trung bình là 1,5%, mức huy động cao nhất đang thuộc về các NH SCB, SeABank, HDBank, PGBank, ABBank…

Thực ra, khi lãi suất đầu vào bằng USD lên mức 5%/năm thì tương ứng lãi suất đầu ra khoảng 6 – 7%/năm là mức doanh nghiệp có thể chịu đựng được, nhưng nỗi lo về biến động tỷ giá vẫn luôn hiện hữu. Sự biến động của USD cuối năm 2008 khi giá USD có lúc đạt mức 20.000 đồng/USD đã trở thành “bài học đắt giá” không chỉ với doanh nghiệp, mà còn với cả nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường ngoại tệ.

Và gần đây nhất, việc NH Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân lên thêm gần 2,1%, từ mức 18.544 đồng lên mức 18.932 đồng/USD, cũng đã gây không ít bất ngờ cho doanh nghiệp. Điều đó cũng dễ hiểu khi Việt Nam trở thành nước có mức lãi suất huy động USD cao gấp 10 lần những nước phát triển.

Nói như TS. Lê Xuân Nghĩa, trong thời gian tới, đặc biệt là quý IV/2010, diễn biến tỷ giá USD sẽ khá phức tạp, bởi cung cầu ngoại tệ có một số thay đổi nhất định do: nhập siêu đã cao hơn gấp đôi cùng kỳ và còn tiếp tục tăng; nhu cầu vay ngoại tệ đang có xu hướng giảm do lãi suất VND giảm nhẹ, trong khi lãi suất ngoại tệ tăng lên; các hợp đồng vay đáo hạn khiến doanh nghiệp phải gom USD trả nợ…

Ông Nghĩa cũng lập luận rằng, với mức lạm phát cao, VND đang trong xu hướng mất giá so với USD, thậm chí VND đang được định giá cao hơn so với giá trị thực.

“Tóm lại, rủi ro tài chính vĩ mô đáng kể nhất mà Việt Nam có thể gặp phải trong trung hạn là vấn đề tiền tệ, cụ thể là tỷ giá hối đoái, khi mà sức ép tỷ giá đang gia tăng từ nhiều phía, như: thâm hụt vãng lai lớn; tỷ lệ vốn từ bên ngoài so với dự trữ ngoại tệ đã tăng từ 37% năm 2009 lên 80%, trong khi tỷ giá hối đoái kém linh hoạt và bị định giá quá cao so với tỷ giá thực…”, ông Nghĩa lưu ý.