Trang chủ » Kinh tế 24h » Phập phồng… giá thép

Phập phồng… giá thép

Tác giả:

Thời điểm tháng 8, khi giá thép đượcVSA dự báo sẽ chững lại do mưa bão thì giá thép lại leo thang vùn vụt. Sau bốn lần giảm giá liên tiếp trong hai tháng, giá thép trở lại tăng khoảng 100.000 – 500.000 đồng một tấn, đạt mức 1,3 triệu đồng trong tháng 7.

Mức giá này không những không giảm như dự báo mà còn tăng mạnh cả về giá lẫn lượng tiêu thụ trong suốt tháng 8. Chỉ trong một tháng, các công ty thép đã tăng giá bán thêm từ 700.000 đến một triệu đồng một tấn. Lượng tiêu thụ cũng lên đến 460.000 tấn, cao hơn nhiều so với dự báo ở mức 350 – 400 tấn của VSA.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, VSA lại dự đoán, giá thép sẽ còn “làm mưa làm gió” trong tháng 9. Cơ sở của dự đoán này là do Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án xây dựng, trong nỗ lực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2010 ở mức 6,5%.


Thế nhưng, một lần nữa, Hiệp hội thép lại đón hụt đường đi của trái bóng giá thép. Từ đầu tháng 9 trở lại đây, giá thép liên tục giảm, nhu cầu tiêu thụ cũng chững lại. Trên thực tế, giá thép trong nước không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế trong nước, mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá thép thế giới.

Với tỷ lệ 45 – 47% phôi thép và 70 – 80% thép phế phải nhập khẩu. Và hiện nay, giá thép trong nước không thể chệch khỏi đường ray của biến động thị trường thép thế giới. Cụ thể, từ mức 600 USD một tấn, giá phôi thép thế giới trong tháng 9 đột ngột giảm khoảng 30 – 50 USD so với tháng 8. Thép phế cũng chỉ còn khoảng 400 USD. Sự kiện này đã kéo giá thép trong nước giảm 200.000 – 400.000 đồng một tấn.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc một Công ty CP thép tại Bắc Ninh cho biết, giá thép hạ, doanh nghiệp thép trong nước vẫn không lỗ. Bởi lẽ, hầu hết công ty thép chủ yếu nhập khẩu phôi thép. Do vậy, ở thời điểm giá thép thế giới hạ, doanh nghiệp đã tranh thủ nhập khẩu và “ôm” hàng.

Nhiều nhà máy thép đã bội thu vào tháng 7, 8. Do vậy, giá thép hạ lần này ảnh hướng không nhiều đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước vũ điệu bất ngờ của giá thép, doanh nghiệp trong ngành cần những dự báo chính xác về diễn biến thị trường, dựa trên các phân tích khoa học và yếu tốt khách quan chứ không phải kiểu dự báo “chạy theo” thị trường như hiện nay.