Trang chủ » Kinh tế 24h » ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Tác giả:

Tại cuộc họp báo công bố “Báo cáo cập nhật phát triển châu Á năm 2010” sáng 28/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh các dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010-2011 lạc quan hơn nhiều so với báo cáo hồi tháng 4 vừa qua.

Cùng với việc nâng dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP, ADB cũng đồng thời hạ mức dự báo đối với lạm phát của Việt Nam năm 2010 xuống 8,5% và năm 2011, hạ xuống mức 7,5% so với dự báo đầu năm.

Mức điều chỉnh dự báo này đã được đưa ra ngay sau khi Tổng cục Thống kê, Bộ KH – ĐT của Việt Nam công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô trong 9 tháng năm 2010. Cụ thể, GDP Việt Nam đến nay đã tăng 6,52%, vượt mục tiêu đề ra cả năm là 6,5% và chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 8 là 1,31%.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2009, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế châu Á.

Lý giải về việc điều chỉnh dự báo trên, ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia của ADB nói: “Quý I, gói kích cầu của Việt Nam đã dỡ bỏ, tăng trưởng GDP có giảm xuống nhưng quí II, đã có tín hiệu rõ ràng cho sự phục hồi kinh tế mạnh hơn, lạm phát đã được kiểm soát hiệu quả. Chúng tôi cảm thấy lạc quan.”

“Khi không còn gói kích cầu, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Đó là lý do chúng tôi phải điều chỉnh dự báo”, ông Konishi nhấn mạnh.

Việt Nam cũng chính là nước đầu tiên ở châu Á rút lại các chính sách kích thích kinh tế của mình. Đó là việc tăng lãi suất cơ bản, dỡ bỏ quy định trần lãi suất, dẫn tới tăng trưởng tín dụng chậm lại, góp phần cải thiện các điều kiện kinh tế vĩ mô trong năm nay.

Mô tả ảnh.
Rủi ro tăng lạm phát ở Việt Nam vẫn có thể xảy ra (ảnh: P.H)

Nhìn nhận quá trình này, ông Lei Lei Song, kinh tế trưởng của ADB, chia sẻ: “Đó là sự thành công của Việt Nam nhờ vào các biện pháp cân đối kinh tế vĩ mô của Chính phủ”.

Ông Lei Lei Song cho biết, dự báo trên được đưa ra dựa trên giả định rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô, môi trường kinh tế thế giới diễn biến tốt hơn, thương mại thế giới hồi phục, khu vực tư nhân của Việt Nam tăng trưởng, nguồn kiều hối tăng trở lại, lạm phát giảm…

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm sau. Là nước láng giềng sát vách, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này, cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, kỳ vọng về lạm phát năm nay không được ADB khẳng định hoàn toàn chắc chắn.

Lý do là bởi, từ mức CPI là 28% tính theo năm vào tháng 8/2008, sau đó, giảm xuống 2% vào tháng 8/2009 và lại tăng lên trên 8% vào năm nay, cho thấy tình hình lạm phát biến động mạnh. Diễn biến này lại đặt trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá tiền Đồng 3 lần.

Ông Lei Lei Song lưu ý: “Nếu Chính phủ Việt Nam sớm nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tiền tệ, tài khóa một cách vội vàng, thì đó là một rủi ro lớn cho triển vọng lạc quan trên.”

“Nguy hiểm nhất là sự nhận thức sai lệch của thị trường về các biện pháp của Chính phủ. Nó có thể làm chệch hướng bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ, làm tăng áp lực thâm hụt cán cân vãng lai, lạm phát và tỷ giá tăng lên”, ông Lei nói.

Ông cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tới và chiến lược phát triển 10 năm tới, chính là cơ hội cho Việt Nam thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để giảm các hạn chế đi. 

Bốn lĩnh vực quan trọng nhất trong việc cải cách cơ cấu nền kinh tế là thương mại, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và phát triển ngành tài chính.

Một điều quan trọng khác, Giám đốc quốc gia của ADB, ông Konishi, nhấn mạnh: “Việt Nam giờ đã là một nước thu nhập trung bình nên thách thức của Việt Nam trong thời gian tới sẽ khác với khi Việt Nam còn là nước có thu nhập thấp. Trong đó, thách thức lớn nhất là tăng cường hiệu quả của nền kinh tế”.

Sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu. Việt Nam sẽ phải làm thế nào để kiểm soát mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc và với các khu vực khác của ASEAN.

Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập vào năm 2015, vai trò của Việt Nam là gì, Việt Nam sẽ mua gì và bán gì sang các nước khác? Và tới năm 2020-2030, Việt Nam sẽ có sản phẩm gì làm trọng tâm, chủ đạo?

Muốn duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam sẽ phải có được một cơ sở bền vững cho sự phát triển quốc gia. Điều ấy đòi hỏi một chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5-10 năm tới và một chiến lược dài hơi hơn nữa.