Trang chủ » Kinh doanh » Cơ hội đầu tư nhà đất phía Tây: động thái trái chiều

Cơ hội đầu tư nhà đất phía Tây: động thái trái chiều

Tác giả:

Khó dự đoán vì quy hoạch chưa rõ ràng

Trong cùng một thời điểm, khi Hà Nội đột ngột thay đổi quan điểm đồng ý xây trục Hồ Tây – Ba Vì thì nhiều tuyến đường khu vực phía Tây của Thủ đô đồng thời được khánh thành, thông xe.

Điển hình là Đại lộ Thăng Long, Đường trục phát triển phía Bắc quận Hà Đông và sắp tới là đường Lê Văn Lương kéo dài dự kiến cũng sẽ thông xe trong tháng 10 này.

Sự kiện này ngay lập tức gây được sự chú ý của giới đầu tư BĐS. Nhiều người đã quyết định gom đất tại những khu vực gần các trục đường nói trên như: khu Bắc An Khánh, Kim Chung – Di Trạch, Tân Tây Đô, dọc trục Láng – Hòa Lạc cũ (giờ là Đại lộ Thăng Long)…

Theo khảo sát, giá đất chia lô hay đất thổ cư tại những khu vực này hiện đắt hơn so với đầu năm từ 3-5 triệu đồng/m2. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn lạc quan tin rằng, chỉ đợi sau khi đồ án quy hoạch Thủ đô được thông qua trong một vài tháng tới thì giá đất tại đây sẽ tăng chóng mặt.


Nhiều dự án đang gấp rút hoàn thành khi Đại lộ Thăng Long thông xe

Với dự án khu đô thị Dương Nội, nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài, đại diện chủ đầu tư cho biết, trong 10 ngày qua, tỷ lệ khách đến tập đoàn Nam Cường để hỏi về dự án này tăng khoảng 40% so với cách đây vài tháng.

Tại khu vực Nhổn (Từ Liêm) – nơi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội vừa được khởi công xây dựng, đất thổ cư có sổ đỏ hiện được bán ở mức 40-50 triệu/m2, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Thậm chí, nhiều người dân ở vẫn chưa mặn mà bởi họ còn kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đối với ý kiến đồng thuận của Hà Nội về việc hình thành trục Hồ Tây – Ba Vì, hiện đang có những nhìn nhận và động thái trái chiều của giới đầu tư. Một số thì cho rằng đây là cơ hội đầu tư tốt để có thể sinh lời lớn trong khi số khác lại lo ngại do quy hoạch thủ đô chưa được phê duyệt nên mọi điều đều có thể xảy ra!

Thận trọng khi đầu tư

Một chuyển biến khác đối với thị trường là, trước sức ép của Nghị định 71 nhằm hạn chế đầu cơ “lướt sóng”, nhiều nhà đầu tư buộc phải từ bỏ cơ hội đầu tư thông qua hình thức góp vốn. Chính điều này cũng khiến cho thị trường BĐS thời gian qua trầm lắng hơn.

Thậm chí, ngay cả khi các trục đường lớn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng thì việc đầu tư cũng được cân nhắc, thận trọng. Hai loại sản phẩm được chú ý nhiều nhất có lẽ là những căn hộ, biệt thự trong dự án đã đủ điều kiện mua bán và đất thổ cư có sổ đỏ.

Đối với cơ hội đầu tư phía Tây, nhiều chuyên gia cho rằng, việc quá kỳ vọng vào khu vực này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi Quy hoạch thủ đô chưa được phê duyệt.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đến thời điểm này, quy hoạch của 5 đô thị phía Tây Hà Nội mới chỉ là định vị và phác thảo, chưa phải là quy hoạch thực sự có tính khả thi.

Quy hoạch này còn phải bổ sung, phải có từng quy hoạch cụ thể thì mới có tính khả thi. Trong khi đó, với nhiều nhà đầu tư, họ mới quan tâm đến tổng thể của Hà Nội chứ không phải từng cái cụ thể trong đó.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội còn cho rằng quy hoạch Thủ đô sắp tới có được Thủ tướng phê duyệt thì đó cũng mới chỉ là quy hoạch chung.

Trong khi đó, để đầu tư bất động sản hiệu quả, nhà đầu tư phải nắm chắc được khu vực mình đang bỏ vốn vào là khu vực nào, nó thuộc dự án cụ thể nào và có nằm trong vùng quy hoạch hay không.

“Thông thường một dự án lớn cũng chỉ từ vài ba chục ha đến vài trăm ha, trong khi khu vực phía Tây hiện nay rộng hàng chục nghìn ha nên khó có thể biết được đâu là khu vực sinh lời nhất”, ông Cường nói.