Trang chủ » Tranh luận » Thất thoát tài sản Nhà nước: Vinashin là điển hình

Thất thoát tài sản Nhà nước: Vinashin là điển hình

Tác giả:

Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2010 của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 30/9 đã nêu cả ưu và khuyết trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước.

Trong đó, có nêu ví dụ về câu chuyện Vinashin như là một điển hình về thất thoát tài sản của Nhà nước. Diễn đàn VNR đăng lại bài viết này, mời bạn đọc cùng tranh luận bằng cách Bấm vào đây hoặc nhấn vào phần Thảo luận cuối bài.

Hầu hết các doanh nghiệp đã tiết kiệm

Theo Chính phủ, trong năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đã đẩy mạnh các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Kết quả tiết kiệm chi phí kinh doanh và vốn đầu tư theo số liệu báo cáo năm 2010 của 11 tập đoàn, tổng công ty là 2.349.236 triệu đồng.

Dẫn đầu là Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam với 640.915 triệu đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 629 tỷ đồng, ít nhất là Tổng công ty Lương thực miền bắc cũng tiết kiệm được 10,7 tỷ đồng.

Song, vẫn còn một số doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính không lành mạnh. Các cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế bộc lộ nhiều bất cập.

“Việc thực hiện chức năng quản lý và giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp có nơi, có lúc bị buông lỏng, vi phạm nghiêm trọng các quy định Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản Nhà nước… điển hình là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam”, Chính phủ nhìn nhận.

Tuy nhiên, báo cáo đã không nêu bất kỳ một con số cụ thể nào để chứng minh cho nhận định nói trên.

Cũng dẫn Vinashin để minh chứng cho nhận xét một số tổng công ty tập đoàn kinh tế Nhà nước kinh doanh thua lỗ, thất thoát lớn, tình hình tài chính không lành mạnh tại báo cáo thẩm tra, song Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đã không đưa ra con số nào chứng minh cho sự “thất thoát lớn” đó.

Mà, chỉ có con số 157 đơn vị thành viên năm 2008 đã tăng lên hơn 200 vào năm 2010 được dẫn để nói về phân cấp đầu tư thiếu sự chuẩn bị, triển khai các dự án ồ ạt khi chưa có quy hoạch, chưa có chính sách, bộ máy chưa đủ năng lực, có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quản lý của tập đoàn này.

“Vẫn còn nhiều lãng phí”

Tại báo cáo của Chính phủ có nhiều con số khá ấn tượng về tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước. Với 117 tỷ đồng, Bộ Tài chính vượt xa nhiều bộ, ngành khác. Còn tại địa phương, Đà Nẵng chiếm ngôi đầu với hơn 60 tỷ đồng…

Mặc dù vậy, dưới góc nhìn của cơ quan thẩm tra thì “vẫn còn nhiều lãng phí”. Khá nhiều bộ, ngành địa phương phân bổ và giao dự toán vượt định mức, chi tiêu vượt dự toán, sử dụng sai nguồn kinh phí, vượt tiêu chuẩn, chế độ quy định.

Cụ thể, 9 tháng qua, hệ thống kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán trên 160 tỷ đồng chưa đủ điều kiện chi. Ngành tài chính đã xử lý vi phạm tài chính trên 1.626 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm 4.796 tỷ đồng, 21.746 ha đất các loại…

Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định, tình trạng sử dụng số vượt thu, nguồn dự phòng, chi tạm ứng, cho vay sai chế độ, chi vượt dự toán, vượt chế độ định mức, nhất là số chi chuyển nguồn ngân sách lớn, tiếp tục diễn ra trong nhiều năm vẫn chậm được khắc phục, là “sự lãng phí lớn với ngân sách Nhà nước”.

Cũng “vẫn còn lớn”, theo cơ quan thẩm tra, là tình trạng lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Nhiều công trình, dự án chủ trương đầu tư không đúng, thời gian thực hiện kéo dài. Năm 2009 đã chuyển sang 2010 là 5.021 dự án chậm tiến độ, cơ quan thẩm tra dẫn chứng.

Cũng với rất nhiều con số cụ thể, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã chỉ ra sự lãng phí trong quản lý tài sản công và khoáng sản, tài nguyên, đất đai và rừng. Trong đó, chỉ riêng tỉnh Hậu Giang đã cho thuê đất không đúng quy định 600,83 ha; bị lấn chiếm 200,2 ha; để hoang hóa 109,97 ha, cho mượn 158,9 ha.