Trang chủ » Kinh tế 24h » Thị trường gas “loạn” giá

Thị trường gas “loạn” giá

Tác giả:

Ngày 5-10, tại TPHCM, mỗi cửa hàng kinh doanh gas đưa ra một giá bán khác nhau. Cửa hàng này bán cao hơn cửa hàng khác 10.000 đồng/bình 12 kg, thậm chí có nhiều thương hiệu gas chênh lệch nhau vài chục ngàn đồng/bình 12 kg.

Nhà phân phối đẩy giá lên?

Trước đây, do cạnh tranh nên phần lớn các đại lý bán lẻ thường có giá bán thấp hơn 5.000-10.000 đồng/bình 12 kg so với giá công bố của các hãng gas. Thời gian gần đây, giá bán lẻ lại bằng giá do hãng gas công bố hoặc rẻ hơn 1.000 đồng- 2.000 đồng/kg.

Đầu tháng 10 -2010 các công ty kinh doanh gas tăng thêm 14.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ không quá 272.000 đồng/bình 12 kg. Nhiều cửa hàng đẩy giá lên cao hơn: Saigon Petro lên 277.000 đồng/bình, Petronas lên 285.000 đồng/bình, Petrolimex 280.000 đồng/bình…

Theo giới kinh doanh gas, một số nhãn hiệu gas có giá cao là do đại lý bán lẻ không phải là đầu mối của nhà phân phối. Khi đại lý lấy nhãn hiệu khác thì bị nhà phân phối đẩy giá lên. Thông thường đại lý chỉ bán đúng giá khi khách hàng mua nhãn hiệu gas của nhà phân phối mà đại lý có quan hệ thân thiết. Còn khách mua nhãn hiệu khác phải trả giá cao hơn.

Ông Trần Văn Hiệp, chủ một cửa hàng ở quận 2, cho biết giá gas cao hay thấp đều do nhà phân phối quyết định. Bởi các đại lý đăng ký cùng một nhà phân phối song lại được giao hàng với các mức giá khác nhau, chênh lệch từ 4.000 đồng- 7.000 đồng/bình nên những đại lý lấy giá cao sẽ phải nâng giá lên tương ứng.

Các đại lý gas còn cho biết giá gas của hãng Shell thường chỉ cao hơn các hãng khác vài ba ngàn đồng/bình 12 kg, nhưng gần đây lại cao hơn 40.000 đồng/bình 12 kg.

Xem thường pháp luật

Các công ty đầu mối kinh doanh gas cho biết khi đại lý có biểu hiện bán giá cao hơn giá công ty công bố thì công ty chỉ nhắc nhở, cảnh cáo. Vì nếu cắt hợp đồng cung cấp thì những đại lý này sẽ lấy hàng nơi khác, dẫn đến mất khách hàng.

Thông thường đầu mối cung cấp gas cho các tổng đại lý theo kiểu mua đứt bán đoạn. Sau đó, tổng đại lý ấn định giá bán cho các đại lý nhưng không nhất quán, dẫn đến tình trạng giá bán ở các đại lý chênh lệch nhau. Việc quản lý giá gas gần như bó tay.

Nghị định 107/2009/NĐ-CP về quản lý kinh doanh gas quy định: Các đại lý gas chỉ được làm đại lý cho 3 thương nhân kinh doanh gas đầu mối (tức 3 nhãn hiệu gas). Đơn vị kinh doanh gas phải bán đúng giá niêm yết do nhà phân phối công bố. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều đại lý kinh doanh cả chục nhãn hiệu gas chưa niêm yết giá nghiêm chỉnh.

Ông Lê Phúc Đại, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt, cho rằng nhiều quy định của nghị định còn bất cập như đại lý được phép kinh doanh 3 nhãn hiệu hay 9 thương hiệu vẫn chưa được hiểu rõ ràng. Các tổng đại lý gas phải có kho chứa nhưng tại TPHCM chưa có tổng đại lý nào xin được giấy phép kinh doanh theo quy định mới.

Gas lậu hoành hành

Chi cục QLTT TPHCM cho biết: Thời gian gần đây, chi cục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh gas trái phép. Chẳng hạn xe tải 54Y-0417 vận chuyển 110 bình gas (12 kg/bình) không có hóa đơn chứng từ, sử dụng màng co giả nhãn hiệu của 14 hãng gas khác như Elf gas, VT, Shell, Petrolimex… Trên Quốc lộ 1A thuộc quận Thủ Đức, chi cục cũng đã bắt giữ 2 xe tải 54X-5020 và xe tải 54Y-2833, vận chuyển 187 bình gas (loại 12-13 kg/bình) không có chứng từ. Trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh cơ quan chức năng phát hiện xe tải 54L-6361 vận chuyển 43 bình gas của nhiều nhãn hiệu đều không có chứng từ.

Giá giao đến đại lý lên đến 280.000 đồng- 285.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ được đẩy lên 310.000 đồng/bình 12 kg (nhãn hiệu được gia công tại một số cơ sở kinh doanh gas trong nước), riêng nhãn hiệu Elf gas hiện có giá 310.000 đồng – 315.000 đồng/bình 12,5 kg.