Trang chủ » Doanh nhân » Nước Mỹ đối mặt khủng hoảng sáng tạo

Nước Mỹ đối mặt khủng hoảng sáng tạo

Tác giả:

Nói đến “cuộc khủng hoảng sáng tạo” mà nước Mỹ đang vấp phải, điều trước nhất cần phải hiểu rõ là, trong thực tế – không có khái niệm nào như vậy. Ý niệm cho rằng tính sáng tạo trong kinh doanh của người Mỹ đang gây nhiều rủi ro cho hoạt động thương mại, hay đang dần bị đào thải quả là một cách nghĩ khôi hài. Và những lập luận cho rằng khả năng phấn đấu tự lực được truyền lại từ tổ tiên người Yankee xa xôi đang dần bị mai một cũng thực sự nực cười.

Đúng, thời gian gần đây nền kinh tế nước Mỹ sa sút tồi tệ. Nhưng như vậy thì sao? Quãng thời gian khủng hoảng chưa từng làm sứt mẻ tiềm lực sáng tạo vô biên của đất nước này. Không những thế, ngược lại, nó chỉ tăng thêm nhiệt huyết mở rộng và đào sâu nguồn nội lực ấy. Hãy thử dồn thời gian và công sức nghiên cứu trong phòng thí nghiệm; hoặc ngồi lựa lọc, chọn lấy 1 trong 10.000 kế hoạch kinh doanh; lang thang học hỏi khắp thung lũng Silicon và khu trưng bày công nghiệp Texas; hoặc đi nghe thuyết giảng từ những nhà đầu tư mạo hiểm mẫn tiệp, bạn sẽ bị ấn tượng mạnh. Tính tháo vát nhanh nhạy và tinh thần sáng tạo không bao giờ vắng mặt ở đây.

Những dẫn chứng trên hùng hồn nói lên rằng, “cuộc khủng hoảng sáng tạo” duy nhất mà người Mỹ đang phải đối mặt chính là có quá nhiều sáng kiến được đưa ra. Chúng ta bị tung hoả mù, và bối rối không biết lựa chọn từ đâu.

Nước Mỹ đã quá thừa thãi sự sáng tạo. Hơn hai thập kỷ qua, tôi chưa từng thấy một nhà đầu tư mạo hiểm nào đề xuất phủ nhận giá trị của sáng tạo và những tiềm năng kinh doanh chứa đựng trong nó. Hơn hết, bữa đại tiệc của các cách tân đột phá đang ngày càng mở rộng quy mô. Tôi cho rằng, những học giả tham vọng không nên nhầm lẫn tình trạng kinh tế vĩ mô bất ổn với sự gò bó sáng tạo.

Ở hầu tất cả các lĩnh vực, từ phần mềm, truyền thông điện tử, tin sinh học đến công nghệ môi trường và chăm sóc sức khoẻ, khi muốn biến ý tưởng trên giấy thành hiện thực, việc thiết lập các phiên bản mẫu hoặc thí điểm chưa bao giờ nhanh chóng và ít tốn kém như hiện nay. Khả năng tương tác đa chiều đã đạt tới trình độ phát triển đều khắp, tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo mặc sức bay bổng. Việc liên kết những lĩnh vực khoa học, công nghệ tưởng chừng không có liên quan gì tới nhau – như vi sinh vật học và khoa học vật liệu, tài chính và động lực học, kỹ thuật sinh y học và phép phân tích lưu thông – để giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trong đời sống cũng trở nên thật dễ dàng với mức chi phí và độ phức tạp đang được giảm thiểu. Một nền kinh tế mới với những thuật ngữ của sáng tạo đã phá bỏ những rào cản vốn hiện hữu, để bước vào kỷ nguyên mới của những cách tân đột phá.

Quá trình cách tân nhằm hướng tới thiết lập ngày càng nhiều mối tương tác phá cách đang được củng cố vững chắc. Điều này tạo cơ sở cho các nhà cải cách nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Các cá nhân cũng như các viện nghiên cứu nhận ra rằng, chính sự trao đổi, liên kết cơ sở lý thuyết và công nghệ, chứ không phải công việc của một thiên tài mà làm việc đơn độc, là yếu tốt tối quan trọng quyết định thành công. Hiện nay, kết nối số mở ra cơ hội cho sự cộng tác tích cực, dễ dàng và thường xuyên giữa mọi người – điều mà trước kia những cộng sự chỉ sử dụng phương tiện liên lạc đơn giản –  Watson & Crick, anh em nhà Wright, Braque & Picasso, gia đình nhà Curie… – phải ngưỡng mộ.

Sáng tạo đích thực không chỉ nằm ở ý tưởng

Đó là cả quá trình hiện thực hoá những ý tưởng ấy thành sản phẩm, dịch vụ hay phương pháp có giá trị thực tế. Ý tưởng chỉ là hạt giống, chứ không phải là bản chất vật chất của sáng tạo. Và với cơ sở hiện có, nuôi dưỡng cho hạt giống sáng tạo nảy mầm đang trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Đó là lý do tại sao những câu chuyện kể rằng nước Mỹ đang “khát” sáng tạo và đổi mới đều gây cảm giác không thật. Đương nhiên, đó là lời khiêu khích, nhưng cơ sở đằng sau nó chỉ là giả tạo, những luận cứ sử dụng đều ngớ ngẩn và sai lầm.

Sáng tạo đích thực không chỉ nằm ở ý tưởng (Ảnh: Web2Goal)

Nhiều nghiên cứu đã nỗ lực tìm ra bản chất đúng đắn bên trong. Ngay cả khi người ta tin rằng, ví dụ, một bài kiểm tra khảo sát mức độ sáng tạo theo chuẩn cho kết quả rằng sinh viên Mỹ đang trở nên kém sáng tạo hơn, không thể không đặt câu hỏi rằng bài kiểm tra đó có bao quát được hết các hình thức sáng tạo hữu ích trên thị trường hay không. Xét cho cùng, dạng khảo sát này được thiết kế để xác định kỹ năng của từng cá nhân riêng lẻ, mục đánh giá mức độ sáng tạo khi cộng tác nhóm hầu như không có. Nói một cách khác, bài kiểm tra như vậy đã hoàn toàn bỏ qua yếu tố lớn nhất đang định hình sự đổi mới, cách tân – đó là liên kết, tập hợp các cá nhân lại với nhau.

Tuy nhiên, vấn đề chính khiến người ta mất dần lòng tin là các biện pháp được nước Mỹ sử dụng để cứu vãn “tình trạng thiếu hụt sức sáng tạo”. Tại sao trong nhiều cách, lại chọn cách đưa môn học cách sáng tạo vào trong nhà trường?

Sáng Tạo: không thể phát triển như một kỹ năng

Những trường học không thể dạy đọc, viết, số học một cách thật sự hiệu quả, giờ còn phải xoay sở để chuyên sâu môn phương pháp luận tìm kiếm giải pháp kỹ thuật mới, cách suy nghĩ hiệu quả, cách hành xử sáng tạo hay sao? Xin đừng. Nước Mỹ sẽ thực sự bước vào cuộc “khủng hoảng sáng tạo”, khi “sáng tạo” trở thành một tiêu chí với yêu cầu khắt khe trong trường học.

Tôi cược rằng, ngày nay, đại đa số trẻ em và thiếu niên có thể nuôi dưỡng, thúc đẩy và thử thách tầm sáng tạo của mình khi chơi video game và sử dụng các mạng xã hội. Không nghi ngờ gì, những bài kiểm tra truyền thống chắc chắn không phù hợp để bao quát hết những loại hình và phương thức phát triển sáng tạo như vậy. Và một điều nữa, khi cân nhắc nghiêm túc bất kỳ nghiên cứu nào, đều có thể nhận thấy định nghĩa của “sự sáng tạo” đã thay đổi một cách linh hoạt phóng khoáng qua từng thời kỳ. Xét riêng lĩnh vực đổi mới trong kinh doanh, óc sáng tạo, cũng như cái đẹp, được quyết định giá trị bởi người chiêm ngưỡng. Phương pháo mà bạn cho là thông minh và phá cách, đối với tôi lại có thể chỉ là sáo rỗng, rập khuôn. Đừng quên, “sáng tạo” không phải là danh xưng chỉ để khen ngợi và ca tụng.

Điều này giải thích phần nào những sự hiểu lầm xung quanh khái niệm “khủng hoảng sáng tạo”. Nếu bạn tin theo các quy luật thị trường (giống như tôi), thì sẽ nhận thấy rằng, “nguồn cung” sáng tạo phụ thuộc rất nhiều vào “sức cầu”. Chỉ các chuyên gia và lý thuyết gia tin rằng tính sáng tạo được quyết định bởi người tạo ra chúng. Trên thương trường, óc sáng tạo – và giá trị đích thực của nó – được quyết định bởi người tiêu dùng. Những ngành đòi hỏi sức sáng tạo cao nhất như thời trang, âm nhạc, video game, phần mềm vi tính, phim truyện có xu hướng thu hút những khán giả và khách hàng nghĩ rằng, các sản phẩm của họ có tính sáng tạo. Cách khách hàng đón nhận sáng tạo – dù được định nghĩa theo cách nào đi chăng nữa – cũng ảnh hưởng tối quan trọng tới việc tạo ra sáng tạo.

Rất nhiều người cho rằng những sáng kiến xuất sắc của Damien Hirst đáng bỏ ra hàng trăm nghìn USD. Tôi thì nghĩ rằng, họ đã sai lầm nghiêm trọng, thậm chí ngớ ngẩn. Tuy nhiên, thương hiệu Hirst, không khác Picasso hay Pixar, cũng là bảo chứng cho sự sáng tạo. Hãy nhìn vào cách anh ta chỉ dùng formandehit mà tạo ra được hộp sọ bằng kim cương, và tự rút ra kết luận cho mình. Và hãy hỏi mình rằng, thành công của Hirst cho thấy điều gì về sức sáng tạo?

Tôi không nhằm mục đích mỉa mai thành công của Hirst, mà chỉ dùng nó để gợi ra một cách tiếp cận mới tới vấn đề khủng hoảng sáng tạo mà chúng ta đang nói tới. Ai là người định nghĩa khái niệm sáng tạo trong kinh doanh và công nghiệp? Các viện hàn lâm? Bộ phận phụ trách bán hàng? Giám đốc điều hành? Nhà phân tích chuyên ngành? Ứng viên? Nhà đầu tư? Hay chính là những khách hàng tốt nhất, thông minh nhất của chúng ta?

Tôi nghĩ rằng mức độ sáng tạo không phải nằm ở những lời tuyên bố chắc nịch. Nó là cả quá trình thương lượng. Vấn đề quan trọng nhất cần thảo luận là những người, những cách tiếp cận và phương pháp như thế nào thì được cho là sáng tạo. Vấn đề này không còn giống như 10 năm trước, khi hiện nay chúng ta đã có đủ phương tiện, dụng cụ và công nghệ để thể hiện phẩm chất của mình, dù là khi làm việc riêng lẻ hay hợp tác trong một nhóm.