Trang chủ » Kinh tế 24h » Vinashin tiếp tục thay các vị trí lãnh đạo chủ chốt

Vinashin tiếp tục thay các vị trí lãnh đạo chủ chốt

Tác giả:

Ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, sau khi Phó tổng giám đốc PVN Trương Văn Tuyến được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinashin, tới đây, một lãnh đạo cấp cao của PVN cũng sẽ được điều động và bổ nhiệm sang Vinashin.

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Sự – hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của PVN, đang chờ cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục cần thiết để bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Vinashin.

Như vậy, sau khi Thủ tướng chính thức bổ nhiệm tổng giám đốc và tới đây sẽ là chủ tịch hội đồng thành viên, Vinashin sẽ có một bộ máy lãnh đạo với hai vị trí chủ chốt mới hoàn toàn.

Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đảm trách.

Liên quan đến việc chuyển giao các đơn vị thành viên của Vinashin về PVN, ông Thực cho biết, trong 6 thành viên đề xuất chuyển giao, PVN chỉ nhận 5 đơn vị. Riêng Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, thành viên Vinashin, nhưng Vinashin chỉ góp vốn bằng thương hiệu.  Do vậy, PVN đã đề xuất là góp vốn bằng thương hiệu thì không chuyển giao và đã được đồng ý.

Mô tả ảnh.
Tháng 10 sẽ tiếp nhận xong các đơn vị thành viên Vinashin về PVN)

Trong 5 đơn vị chuyển giao, đến nay PVN đã hoàn thành việc tiếp nhận quyền điều hành, bước đầu củng cố tổ chức, sắp xếp bộ máy để ổn định sản xuất kinh doanh.

PVN cũng đang thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán lại toàn bộ sổ sách và thuê công ty đánh giá độc lập, đánh giá lại giá trị các DN này. Việc này sẽ hoàn thành vào tháng 10 này và PVN sẽ hoàn thành việc tiếp nhận.

Cụ thể, đối với Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất được xác định sẽ là cơ sở đóng các tàu dầu khí. Hiện nay, DN này đang đóng tác tàu và xà lan cho các thành viên của PVN. Bước đầu PVN đã rót 369 tỷ đồng để khôi phục sản xuất, trả lương cho công nhân, đóng các loại bảo hiểm… Hiện nay, hơn 1.800 lao động trong tổng số hơn 2200 lao động ở đây đã đi làm trở lại. Phần dôi dư tiếp tục được bố trì vào các DN khác phù hợp.

Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch sẽ tiếp tục thực hiện công tác đóng tàu, nhất là các tàu đặc chủng cho dầu khí.

KCN Tàu thủy Soài Rạp – Tiền Giang chuyển về cho Tổng công ty Xây dựng Petro (PVC) Việt Nam để xây dựng thành KCN xây dựng dầu khí. Hiện nay, toàn bộ diện tích KCN đã được cho thuê hết để sản xuất ống thép dầu khí, que hàn, bình tồn trữ dầu khí và làm kho xăng dầu.

KCN Tàu thủy Nghi Sơn – Thanh Hóa cũng giao cho PVC để đinh hướng xây dựng thành căn cứ cung cấp thiết bị, xây dựng và hậu cần cho khu lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đối với KCN tàu thủy Lai Vu – Hải Dương được giao cho Ngân hàng Đại Dương để củng cố, sắp xếp lại, tiến hành kinh doanh.