Trang chủ » Kinh doanh » Những cú lừa ngoạn mục trong đầu tư địa ốc

Những cú lừa ngoạn mục trong đầu tư địa ốc

Tác giả:

Xin điểm lại những vụ lừa đảo gây chấn động giới đầu tư địa ốc xảy ra từ đầu năm 2010 trên địa bàn Hà Nội để gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những ai đang đầu tư địa ốc theo “tâm lý đám đông”.

Vụ Thanh Hà – Cienco 5

17h30 ngày 21/4/2010, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án bán khống đất dự án Thanh Hà Cienco 5 xảy ra tại Công ty Xây dựng và Dịch vụ 1/5 để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Ngay khi quyết định trên được tống đạt, như một “quả bom” gây chấn động giới đầu tư địa ốc, niều nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ đến thứ cấp hết sức bàng hoàng.

Nhiều nhà đầu tư vì nóng vội muốn “mua gom” để “lướt sóng” kiếm lời đã không nghiên cứu kỹ hồ sơ giấy tờ và tình trạng pháp lý của dự án cũng như các giao dịch nên hàng tỷ đồng đổ vào có nguy cơ về “mo”.

Ngay khi dự án còn chưa GPMB nhưng họ vẫn chấp nhận mang tiền tỷ đi… “đánh bạc”. Cơn sốt đất biệt thự và nhà liền kề dự án Khu đô thị Thanh Hà do Tổng công ty XDCTGT 5 làm chủ đầu tư (Công ty CPPT địa ốc Cienco 5 là đơn vị quản lý, phát triển dự án) lan nhanh trong giới đầu tư. Đi đâu họ cũng xôn xao “mua mua, bán bán”.

Bhà đầu tư đang trình bày việc bị Thanh Hà Cienco 5 lừa (ảnh CAND)

Trên các trang mạng rao vặt, có hàng nghìn tin giao dịch mỗi ngày của nhà đầu tư, môi giới. Giá chuyển nhượng được “thổi” lên chóng mặt. Chỉ riêng tiền chênh của việc “chuyển nhượng hợp đồng góp vốn” hay “bán lại suất ngoại giao” cũng khoảng vài tỷ đồng/căn.

Được biết, để mua 1 lô đất liền kề diện tích 100 m2, nhà đầu tư phải nộp ít nhất 1 tỉ đồng tiền “chênh”, còn một lô đất biệt thự có diện tích 330 m2, nhà đầu tư phải nộp tiền “chênh” 3,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân của vấn đề trên bắt đầu từ ngày 19/1/2010, Cienco 5 Land (bên A) đã ký hợp đồng số 01/HĐVV vay Công ty CP xây dựng & dịch vụ 1/5 (gọi tắt là Công ty 1/5), có văn phòng giao dịch tại Khu Đô thị mới Trung Hoà Nhân Chính, Hà Nội (bên B) số tiền 200 tỷ đồng, thời hạn 18 tháng, với lãi suất 1%/tháng để triển khai dự án.

Nội dung hợp đồng còn nêu: “Ưu tiên cho bên B được thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 do bên A làm chủ đầu tư”.

Ngay sau đó, Cienco 5 Land và Công ty 1/5 lại ký tiếp phụ lục hợp đồng 01/HĐVV với bên A đồng ý cho bên B được hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà. Vị trí đất thực hiện hợp tác đầu tư là đất biệt thự tại A2, dự án đô thị Thanh Hà A với diện tích 55.000m2, giá dự kiến không quá 12 triệu đồng/m2 (bao gồm cả VAT). Điều đáng lưu ý là phụ lục hợp đồng này không hề nêu thời gian ký kết.

Có được hợp đồng này, Công ty 1/5 bắt đầu tiến hành “các hoạt động huy động vốn” cho dự án bằng việc ký hợp đồng với rất nhiều chủ đầu tư khác.

Tuy nhiên, về pháp nhân đối với dự án trên, Công ty 1/5 không hề liên quan tới dự án trên bởi trên thực tế UBND TP Hà Nội chưa có một văn bản chính thức nào xác nhận Công ty 1/5 là đồng chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư thứ cấp!

Trả lời phóng viên báo Gia đình & Xã hội ngày 19/4, ông Nguyễn Mạnh Cường, TGĐ Công ty 1/5 thừa nhận: “Chúng tôi chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt là nhà đầu tư thứ phát tại dự án Thanh Hà A. Đã có trên 50 nhà đầu tư rót vốn cho chúng tôi”.

Sau một thời gian điều tra, chiều 7/9/2010, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam một số lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 (Công ty 1/5) về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Kim Thoa, kế toán trưởng Công ty 1/5 đã bị bắt tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra. Riêng ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty, được cơ quan công an cho tại ngoại.

Cùng với lệnh bắt giam, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng thực hiện lệnh khám xét tại nhà riêng của 3 đối tượng nói trên.

Vụ Công ty CP địa ốc Petroconex

Vụ thứ 2 xảy ra hồi tháng cuối tháng 7/2010 tại Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Petroconex có trụ sở tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Mạo danh nhà đầu tư thứ cấp, Lê Mãn Thân (sinh năm 1981, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Petroconex) đã “ru ngủ” hàng chục người góp tiền mua ở các dự án liền kề An Hưng (Hà Đông) của Công ty cổ phần đầu tư đô thị An Hưng và Dự án Geleximco (đường Lê Trọng Tấn kéo dài) của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổ hợp Geleximco với tổng số tiền lên tới gần 20 tỷ đồng.

Ngày 7/8/2010, cơ quan cảnh sát điều tra, công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Mãn Thân.

Cũng phải nói thêm rằng, chính cái tên Công ty CP Đầu tư Địa ốc Dầu khí Petroconex cũng đã làm nhiều nhà đầu tư lầm tưởng đây là công ty “con”, công ty “cháu” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc là liên doanh giữa Petrovietnam và Vinaconex.

Tuy nhiên, khẳng định với PV.VietnamNet chiều 30/7/2010, bà Phan Thị Hoà – Trưởng ban Kiểm soát của Petro Vietnam cho biết, Petroconex không có mối liên quan, ràng buộc gì với Petro VN.

Ông Phan Vũ Anh, Giám đốc Ban Đối ngoại Pháp chế của Tổng công ty Vinaconex cũng xác nhận “không hề có chuyện Vinaconex tham gia” trong công ty kể trên.

“Đây là một doanh nghiệp nào đó ngẫu nhiên, lấy thành phần là “conex” na ná chúng tôi. Còn xét dưới góc độ liên kết và đầu tư với Vinaconex là không có. Những hợp tác với chúng tôi đều trên cơ sở nghiêm túc, không có chuyện “cuỗm tiền” để làm mất thương hiệu, uy tín như vậy”, ông Vũ Anh nhấn mạnh.

Lê Mãn Thân – tác giả của một trong những cú lừa, tại cơ quan công an (ảnh TTO)

Không chỉ tên gọi “chắp ghép” làm nhiều người lầm tưởng đây là công ty “con, cháu” hoặc được góp vốn đầu tư từ hai tập đoàn tên tuổi, mà ở góc phải trên trang web của Petroconex tại địa chỉ petroconexgroup.com.vn còn treo một banner quảng cáo khá bắt mắt có logo của Petro VN bên dưới dòng chữ tiếng Anh: PetroVietNam Finance Company (PVFC) và tiếng Việt là Tài chính dầu khí.

Giải thích điều này, bà Hoà bức xúc, “Tôi đã trao đổi với PVFC thì hoá ra không phải. Chúng tôi không treo logo quảng cáo của tập đoàn lên trang đó mà công ty này tự lấy lên. Sau việc này, tập đoàn sẽ kiểm tra lại những đơn vị đeo logo của tập đoàn để chấn chỉnh và yêu cầu trả tiền “.

“Việc sử dụng tên gọi gây nhầm lẫn, tùy theo mức độ, ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn chúng tôi có thể khởi kiện nếu cần thiết” – bà Hoà nói thêm.

Cách thức của Lê Mãn Thân là thông qua một số giao dịch, mua bán thành công với các khách hàng, đã tạo được “tín nhiệm” từ trước, Tổng GĐ Petroconex tiếp tục đưa ra giới thiệu, chào mời các suất mua đất ngon ăn khác. Nhưng sau khi cầm tiền tỷ đặt cọc của khách, Lê Mãn Thân mới đưa ra các lý do bất khả kháng để khất lần việc giao hàng, hoàn trả tiền đặt cọc rồi “mất hút”.

Dự án KĐT Vân Canh

Vụ án thứ 3 vừa xảy ra hồi đầu tháng 10/2010 tại dự án Khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức) do Công ty Cổ phần Tasco làm chủ đầu tư với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 40 tỷ đồng.

Thay vì mạo danh nhà đầu tư thứ cấp như vụ Thanh Hòa – Cienco5 hoặc “ăn theo” thương hiệu như vụ Petroconex, các đối tượng trong vụ án này đã làm giả hợp đồng góp vốn, giả phiếu thu của Công ty Cổ phần Tasco để bán đất biệt thự tại Khu đô thị Vân Canh do Tập đoàn HUD làm chủ đầu tư, Tasco là nhà đầu tư thứ cấp.

Các đối tượng trong vụ án này gồm có 4 đối tượng Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Mạnh Cường đều trú tại Hà Nội, trong đó có Đặng Thị Kim Dung (27 tuổi, Định Công, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội).

Ngày 5/10/2010, cơ quan CSĐT đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với 4 đối tượng trên.

Theo tài liệu cơ quan điều tra, Dung đã cùng với Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Mạnh Cường tạo dựng hợp đồng góp vốn số 112 và phiếu thu giả của Công ty Cổ phần TASCO để bán đất liền kề tại dự án khu đô thị Vân Canh do Công ty TASCO làm chủ đầu tư để lừa đảo khách hàng và chiếm đoạt 39,5 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền lừa đảo, Dung đã gửi 7 sổ tiết kiệm mang tên Đặng Thị Kim Dung với số tiền là 19,4 tỷ đồng. Còn 20,1 tỷ Dung đã chi cho các đối tượng môi giới. Cơ quan CA đã thu giữ nhiều giấy tờ tài liệu liên quan.

Phòng CSĐT về tội phạm về TTQLKT và chức vụ CATP đã thu giữ 7 sổ tiết kiệm trị giá 19,4 tỷ đồng mang tên Dung và 2 sổ tiết kiệm của Nguyễn Tuấn Anh, trị giá hơn 5 tỷ đồng đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.

Qua những vụ việc kể trên, có thể thấy, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là rất tinh vi và chỉ khi cơ quan công an vào cuộc thì sự thật mới được phơi bày.

Vậy làm cách nào để có thể phân biệt được “thật – giả” trong cả một “rừng” thông tin về các dự án bất động sản đang được rao bán trên thị trường là câu hỏi mà rất nhiều nhà đầu tư đang mong muốn tìm được câu trả lời.

Trao đổi với phóng viên, hầu hết các nhà đầu tư bất động sản đều kêu “đói” thông tin các dự án. Họ còn than phiền khi tiếp cận thông tin dự án từ chính chủ đầu tư nhưng bị từ chối cung cấp thông tin (?!).

Luật sư Đỗ Tiến Đạt, Giám đốc Nghiệp vụ, Công ty Luật Basico cho rằng, theo Nghị định 71/NĐCP có hiệu lực ngày 8/8/2010 quy định, dự án chỉ được chào bán căn hộ khi đã khởi công và hoàn thiện hạ tầng móng. Như vậy, khi dự án chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định như giấy phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch v.v… thì chưa được phép giao dịch. Chính vì thế, việc nhiều người rao bán các căn hộ như trên là trái luật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.

“Cách tốt nhất để tránh những rủi ro không đáng có là các nhà đầu tư nên giao dịch bất động sản theo đúng trình tự và quy định pháp luật”, ông Đạt khuyến cáo.

Ông Đạt cho biết thêm, trước khi tiến hành những giao dịch, kể cả nhỏ hay lớn, các nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin ở nhiều kênh thông tin, báo chí có uy tín. Tuyệt đối hạn chế việc tìm kiếm thông tin trên các trang web rao vặt bởi những thông tin ở đó rất khó kiểm chứng và kiểm soát.