Trang chủ » Kinh tế 24h » USD vượt 20.000 đồng và lời đồn tăng tỷ giá

USD vượt 20.000 đồng và lời đồn tăng tỷ giá

Tác giả:

Chiều ngày 19/10, giá USD trên thị trường Hà Nội tiếp tục tăng và chính thức vượt qua ngưỡng 20.000 đồng/USD.

Giá USD giao dịch tại chợ USD tự do Hà Trung liên tục thay đổi, đến đầu giờ chiều, giá USD đã lên mức 19.970 – 20.030 đồng/USD, tăng tiếp khoảng 30 đồng/USD so với cuối giờ sáng nay. Do vậy, nhiều điểm thu mua ngoại tệ trở nên cẩn trọng, không dám công bố giá trước chỉ báo khi khách hỏi mua.

Còn trong hệ thống ngân hàng, USD đang có dấu hiệu căng cứng. Tỷ giá liên ngân hàng vẫn giữ ở mức 18.932 USD.

Trong khi đó, tỷ giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại đã lên đến mức 19.490 – 19.500 đồng/USD, thậm chí có giao dịch chốt tới 19.990 đồng . Giá USD đã nâng lên kịch trần, giá mua vào và bán ra gần sát nhau là tình trạnh cho thấy các ngân hàng đang rất khó khăn về nguồn cung đầu vào.

Theo VnExpress, một ngân hàng lớn đã liên tục đánh tiếng với Ngân hàng Nhà nước đề nghị cung ứng ngoại tệ. Ngân hàng này có nhiều khách hàng là doanh nghiệp xăng dầu, điện, với đơn hàng nhập khẩu lên tới vài trăm triệu USD.

“Đây không phải là những mặt hàng nằm trong danh mua được ưu tiên cung ứng ngoại tệ, nhưng chúng tôi cũng không dám bán cho họ cao hơn giá thị trường. Nhưng bản thân chúng tôi cũng không xoay đâu ra mức giá theo trần quy định hiện nay”, vị cán bộ phụ trách kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng này than thở.

Hiện nay, các ngân hàng vẫn niêm yết tỷ giá ở mức kịch trần 19.500 đồng, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, giá giao dịch thực tế không thấp hơn thị trường tự do bao nhiêu.

Đây là tình trạng dã nhiều lần xảy ra và kết cục cuối cùng là tỷ giá sẽ được điều chỉnh.

Mô tả ảnh.
USD tăng giá khiến tin đồn tăng tỷ giá rộ lên. (Ảnh: VNR)

Chính vì trạng thái hiện nay, nên người dân tỏ ra lo lắng đổ dồn đi mua USD làm cho thị trường có một ngày vô cùng sôi động. Các tin đồn về khả năng điều chỉnh tỷ giá đã bắt đầu được đồn thổi trên thị trường tự do.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có bất cứ phản ứng nào trước diễn biến của USD mới đây. Các chuyên gia về ngoại hối từ ngân hàng BIDV cho rằng, tỷ giá giảm thời gian qua chỉ tạm thời trong điều kiện chưa có bất cứ giải pháp bình ổn nào được công bố.

Trong khi đó, tâm lý chung vẫn nhận định tỷ giá tiếp tục chịu sức ép lớn trong các tháng cuối năm nay. Điều này đã làm tăng tâm lý găm giữ ngoại tệ và đánh cược vào việc NHNN sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 2-3% nữa đến cuối năm.

Hiện tượng cầu lớn hơn cung đang trở nên phổ biến. Tình trạng bình ngưng ngoại tệ có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn, giống như quý III/2009 nếu Ngân hàng Nhà nước không có biện pháp tích cực, cụ thể để khơi thông được nguồn cung ngoại tệ, giảm cầu ngoại tệ, đặc biệt cầu đầu cơ. Và việc điều chỉnh, can thiệp thị trường với độ trễ như hiện nay thì rất khó để tỷ giá có thể ổn định và dao động trong biên độ cho phép.

Những đồn đoán USD tăng giá thực chất đã bắt đầu âm ỉ từ cuối quý III khi USD bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng. Trong khi đó, nhận định từ các định chế tài chính lớn đều mang lại những bất lợi cho tỷ giá.

Mới đây nhất. Standard Chartered đã có dự báo tiền đồng sẽ tiếp tục giảm giá. Theo dự báo này, tỷ giá sẽ ở mức 19.900 đồng đổi một USD vào cuối năm nay và 20.800 đồng ăn một USD trong năm 2011.

Trước mắt khó có sự biến động

Quan sát thị trường tiền tệ trong nước, chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành đưa ra quan điểm, từ đầu năm tới nay Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng USD/VND tăng trên 5%, đây là việc làm rất cần thiết và phần nào phản ánh giá trị thực của VND.

Hiện tại, trên thị trường tự do chỉ số giá vàng và USD đang tăng khá cao, cùng với đó CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 9/2010 cũng tăng mạnh. Nhập siêu chưa có dấu hiệu giảm, tạo ra nguy cơ mất cân đối ngoại tệ theo chiều hướng âm, điều này sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước đứng trước bài toán điều chỉnh tỷ giá hối đoái.

Nhưng nếu tiếp tục thực hiện điều chỉnh tỷ giá ở thời điểm cuối năm sẽ tạo thêm áp lực lên chỉ số CPI, cũng như giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu do hoạt động sản xuất trong nước đang phụ thuộc nhiều vào máy móc, nguyên phụ liệu nhập khẩu. Vì vậy việc thực hiện điều chỉnh tỷ giá trước hay sau Tết, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần phải cân nhắc và rất thận trọng.

“Tuy nhiên cũng có một thuận lợi, đặc điểm ở Việt Nam thời điểm quý IV lượng kiều hối thường gia tăng đột biến, nguồn cung này sẽ góp phần giảm áp lực dự trữ ngoại tệ,” ông Thành nói với phóng viên TTXVN.

Giữ đà tăng CPI và ổn định thị trường tiền tệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu từ nay đến cuối năm.

Xu hướng tăng CPI cộng thêm tâm lý lo ngại khi USD tăng giá trên thị trường tự do khiến dân chúng không còn hứng thú gửi VND trong ngân hàng mà chuyển sang đầu tư các vào các tài sản khác như vàng, bất động sản… nhằm bảo vệ tài sản của mình và kỳ vọng sinh lời từ việc trượt giá.

Không chỉ người dân, ngay cả nhiều doanh nghiệp thay vì đổ tiền vào sản xuất lại cũng quay sang đầu tư tài chính (găm giữ ngoại tệ, lướt sóng trên thị trường chứng khoán hay thậm chí là đầu cơ nguyên, nhiên vật liệu… chờ kiếm chênh lệch).

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, diễn biến thực tiễn của thị trường tiền tệ đang khuyến khích người dân chuyển sang đầu cơ tài chính và điều này thực sự là một ẩn họa với nền kinh tế. Tiền nhàn rỗi trong dân sẽ nằm “chết” vào các dự án bất động sản, vào vàng, vào USD chờ “sóng” lên thay vì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, công tác điều hành tỷ giá, lãi suất đang đứng giữa ngã ba đường.

Hiện nay, ngân hàng muốn huy động thì phải tăng lãi tiết kiệm, dẫn đến lãi suất cho vay vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. “Nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp Việt Nam lên tới 80% đến 90% của các kế hoạch, dự án sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, có rất ít doanh nghiệp có đủ uy tín để tự huy động vốn trong xã hội, còn lại đa phần vẫn phải vay vốn từ ngân hàng. Do đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ đang giảm, trong đó có cả ngành ngân hàng,” Ông Cao Sĩ Kiêm cho hay.

Vì vậy, ổn định thị trường tiền tệ với tỷ giá hợp lý là biện pháp cần thiết và lâu dài. Tiền đồng mạnh lên tuy làm giảm khả năng xuất khẩu trước mắt nhưng nỗi sợ hãi mất giá đồng tiền theo đó cũng giảm đi, từ đó khích thích dòng vốn đầu tư đổ vào sản xuất.

Hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại, chất lượng nâng cao sẽ tiêu diệt được sự độc quyền, ép giá cũng như giảm thiểu nhập khẩu hàng tiêu dùng, qua đó áp lực CPI cũng tự  khắc giảm.