Trang chủ » Kinh tế 24h » Cẩn trọng với yếu tố đầu cơ trên thị trường vàng

Cẩn trọng với yếu tố đầu cơ trên thị trường vàng

Tác giả:

Sốt vì đủ thứ nguyên do

Hôm qua, thị trường vàng trong nước lên cơn sốt nóng. Giá vàng tăng từng giờ với biên độ chuyển đổi cực lớn, khiến người tiêu dùng quay cuồng. Tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở Hà Nội, khách hàng đông nghịt. Tuy nhiên, khi thị trường hạ sốt, người tiêu dùng vẫn cố chen chân mua vào để chờ đợi làn sóng tăng trở lại.

Ngay sau quyết định cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng được Ngân hàng Nhà nước công bố vào buổi trưa, giá vàng tại thị trường trong nước đã giảm mạnh, mức giảm khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng.

Khoảng giữa trưa hôm qua, giá vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 37,2 triệu đồng (giá bán ra). Tính đến đầu giờ sáng nay, mức giá bán ra của các hiệu vàng trong nước đang dao động quanh ngưỡng 36,7 triệu đồng/lượng.

Đi tìm lời giải cho sự tăng giá bất thường của vàng trong nước hôm qua, báo Vnexpress dẫn lời ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam cho biết, giá vàng thế giới tăng mạnh là nguyên nhân quan trọng khiến cho giá vàng trong nước nhảy vọt.

Trong khi, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty vàng Sacombank-SBJ thì cho rằng, giá vàng trong nước tăng cao và bỏ xa giá thế giới hơn 2 triệu đồng trong buổi sáng nay còn do một bộ phận nhà đầu tư mua cắt lỗ. Trước đây, khi họ đã vay vàng của ngân hàng, giờ thấy giá tăng chóng mặt nên mua vàng để trả nợ.

Một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về vàng thì cho rằng, nguyên nhân cốt lõi khiến giá vàng trong nước “điên loạn” xuất phát từ thông tư 22 mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Trước đây, các hiệu kim hoàn có thể vay vàng từ nhà băng để bán ra cho khách hàng nhỏ lẻ khi thị trường tăng giá thì nay không thể vay được nữa.

Cũng vì thế, nguồn cung vàng không thiếu nhưng lại bị giữ chân trong các nhà băng, không được đưa ra thị trường nên tạo cảm giác bị khan hàng giả tạo, làm giá càng bị đẩy lên cao.

Còn theo ông Nguyễn Công Tường, Phó trưởng phòng Công ty vàng SJC, hiện lực cầu đang tăng cao, nhưng nguồn cung khan hiếm. Nguồn cung khan hiếm không phải do trong nước thiếu vàng mà là những đơn vị giữ vàng hiện không muốn bán ra mà chỉ muốn mua vào.

Không loại trừ yếu tố đầu cơ

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngoài nguyên nhân giá vàng thế giới tăng mạnh thì cơn sốt giá còn đến từ tâm lý. Diễn biến của một số yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, nhập siêu tăng, tỷ giá cao… đã khiến cho người dân lo ngại về giá trị đồng nội tệ, nên xuất hiện tâm lý tích trữ.

Ngoài ra, theo ông, trong việc vàng tăng giá, không loại trừ yếu tố đầu cơ. Bởi lẽ, nhiều năm nay, lượng vàng ngoài dân cư tồn tại với một cơ số rất lớn, nhưng không có cơ chế quản lý, nên khi thị trường thế giới diễn biến phức tạp đã xuất hiện hiện tượng đầu cơ, “té nước theo mưa”.

Cùng quan điểm này, trả lời TBKTVN, ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, vàng trong nước liên thông với quốc tế nên tất nhiên ảnh hưởng, nhưng có thêm đặc điểm là người dân lâu nay tích trữ vàng và USD khá là nhiều, nên giá vàng tăng cao tác động tâm lý của dân là hết sức lớn.

Có yếu tố đầu cơ trong mua bán vì khối lượng lưu thông khá nhiều. Một số nhà kinh doanh tranh thủ tạo yếu tố tâm lý để đẩy giá lên, nên có lúc giá trong nước còn tăng cao hơn thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông, cùng lúc, nên có hai yếu tố đảm bảo đồng bộ. Thứ nhất, phải có chính sách cân đối ngoại tệ trên thị trường chính thức liên ngân hàng; thời gian qua cầu ngoại tệ đang lớn nên cần phải đáp ứng. Hai là, phải có biện pháp giảm bớt sức ép mất cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường để dân tin vào giá đồng Việt Nam, tạo ra lợi ích kinh tế, như chênh lệch lãi suất hợp lý để dân tin, không chuyển VND sang ngoại tệ.

Cần tuyên truyền để người dân tin vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Giá vàng trên thế giới là cái tách biệt với hàng hóa khác, nó chỉ ảnh hưởng một phần nào đó, chỉ tác động đến ai tích trữ vàng thôi, còn hàng hóa khác nhất là hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của dân thì không ảnh hưởng nhiều, nên cần có thông tin tuyên truyền bên cạnh giải pháp kinh tế. Các cơ quan cũng cần đưa thông tin đến cho dân, để người dân hiểu vào điều đó.

Đó là, kinh tế vĩ mô tuy có tiềm ẩn một số bất ổn nhưng ở mức độ vừa phải và không có gì căng thẳng. Nhà nước đang có hướng điều chỉnh, tập trung để kiểm soát lạm phát, không phá giá đồng tiền Việt Nam, ổn định giá trị đồng tiền chứ không như nhiều người lo là phá giá.

Nhiều người cho rằng lạm phát tăng cao, nên lo tích trữ, đầu cơ. Ứng xử như thế không có lợi cho nền kinh tế, cho xã hội và cho chính bản thân họ. Cần phải hiểu rõ là chính sách Nhà nước tập trung cho sự ổn định, chứ không có sự thay đổi.

Ông Ngoạn cho rằng, “chỉ có cho nhập khẩu vàng thì mới tác động đến dân vì cửa hàng vàng điều chỉnh, còn chính sách vĩ mô thì doanh nghiệp và các nhà chuyên môn mới hiểu, chứ người dân thì không hẳn ai cũng hiểu rõ, nên họ có tâm lý đầu cơ không hợp lý, không có lợi cho chính họ. Vì yếu tố tâm lý nên ứng xử của nhiều người dân hơi thái quá so với mức bình thường”.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lưu ý, người dân cần tỉnh táo vì giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, rủi ro nhiều. Nếu không, sẽ bị cuốn vào vòng xoáy nói trên và có thể nhận về mình những thua thiệt không đáng có.

Hiện tại, lượng tiền gửi VND vẫn gia tăng, hoạt động tín dụng vẫn bình thường, lãi suất đang có xu hướng nhích lên, nếu cầm nắm VND sẽ có lợi và hạn chế được nhiều rủi ro hơn, nhất là trong điều kiện từ nay đến cuối năm, Quốc hội và Chính phủ đang riết róng thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng.