Trang chủ » Kinh doanh » VND ổn định, chứng khoán sẽ lấy lại phong độ

VND ổn định, chứng khoán sẽ lấy lại phong độ

Tác giả:

Theo vị chuyên gia có kinh nghiệm làm việc nhiều năm ở các TTCK mới nổi này, chứng khoán Việt Nam thật sự đang rẻ nhất khu vực; việc giữ ổn định VND là một nền tảng quan trọng để TTCK Việt Nam tăng trưởng.

– Tỷ giá đang là yếu tố tác động mạnh tới tâm lý NĐT trong nước và điều này phản ánh vào trạng thái giao dịch đi xuống của TTCK hiện tại. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?

Ông David Charles Kadarauch: Trước hết, tỷ giá là vấn đề lâu dài với kinh tế Việt Nam. Tỷ giá hiện nay là một trong các bài toán khó mà Chính phủ Việt Nam cần giải quyết trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vấn đề dường như nằm ở yếu tố tâm lý.

Khi nhìn vào thâm hụt thương mại, người dân có cảm giác VND sẽ tiếp tục bị mất giá, nên chuyển sang trú ẩn ở các tài sản khác như vàng, ngoại tệ. Nhiều quốc gia láng giềng cũng gặp vấn đề tương tự như Việt Nam, nhưng đồng tiền của họ vẫn ổn định, do người dân giữ được niềm tin và TTCK được hưởng lợi từ điều này.

Ông David Charles Kadarauc

Hai quốc gia láng giềng của Việt Nam là Indonesia và Thái Lan là một điển hình. Họ duy trì được tiền tệ ổn định và TTCK có sự tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Vấn đề là Chính phủ giữ được cam kết với người dân rằng, đồng tiền nội tệ sẽ được đảm bảo giá trị mua trong dài hạn.

– Theo ông, biện pháp nào có thể “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng này tại Việt Nam?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên nới rộng biên độ tỷ giá. Về lâu dài, Chính phủ nên trao quyền cho NHNN độc lập hơn nữa trong việc thực thi các chính sách tiền tệ.

NHNN cũng nên học tập Trung Quốc, neo VND vào một rổ tiền tệ mà Việt Nam có quan hệ thương mại. Ngoài ra, cần minh bạch hóa các con số thống kê về tình hình nợ quốc gia, dự trữ ngoại hối, diễn biến lạm phát, tăng trưởng tín dụng… để giải quyết yếu tố tâm lý như đã nói.

– Còn lạm phát, dường như nỗi lo này đã thâm nhập khá sâu vào TTCK?

Lạm phát suy cho cùng chỉ là vấn đề tiền tệ. Năm 2010 diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt: chi tiêu công của Chính phủ nhiều hơn, thâm hụt ngân sách lớn hơn, trong khi đó, việc phát hành trái phiếu chính phủ đạt thấp hơn năm ngoái.

Rõ ràng, khoản chênh lệch này sẽ được bù đắp một phần bởi động thái cân đối qua việc bơm tiền của NHNN. Hệ quả tất yếu khi tiền bơm ra nền kinh tế nhiều nhưng lượng hàng hóa không tương xứng sẽ dẫn tới lạm phát.

Để ổn định tỷ giá, cần xử lý gốc của vấn đề, đó là kiểm soát lạm phát: rà soát lại chi tiêu công, dừng bơm tiền vào các thực thể như Vinashin, đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa, minh bạch hơn trong các con số vĩ mô…

– Liệu tăng lãi suất để hạn chế tín dụng có giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát không, theo ông?

Về lý thuyết thì nghe rất hợp lý, nhưng tôi cho rằng, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Tín dụng Việt Nam dự kiến tăng 25% trong năm 2010, nhưng rất nhiều vốn đổ vào DN nhà nước kém hiệu quả. Các DN tư nhân của Việt Nam đang “khát” vốn rẻ. Họ đang bị ảnh hưởng từ “hiệu ứng lấn át” từ các DN nhà nước trong tiếp cận vốn.

Chính hơn nửa triệu DN tư nhân hiện nay mới là động lực mạnh mẽ của nền kinh tế được các NĐT nước ngoài coi là tiềm năng bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Bất chấp biến động lãi suất, họ vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 20 – 30%. Đó mới là nội lực và tiềm năng thực sự của TTCK Việt Nam.

– Triển vọng các tổ chức nước ngoài đổ bộ vào TTCK Việt Nam thời gian tới ra sao?

Các NĐT vẫn thích thú với việc tìm kiếm cơ hội ở TTCK Việt Nam, tuy nhiên, đây là các NĐT dài hạn. Các NĐT ngắn hạn hiện thấy rủi ro từ một số yếu tố mất cân đối hiện thời. Chẳng hạn, gần đây, dòng vốn nóng đã đổ vào châu Á khá mạnh, nhưng Việt Nam không được hưởng lợi trực tiếp.

Bên cạnh yếu tố vĩ mô chưa cân bằng, các rào cản kỹ thuật của thị trường như thủ tục đăng ký tài khoản của NĐT nước ngoài, mỗi NĐT chỉ được mở một tài khoản, thời gian thanh toán T+4… có thể khiến một số NĐT tiềm năng nản lòng.

Năm 2011, viễn cảnh TTCK toàn cầu khá lạc quan, dòng tiền quốc tế vẫn chảy về châu Á – nơi có các nền kinh tế trẻ, năng động tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Việc TTCK Việt Nam sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc thu hút các dòng vốn này hay chỉ gián tiếp hưởng các hiệu ứng lan tỏa phụ thuộc rất lớn vào việc Chính phủ giải quyết cân bằng các mục tiêu vĩ mô, bên cạnh đó là các biện pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường.

– Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam đang thấp nhất khu vực. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một phần lợi nhuận của các DN Việt Nam tạo ra từ những thu nhập một lần nên chưa thực sự hấp dẫn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trước khi tới Việt Nam, tôi đã có kinh nghiệm làm việc tại một số thị trường mới nổi ở châu Á. Tại Thái Lan hay Ấn Độ, họ cũng gặp vấn đề tương tự như TTCK Việt Nam hiện nay – lợi nhuận của DN có đóng góp từ các khoản thu nhập một lần.

Việt Nam không phải là thị trường ngoại lệ duy nhất ở châu Á. Vì vậy, không có lý do gì để chúng ta hoài nghi các số liệu thống kê, TTCK Việt Nam quả đang có các chỉ số định giá thấp nhất khu vực.

Không ai phủ nhận giá cổ phiếu đã rẻ, nhưng vì bức tranh nền kinh tế còn chưa rõ ràng nên mức giá rẻ của một cổ phiếu ngày hôm nay có thể là đắt nếu DN gặp khó khăn trong một vài tháng tới.

Thứ nhất, tác động của tỷ giá biến động, của lãi suất cao sẽ tiếp tục phản ánh vào kết quả lợi nhuận của DN trong quý IV. Hiện chi phí lãi vay của nhiều DN đã tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ hai, dù thời điểm hiện tại, sức khỏe DN không đến nỗi bi đát như giai đoạn khủng hoảng năm 2008, nhưng TTCK không thể kỳ vọng vào một dòng tiền mới đủ mạnh để thay đổi cục diện thị trường, là dòng tiền vốn vay hỗ trợ lãi suất chống suy giảm kinh tế như năm 2008.

Vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam không đáng kể vì các yếu tố nội tại của nền kinh tế là bất ổn vĩ mô, quy mô TTCK nhỏ bé và số DN đủ tiêu chuẩn thu hút đầu tư như VNM, HPG, HAG, FPT… còn rất ít. Vốn đầu tư tư nhân trong nước lại vẫn đang trú ẩn ở nhà đất, vàng, ngoại tệ và mới đây nhất là gửi tiết kiệm.

Nhìn dài hạn hơn là đến năm 2011, theo các chuyên gia, sau giai đoạn tăng trưởng cao, trong đó tăng trưởng dựa nhiều vào tăng đầu tư, đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cao, mục tiêu của kinh tế Việt Nam sẽ là chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, kiềm chế lạm phát. Tức là nền kinh tế, DN phải vận hành trong một môi trường kinh doanh mà cung tiền ra thị trường thấp hơn trước. Nền kinh tế, mỗi DN phải cơ cấu lại hoạt động để tăng năng suất, đầu tư chiều sâu để nâng cao giá trị gia tăng, tăng tỷ suất lợi nhuận.

TTCK có thể kỳ vọng điều chỉnh tăng trở lại tương ứng với tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%, mục tiêu đặt ra cho năm 2011 và thêm chút hy vọng thị trường sẽ sôi động hơn khi dòng vốn nóng đã tràn đầy ở thị trường khu vực sẽ tìm đến Việt Nam.

Nhưng một sự bùng nổ của thị trường mang tính cơ học do tác động của dòng tiền lớn là vốn nước ngoài, vốn tín dụng lãi suất thấp như các giai đoạn trước đây khó xảy ra. Vì thế, cơ hội trên TTCK là có nhưng không đồng đều ở tất cả các cổ phiếu.

Đừng quên rằng, một nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh là chất lượng hàng hóa niêm yết chưa cao, hay nói nôm na là “nhiều hàng lởm” với việc DN phát hành cổ phiếu quá nhiều mà lợi nhuận không thể tăng trưởng bù đắp được mức độ pha loãng giá trị cổ phiếu.