Trang chủ » Thế giới » Nhật Bản muốn tiến một bước gần hơn tới TPP

Nhật Bản muốn tiến một bước gần hơn tới TPP

Tác giả:

Sáng 9/11, Nội các nước này đã thông qua Đề cương chính sách cơ bản về việc tham gia các khối liên minh kinh tế, trong đó có việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Theo đó, Chính phủ Nhật Bản có nhiệm vụ thúc đẩy nghiên cứu về hiệp định này, tăng cường điều chỉnh thị trường nội địa cho phù hợp với các điều kiện tham gia, trong khi đẩy nhanh quá trình đàm phán với các quốc gia đã tham gia.

Trước đó, hồi đầu tháng này, hơn 700 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn và các nhà làm luật đã có cuộc họp tại Tokyo, kêu gọi Thủ tướng Naoto Kan tham gia các cuộc đàm phán TPP khi Nhật Bản chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Ba nhóm vận động doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn, trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), đã thúc ép chính phủ trong việc tham gia các cuộc đàm phán TPP tại Hội nghị thượng đỉnh APEC. Họ cho rằng nếu đánh mất cơ hội này, Nhật Bản sẽ bỏ lỡ xu thế tăng trưởng và thịnh vượng của thế giới.

Tại Hội nghị doanh nghiệp Nhật – Mỹ ở Tokyo hồi tháng 10, Ngoại trưởng Seiji Maehara cũng phát biểu, đối với Nhật Bản, TPP là một khung hội nhập kinh tế đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản sẽ nỗ lực ở mức cao nhất có thể nhằm thúc đẩy các chính sách về thoả thuận mậu dịch tự do và đối tác kinh tế, trong đó có việc tham gia đàm phán TPP.

Hiện nay đã có 9 nước tham gia đàm phán về cải cách, mở rộng TPP. Những nước láng giềng của Nhật Bản là Trung Quốc, Hàn Quốc cũng bày tỏ quan tâm tới hiệp định này. Chủ tịch Keidanren, ông Hiromasa Yonekura, cho rằng thông qua việc tiến hành đàm phán, Nhật Bản có thể tiến một bước gần hơn tới TPP.

Theo tính toán của giới chuyên môn Nhật Bản, tham gia TPP mang lại lợi ích rất thiết thực. TPP sẽ giúp các nước xuất khẩu tránh được hàng rào thuế quan và đối với Nhật Bản, đây là một điều kiện then chốt thúc đẩy xuất khẩu nước này.

Việc miễn thuế ở các thị trường lớn tham gia TPP như Mỹ góp phần giúp hàng xuất khẩu Nhật Bản có thêm lợi nhuận, đồng thời khiến kinh tế Nhật Bản loại bỏ được những rủi ro khi các doanh nghiệp không còn phải  xây dựng xưởng sản xuất tại các thị trường tiêu thụ nhằm tránh hàng rào thuế quan cao.

Washington đã bày tỏ mong muốn hoàn tất đàm phán TPP vào mùa Thu năm tới. Điều này có nghĩa Tokyo cũng cần phải nhanh chóng đưa ra quyết định về vấn đề này.

Vướng mắc đối với Thủ tướng Naoto Kan là thuyết phục nông dân Nhật Bản đồng ý tham gia TPP. Việc tìm ra biện pháp hạn chế tác động tiêu cực đến mức thấp nhất đối với việc dỡ bỏ thuế nông nghiệp sẽ là yếu tố quyết định giúp các nhà nông nghiệp Nhật Bản đồng ý với kế hoạch gia nhập TPP của chính quyền Naoto Kan.

Vốn lo ngại về văn hóa và an ninh lương thực, Nhật Bản trong một thời gian dài đã bảo vệ những người nông dân sản xuất lúa gạo kém hiệu quả trước các loại ngũ cốc nhập khẩu có giá rẻ hơn từ những nước sản xuất lớn như Mỹ, Australia và Việt Nam.

Thủ tướng Naoto Kan từng tuyên bố tuy Nhật Bản coi việc tăng cường sản xuất nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, nhưng nếu không tiến nhanh trong việc tham gia thị trường toàn cầu, tương lai của Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông, điều quan trọng là Nhật Bản phải cân bằng hai vấn đề này.

Quan điểm của Thủ tướng Naoto Kan về giải quyết mâu thuẫn giữa bảo hộ nông nghiệp và tạo sức bật mới cho ngành công nghiệp Nhật Bản là phải nhanh chóng chuyển hướng cải cách nông nghiệp theo hướng tự do hóa.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu Nhật Bản, để giải quyết vấn đề này, Tokyo có thể áp dụng chính sách “chuyển đổi từ bảo hộ thuế quan sang bảo hộ tài chính”. Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý tới 2 vấn đề phát sinh đối với lĩnh vực sản xuất hoa màu.

Thứ nhất là vấn đề hoa màu mang yếu tố bảo đảm an ninh lương thực như gạo. Đây là loại sản phẩm có cạnh tranh quốc tế cao. Việc miễn thuế phải bảo đảm cho ngành sản xuất lúa gạo vẫn có khả năng phát triển.

Điều này cần được thể hiện trong các chính sách thuê, mướn, hợp đồng đất nông nghiệp, không thu hẹp đất canh tác, đền bù thiệt hại. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, tăng kinh phí đền bù hoặc không áp thuế sản phẩm.

Thứ hai là cần dự báo được sự chênh lệch giá thành giữa các sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước như khoai tây, đường..

Chính phủ Nhật Bản cũng cần hỗ trợ nông dân chuyển sang các loại hình sản xuất nông nghiệp khác, cây trồng khác nhằm bảo đảm một nền nông nghiệp đa dạng và mạnh mẽ. Trong tất cả quá trình đó, việc bảo đảm tài chính bổ sung từ chính phủ là điều không thể thiếu đối với nông nghiệp Nhật Bản.

Có một thực tế hiện nay là độ tuổi làm nông nghiệp ở Nhật Bản đang ngày càng cao. Thế hệ thanh niên Nhật Bản ngày nay quan tâm tới khoa học công nghệ, sản xuất công nghiệp nhiều hơn nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có tầm nhìn dài hạn để kinh tế Nhật Bản phát triển một cách cân bằng và ổn định.

Thủ tướng Naoto Kan tháng trước cảnh báo, Nhật Bản đang bị tụt hậu so với các nước khác trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định đối tác kinh tế. Chẳng hạn như hôm 6/10, Liên minh châu Âu đã ký thoả thuận mậu dịch tự do đầu tiên với một nước châu Á là Hàn Quốc.