Trang chủ » Tranh luận » Cùng quẫn với giá USD

Cùng quẫn với giá USD

Tác giả:

LTS: Tỷ giá USD tự do trên thị trường Hà Nội sáng 2/12 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên mức độ chênh lệch về giá cả giữa các điểm thu đổi khá lớn. Giá thu đổi phổ biến là 21.550 đồng bán ra và 21.480 đồng mua vào.

Tuy nhiên, một số điểm thu đổi để mức giá “khủng” với 21.600 – 21.500 đồng (bán ra/mua vào). Trong khi đó, giá USD niêm yết trong các ngân hàng thương mại đang chênh tới 2.000 đồng, chẳng hạn như giá tại Vietcombank hiện đang ở 19.500 – 19.495 đồng.

Các chuyên gia trong ngành tài chính, cũng như đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng, cần phải có giải pháp để chấm dứt tình trạng này, nếu không sẽ gây méo mó môi trường kinh doanh, làm giá cả tăng thêm.

Mời bạn đọc tham gia thảo luận về vấn đề này trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Mọi thông tin trao đổi xin gửi về địa chỉ [email protected] hoặc tham gia trực tiếp ở dưới bài viết.

Không nên để vi phạm pháp luật kéo dài

Báo Tuổi trẻ số ra sáng nay dẫn lời PGS.TS Trần Hoàng Ngân (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ), trong điều kiện bình thường, có thể chấp nhận chênh lệch giá do ngân hàng (NH) niêm yết và giá tại thị trường tự do khoảng vài chục đồng/USD.

Khi chênh lệch này tăng trên 100 đồng là không bình thường. Thế nhưng, khoản chênh này đã tăng đến cả ngàn, thậm chí trên 2.000 đồng là bất bình thường.

Điều đáng lo ngại là tỉ giá chợ đen không chỉ giao dịch với USD tiền mặt mà đã len lỏi vào ngay hệ thống NH, thậm chí trở thành tỉ giá định hướng cho doanh nghiệp và NH giao dịch. Tỉ giá ngoài thị trường tự do tăng bao nhiêu thì giá giao dịch thực giữa các NH tăng bấy nhiêu. Từ đó, tỉ giá do NH niêm yết theo đúng quy định của NH Nhà nước chỉ còn là hình thức.

Nếu cứ duy trì tình trạng này, việc hạch toán của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ bị méo mó, không trung thực. Mua USD giá 21.500 đồng nhưng lại hạch toán  19.500 đồng, còn lại phải hạch toán dưới các hình thức khác.

Kéo dài tình trạng này, vô tình đã đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng vi phạm pháp luật. Bởi luật pháp quy định doanh nghiệp và NH phải mua bán USD trong biên độ và tỉ giá liên NH do NH Nhà nước quy định.

“Chúng ta không thể mặc nhiên thừa nhận tình trạng USD hai, ba giá. Theo tôi, NH Nhà nước cần phải áp dụng các biện pháp, hành chính hoặc kinh tế, để thu hẹp chênh lệch giữa tỉ giá niêm yết và tỉ giá thực giao dịch, để NH và doanh nghiệp có thể giao dịch theo đúng tỉ giá do NH niêm yết”.

NH Nhà nước cần phải can thiệp mạnh tay, nhất là với thị trường vàng, vì thị trường vàng đang dẫn dắt giá USD tại thị trường tự do, từ đó tác động đến giá USD giao dịch tại các NH.

Trên thực tế lượng USD giao dịch trên thị trường tự do không quá lớn, nhưng do NH Nhà nước cứ để giá vàng kéo giá USD tại thị trường tự do mãi, việc cho nhập vàng không mạnh tay, từ đó tạo ra tâm lý giá USD sẽ tăng lan tỏa cả vào hệ thống NH…

Tỷ giá, lãi suất gây sức ép tăng giá

Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ VN cho rằng, tỉ giá tăng giúp hạn chế nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhưng nó cũng đang gây khó cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp không thể chủ động được trong hạch toán công nợ cũng như thanh toán hàng hóa nhập khẩu.

Đặc biệt, tỉ giá USD biến động ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư, nhất là đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất vì hầu hết đều phải nhập và trả bằng ngoại tệ.

Không chỉ tỉ giá, doanh nghiệp còn chịu gánh nặng lãi suất. Gần đây lãi suất tăng đột biến, doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã khó tiếp cận được vốn nay phải chịu lãi suất cao càng khiến chi phí tăng đột biến. Chi phí tăng ngay thời điểm doanh nghiệp chuẩn bị hàng phục vụ tết, như vậy làm sao có thể giữ giá để cùng Nhà nước bình ổn thị trường.

Tình hình này kéo dài buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, lại tạo cơ hội cho hàng ngoại, càng đẩy tình trạng lạm phát và nhập siêu tăng lên.

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu khốn đốn

Báo SGTT hôm qua (1/12) cho biết, đợt USD tăng giá trên 5% vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn tại Hải Phòng đã bị lỗ nặng, lên tới hàng triệu USD.

Ông Phạm Văn Minh, trưởng phòng mua hàng công ty cổ phần cáp điện LS-Vina (Hải Phòng) than phiền, công ty luôn có sẵn các đơn hàng cho ba tháng sản xuất. Do đó, mỗi tháng, công ty luôn phải nhập khẩu khoảng 3.000 tấn vật tư (đồng, nhôm, nhựa…) Tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu luôn trong khoảng 18 – 20 triệu USD/tháng.

Việc có đơn hàng ổn định như LS-Vina luôn là mong ước của mọi doanh nghiệp.

Nhập khẩu nguyên liệu bằng USD, nhưng LS-Vina thu VND từ bán hàng trong nước. Thế nên, khi USD tăng giá, thì LS-Vina phải mất thêm VND để mua lượng USD tương ứng dùng nhập khẩu nguyên liệu. Vì các đơn hàng ký là theo giá VND cố định. Thế nên, tỷ giá cứ tăng thì doanh nghiệp lỗ.

“Có khoảng 70% đơn hàng bán trong nước của LS-Vina – tương đương doanh số 40 – 50 triệu USD được thanh toán bằng VND. Do đó, tỷ giá tăng 2% thì công ty đã lỗ (vì chênh lệch tỷ giá) là gần 1 triệu USD”.

Báo cáo của phòng quản lý và kế hoạch công ty LS-Vina, sau hai lần tăng tỷ giá của năm 2010, công ty đã lỗ tới 4 triệu USD. Đương nhiên, nếu tỷ giá tiếp tục tăng, số lỗ của công ty cũng sẽ tăng… tương ứng.

Tuy nhiên, trường hợp của LS-Vina không phải là duy nhất, ông Bùi Việt Hoài, tổng giám đốc công ty cổ phận vận tải biển Việt Nam (Vosco) nói, công ty đầu tư hàng trăm triệu USD để tăng quy mô và trẻ hoá đội tàu. Khoản vốn đầu tư này chủ yếu là vay nước ngoài bằng USD. “Năm 2009, Vosco lỗ vì chênh lệch tỷ giá là 95 tỉ VND. Dự kiến năm 2010 này, công ty sẽ lỗ tiếp khoảng 100 tỉ VND”, ông Hoài nói.

Dẫn lời ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, báo Tuổi trẻ cho hay, các doanh nghiệp thép trong nước mới chủ động được 60% nguồn phôi thép sản xuất, phần còn lại phải nhập khẩu. Lãi suất và tỉ giá cùng tăng thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá nhưng không phải lúc nào cũng bán được. Không thể phủ nhận có tình trạng đình đốn sản xuất.

Không lối thoát?

Cũng theo báo SGTT, một chủ doanh nghiệp tại Hải Phòng cho biết, để có tiền thanh toán ngay cho hợp đồng nhập khẩu phân bón, công ty phải chấp nhận mua USD theo giá thị trường tự do với giá cao hơn tỷ giá liên ngân hàng từ 1.200 – 1.300 đồng/USD. Như vậy, cứ vay mỗi triệu USD, chiếu theo tỷ giá ngân hàng quy định thì doanh nghiệp mất 1,2 – 1,3 tỉ VND.

Nhưng thiệt hại của doanh nghiệp không giản dị như công thức 1 + 1 = 2, mà phức tạp hơn nhiều. Quy định hiện hành không chấp nhận USD doanh nghiệp mua ngoài thị trường tự do. Vì thế, sau khi vay VND (từ ngân hàng) để mua USD “chợ đen” với giá cao, doanh nghiệp phải bán lại số USD này cho ngân hàng theo tỷ giá quy định (không quá 19.500 VND/USD). Sau đó, lại ký tiếp hợp đồng mua USD từ chính ngân hàng đã bán để hợp pháp hoá nguồn gốc USD.

Cách làm phức tạp và rối rắm này đảm bảo sự hợp pháp về mặt quy trình. Nhưng vì mỗi công đoạn đều bị tính phí, nên trong đa số trường hợp, thì giá USD doanh nghiệp mua lại từ ngân hàng cũng cao chẳng kém USD mua ngoài chợ đen. Có nghĩa là doanh nghiệp phải chịu lỗ tỷ giá tới… hai lần.

Để giảm lỗ do tỷ giá, ông Phạm Văn Minh cho biết: “LS-Vina cố gắng mua nguyên liệu (có nguồn gốc nhập khẩu) ở trong nước và thanh toán bằng VND. Nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời vì nguyên liệu này cũng được nhập khẩu, chẳng qua là được nhập về từ trước với đơn giá chưa tăng”.

Đồng thời, LS-Vina tăng cường xuất khẩu, đôi khi chấp nhận bán hoà vốn để thu ngoại tệ về, cân đối khoảng 30% nhu cầu ngoại tệ. Việc tăng giá bán sản phẩm cũng được công ty tính toán tuỳ theo sự biến động giá cả thị trường.

Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp có được khả năng như LS-Vina. Đơn giản vì không thể có chuyện mọi doanh nghiệp đều xuất khẩu với giá hoà vốn để đổi lấy ngoại tệ. Do thế, câu chuyện lỗ tỷ giá đương nhiên và chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra, nếu tỷ giá không ổn định.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời một đại diện khối doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu cho hay, giá USD tăng cao, lại khó mua, chỉ có thể mua theo giá thị trường tự do buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán và mức tăng đó đã lan tỏa vào giá hàng hóa tiêu dùng.

“Giá USD tăng liên tục, hôm nay 21.000 đồng thì mươi ngày sau đã là 21.500 đồng/USD buộc chúng tôi phải tăng giá đón đầu, nếu không sẽ bị lỗ”, đại diện này nói.

“Giả sử ngay thời điểm phải trả 21.000 đồng/USD, chúng tôi đã phải kê giá bán lên theo tỉ giá 21.500 đồng/USD. Nay con số này cũng đã bị vượt qua. Doanh nghiệp nào cũng thế, trách chi giá cả không tăng. Chúng tôi muốn tỉ giá ổn định, có tăng cũng phải có lộ trình và rõ ràng thì mới có thể ổn định được giá bán. Một khi doanh nghiệp tính toán và ổn định được giá thành trong một thời gian dài thì giá cả bớt nhấp nhổm”.

Trong khi đó, trả lời trên báo Tuổi trẻ, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu khẳng định, khó bán USD theo giá niêm yết. Đại diện này cho hay, “chúng tôi có nguồn thu USD từ xuất khẩu, đúng ra phải bán cho NH theo đúng giá niêm yết. Thế nhưng, khi thị trường đều theo tỉ giá thị trường tự do thì chúng tôi cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Sẽ khó cho người quyết định bán USD cho NH theo giá niêm yết vì khi đó những bộ phận khác trong công ty sẽ đặt câu hỏi có vấn đề gì mới bán theo giá niêm yết. Giả sử với 1 triệu USD, chúng tôi bán cho NH theo giá niêm yết chỉ được 19,5 tỉ đồng nhưng bán theo giá 21.500 đồng thì sẽ được đến 21,5 tỉ đồng, giúp đơn vị tăng được lợi nhuận.

Hơn nữa, chúng tôi cũng cần phải bán USD theo giá cao để bù đắp chi phí đang tăng mạnh. Có hai khoản tăng, đó là lãi suất và giá hàng hóa – dịch vụ. Hầu hết các loại nguyên vật liệu, dịch vụ đều tăng do các đơn vị đã tính theo tỉ giá 21.500 đồng/USD. Vì vậy việc bán USD theo giá cao cũng là cách để chúng tôi bù đắp khoản chi phí tăng thêm nhằm đảm bảo duy trì được lợi nhuận của doanh nghiệp”.