Trang chủ » Kinh tế 24h » “Cuộc chiến” phía sau những cam kết bình ổn giá

“Cuộc chiến” phía sau những cam kết bình ổn giá

Tác giả:

“Chúng tôi dành riêng một bên kho để chứa dầu ăn. Mặt hàng này Tổng công ty phải rút về kho vì đối tác cung cấp rục rịch tăng giá”, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Long Biên (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Hapro) Nguyễn Thị Thúy Hà cho biết.

Cách đó không xa, trên các dãy hàng Công ty Long Biên đăng ký bình ổn giá với TP. Hà Nội, một biểu giá niêm yết được trưng lên, thể hiện mức giá cam kết giữ nguyên trong suốt giai đoạn bình ổn, kéo dài từ 31/7 năm nay đến tận 31/3 năm sau.

Nhưng phía sau những biểu hiện dễ thấy này, một “cuộc chiến” với giá cả đã thực sự bắt đầu.

Cố giữ giá đến Tết

Siêu thị Hapro Mart Thái Thịnh trong những ngày này luôn đông khách phía dãy hàng bình ổn giá. “Doanh thu bán hàng đối với mặt hàng bình ổn tăng 10-15% so với lúc trước, ngày nghỉ tăng lên khoảng 20%”, Giám đốc chuỗi siêu thị Giảng Võ (Công ty Siêu thị Hà Nội), bà Trương Thị Thạch cho hay.

Những thay đổi này có nguyên nhân của nó. Mới đây, một số nhà cung cấp dầu ăn đã điều chỉnh giá bán tăng khoảng 40% và ngay lập tức tác động đến giá cả mặt hàng này trên thị trường. Tuy nhiên, do Hapro đã có hợp đồng chốt giá và đặt tiền trước nên rút một lượng lớn hàng về kho, có điều kiện giữ nguyên giá bán.

Gian hàng bình ổn giá trong siêu thị (ảnh Vneconomy)

Mức chênh lệch hiện nay giữa giá bán mặt hàng dầu ăn trong hệ thống siêu thị Hapro Mart và các cửa hàng bán lẻ khoảng 10%, khiến cho lượng người mua hút vào các điểm bán bình ổn của Hapro là điều dễ hiểu. Tương tự, các mặt hàng như gạo, thực phẩm chế biến, rau xanh… cũng bán chạy hơn do cùng nguyên nhân.

Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn chỉ tay về phía tủ đựng hồ sơ góc phòng, nơi lưu lại các hợp đồng cung cấp dầu ăn, đường, thủy sản đông lạnh, thịt gia súc, gia cầm… đã chốt giá và đặt tiền với nhà cung cấp.

Từ tháng 7, doanh nghiệp này đã làm việc với các nhà cung cấp, thảo các bản hợp đồng chốt giá để chủ động nguồn hàng và khống chế giá thành đầu vào. Để hỗ trợ Hapro trong công tác bình ổn giá thị trường, thành phố Hà Nội đã cho doanh nghiệp này vay 155 tỷ đồng lãi suất 0% để chuẩn bị trước nguồn hàng giá rẻ cho những lúc thị trường có biến động giá và phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

“Thực tế, doanh nghiệp chúng tôi phải tung ra số tiền gấp 3 đến 4 lần con số ấy để dự trữ hàng hóa thuộc 9 mặt hàng đăng ký bình ổn. Cho nên từ tháng 7 đến nay, chúng tôi không phải điều chỉnh giá bán, và doanh thu các mặt hàng bình ổn trên toàn hệ thống tăng hơn hai lần so với cùng kỳ”, ông Sơn nói.

Vừa qua khi thị trường tăng giá nhiều mặt hàng nhưng tại các địa điểm bình ổn của Hapro, hàng hóa luôn sẵn có và bán với giá thấp hơn hẳn. “Quan trọng hơn là tạo yếu tố tâm lý, để cho nhân dân biết được là những lúc giá cả lên thế này, họ biết rằng vẫn có những điểm bán với giá rẻ, vừa yên tâm và cũng không đầu cơ, tích trữ các mặt hàng này”, Tổng giám đốc Sơn cho hay.

Tham gia chương trình bình ổn giá của Hà Nội ba năm nay, Hapro có tính toán khác so với nhiều doanh nghiệp bạn. “Có thể đề nghị tăng giá các mặt hàng bình ổn, những chúng tôi không làm vì sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Cho dù giá cả thế nào chúng tôi cũng quyết giữ hết sức có thể. Không thể nói với lãnh đạo thành phố là tiền giao cho Hapro đã sử dụng hết được”, Tổng giám đốc Hapro thẳng thắn nói.

Trong phương án của Hapro, nếu bán rẻ chai dầu ăn 8-10 nghìn đồng, có thể khách hàng vì khoản tiền tiết kiệm được sẽ mua thêm các mặt hàng khác và doanh nghiệp sẽ gián tiếp được lợi. Thực tế, những kết quả kinh doanh của Hapro cho thấy tính toán trên có phần đúng.

Dự kiến, tổng doanh thu hệ thống bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại của Hapro năm nay đạt khoảng 4.550 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi sẽ tiếp tục dành khoảng 700 tỷ đồng để dự trữ thêm hàng và mở rộng thêm khoảng 100 điểm bán bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Sơn cho biết.

Sẽ tăng kiểm soát giá

Ngược dòng chảy nỗ lực kìm giá của các doanh nghiệp như Hapro, việc cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm dẫn tới hoạt động cung ứng hàng cho thị trường tăng là điều kiện để một số đầu nậu, điểm bán lẻ găm hàng làm giá. Cho nên, trong giai đoạn cuối năm này, nhiều cơ quan, ban ngành đã phải vào cuộc kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng trọng yếu, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại…

Ông Võ Văn Quyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: “Về tổng thể, số vụ vi phạm về giá có xu hướng tăng”. Thống kê của Cục Quản lý thị trường cho thấy, tính đến tháng 11/2010, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra và xử lý trên 10 nghìn vụ việc liên quan đến giá, bao gồm không kê khai, không niêm yết, bán quá giá niêm yết…

Trong khi đó, mấy tuần gần đây, Thanh tra Bộ Tài chính cũng liên tiếp cử các đoàn thanh tra đi làm việc tại các địa phương để kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh Giá. Ông Nguyễn Kim Liên, Chánh thanh tra Bộ Tài chính cho biết, kết quả thống kê sơ bộ đã phát hiện một số trường hợp vi phạm.

Hành vi đầu cơ, găm hàng, làm giá cũng đã được các cơ quan kiểm soát thị trường phát hiện trong thời gian gần đây. Trong bản báo cáo của Cục Quản lý thị trường trình lên cuộc họp Chính phủ vừa rồi, chi tiết này cũng được đề cập tới.

Đó là việc “đội quản lý thị trường Tân Phú (Chi cục Quản lý thị trường Tp.HCM) mới đây đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp Bình Mai tại phường Tân Quý, phát hiện doanh nghiệp không niêm yết giá, không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh và các chứng từ liên quan đến hàng hóa và có dấu hiện găm hàng, tồn trữ 15 nghìn kg đường, đã lập biên bản và xử lý”.

Việc tung tin đồn thất thiệt về nguồn cung thiếu hụt, gây ảnh hưởng tâm lý xã hội gần đây cũng xảy ra. Theo ông Quyền, sau khi có thông tin lương thực, thực phẩm, đặc biệt thịt lợn bị hút sang Trung Quốc, dẫn đến suy diễn từ nay đến Tết sẽ thiếu cung khiến giá bị đẩy lên, Cục đã kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm như Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang… thì hoạt động xuất khẩu thịt lợn tiểu ngạch vẫn diễn ra bình thường.

“Không có chuyện đột ngột hút hàng, thậm chí lượng hàng xuất bán sang Trung Quốc gần đây thấp hơn nhiều so với thời kỳ cao điểm Olympic Bắc Kinh 2008”, ông Quyền khẳng định.

Trước giai đoạn cao điểm cuối năm, các lực lượng quản lý thị trường cũng đã lên kế hoạch. Ngay cuối tháng 10, đầu tháng 11, Cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo cho các lực lượng quản lý thị trường địa phương tập trung tăng cường kiểm soát ở ba lĩnh vực liên quan đến thực hiện Pháp lệnh Giá, bao gồm đăng ký, kê khai, niêm yết, bán theo giá niêm yết; chống đầu cơ, găm hàng, tung thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng cung cầu…

Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, cơ quan này đang soạn thảo các văn bản xuống các cấp, các ngành, địa phương để phối hợp kiểm soát chặt việc đăng ký, niêm yết, kê khai giá các mặt hàng thiết yếu và những mặt hàng nhà nước thống nhất quản lý. Ngoài ra, Cục Quản lý giá cũng thành lập 1-2 đoàn kiểm tra việc đăng ký giá, kê khai giá tại địa phương.

Nhưng bất chấp những nỗ lực từ nhiều phía, giá cả thị trường chưa dễ “thuần phục” các giải pháp điều hành. Ông Nguyễn Anh Tuấn thẳng thắn nhìn nhận: “Với tình hình này, để giữ được lạm phát một con số là vấn đề rất khó khăn”.