Trang chủ » Kinh tế 24h » Cơn sốt mua hàng Made in Vietnam giá rẻ

Cơn sốt mua hàng Made in Vietnam giá rẻ

Tác giả:

Nhan nhản hàng Việt Nam xuất khẩu đổ đống

Với mức giá đồng loại, từ 30- 50- 75- 85- 125 đến 175 nghìn đồng/ sản phẩm, các cửa hàng này ngay từ khi khai trương đã thu hút được lượng khách rất đông..

“Thấy quảng cáo rầm rộ, dân tình xúm xít đen đỏ nên tôi cũng vào mua”- chị Hoàng Thanh- Cầu Giấy Hà Nội cho biết.
Với tâm lý ham rẻ, khách hàng Việt dễ dàng bị “lôi kéo”. Lại thêm mác “hàng Việt Nam xuất khẩu” nên rất nhiều người tin tưởng, hăng hái tìm mua.

“Từ tháng 11 khi mở cửa hàng, hầu như lúc nào khách cũng đông chật” – một nhân viên bán hàng Việt Nam xuất khẩu đổ đống ở Chùa Bộc cho hay.

Những cửa hàng quần áo made in VietNam đổ đống đang gây sốt trên thị trường Hà Nội

Cũng tại một điểm xả hàng như vậy ở Cầu Giấy- Thu Trang- SV ĐH Thương Mại đang hối hả chọn cho mình một chiếc áo khoác. Trang vui vẻ cho biết: “Em vẫn thích dùng hàng Made in Việt Nam, nhưng vì giá đắt nên chỉ thỉnh thoảng mới mua thôi. Hôm nay đi ngang qua thấy điểm xả hàng xuất khẩu lớn thế này, phải ghé vào xem ngay. Hàng Việt giá rẻ còn gì bằng!”.

Theo như những người bán hàng thì các mặt hàng được xả ra đều là hàng Việt Nam xuất khẩu, nhưng do tồn kho, hết mốt hoặc bị lỗi nên được gửi trả về. Chính vì vậy, giá của chúng rất rẻ. Các loại áo ngắn tay hay áo thu đông mỏng có giá dao động từ 30 đến 80 nghìn đồng, các loại áo khoác thì từ 120 đến 175 nghìn đồng. Trong khi, các mặt hàng Viet Brothers “xịn” thường có giá cao gấp 2 – 3 lần.

Bác Thanh Hào Quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Hàng đổ đống ra đây, nếu chịu khó tìm thì cũng có cái mặc được. Cái áo khoác “hàng hiệu” mà chỉ hơn 100 nghìn là hợp với túi tiền của những người lao động như tôi. Ngày chẳng kiếm được là bao thì lấy tiền đâu để mua hàng Việt Nam xịn mà mặc.”

Hàng đổ đống- chất lượng “vỉa hè”?

Qua khảo sát, quả thực lượng khách hàng tại những điểm bán hàng xuất khẩu đổ đống rất dồi dào. Nhất là trong thời điểm hiện tại, Hà Nội vào đông, nhu cầu mua sắm quần áo, hàng mùa đông của người dân tăng cao. Tuy nhiên, còn khá nhiều điều phải bàn về nguồn gốc, chất lượng của loại hàng này. Nhiều sản phẩm ở đây mặc dù có nhãn mác nhưng áo có thể bị đứt cúc, tuột chỉ hay giắt khóa.

Theo những người am hiểu thị trường, nguồn sản phẩm Made in VietNam đổ đống một phần là của các công ty may uy tín không tiêu thụ hết, hoặc sản phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất. Một phần nữa là hàng gia công của các xưởng may ở Cổ Nhuế tập trung về trà trộn vào.

Loay hoay mãi trong đống quần áo phía trên có gắn bảng giá 30 nghìn, chị Hà- Cổ Nhuế- HN đành lắc đầu ngao ngán nói: “Rẻ thì có rẻ thật, nhưng… quá xấu! Mình tìm mãi mà chẳng được cái áo nào ưng ý cả, cái thì quá bé, cái thì quá to.”

Tỏ ra khó tính hơn, cô Nga- Nguyễn Khánh Toàn- Hà Nội nhận xét: “Thấy biển hàng Việt Nam xuất khẩu, mà vào xem thì chả khác gì hàng thùng cả! Lại còn bẩn và nhàu nhĩ, có cái còn rách nữa chứ! Hàng này thì xuất khẩu đi đâu!”

Theo cô Nga, dù là hàng hạ giá thật thì cũng phải được kiểm tra, phân loại kĩ. “Mình đi mua hàng thì cũng cần được tôn trọng. Hơn nữa hàng Made in Việt Nam có thương hiệu như thế, sao đến tay dân thường mua lại chả khác gì hàng vỉa hè đổ đống thế này. Không phải cứ hàng rẻ, hàng đồng giá là thích bán thế nào cũng được!”

Nhiều khách hàng chịu khó bỏ công lựa chọn đã tìm mua được những sản phẩm vừa ý song cũng có người tỏ ra khó chịu, hoặc có chút ân hận vì đã trót ham rẻ.

Chị Thanh Hằng- Phương Mai- Hà Nội kể: “Mình cùng bạn bè đi mua sắm, thấy có điểm xả hàng cũng hăng hái vào mua. Chọn mãi không ưng cái nào, nhưng nghĩ đã mất công vào chọn, giá lại rẻ, chắc chẳng mấy khi xả hàng, thôi thì cố chọn lấy cái áo khoác phù hợp. Nhưng mua về rồi thì chán, không thời trang, không đúng sở thích nên mình rất ít dùng.”

Chị Hằng kể thêm, chị còn may mắn vì không mua dính hàng lỗi.”Cô bạn đi cùng mình hí hửng mua ba chiếc áo khoác cho chồng và con trai. Đến lúc về thử và xem kĩ thì hai cái có vấn đề. Một cái hỏng khóa tay, lệch khuy, một cái thì đường may hỏng…”

Khách hàng băn khoăn về chất lượng hàng Việt Nam đổ đống

Mặc dù chấp nhận những rủi ro khi mua hàng giá rẻ, song mỗi khách hàng khi mua dính hàng kém chất lượng vẫn không tránh khỏi bức xúc. Tệ hơn là mất lòng tin vào thương hiệu mà mình lựa chọn.

Hàng “đổ đống” tổn hại đến thương hiệu hàng “xịn”?

Theo chị Bích Thảo – quản lý cửa hàng Made in Vietnam ở 195 Cầu Giấy: “Hàng chính hãng của VietBrothers rất ít giảm giá, xả hàng. Thậm chí có nhiều thời điểm còn khan hàng, không có hàng bán, ngay cả khách hàng quen còn phải chờ để mua, thì lấy đâu ra hàng để “xả” một cách tràn lan như vậy?!” Chị Thảo đặt câu hỏi: “Không hiểu những cửa hàng Made in Việt Nam đổ đống rầm rộ kia ở đâu ra, nguồn hàng như thế nào, chất lượng ra sao?.”

Cũng theo chị Thảo, trên thị trường hiện nay đang tràn ngập các đại lý tư nhân tự dán mác hàng Made in Việt Nam, nhưng bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Điều này gây hiểu nhầm, mất lòng tin cho khách hàng, tổn hại đến uy tín của hàng Việt Nam “xịn”.

Ông Đỗ Gia Phan – Phó chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ về vấn đề này: “Muốn hàng Việt đứng vững trên thị trường thì nhà sản xuất phải nâng cao mẫu mã, hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt các nhà sản xuất kinh doanh không được kinh doanh kiểu chộp giật, lừa lọc người tiêu dùng. Ngoài ra, cần đối xử bình đẳng và thân thiện với mọi đối tượng ngời tiêu dùng, nếu không doanh nghiệp sẽ hoàn toàn bị mất lòng tin nơi khách hàng.

Còn người tiêu dùng Việt cũng phải hết sức tỉnh táo khi đi mua hàng. Dù là sản phẩm nào, thương hiệu gì thì cũng đừng vội thấy rẻ là ham. Hãy là những người tiêu dùng thông minh, tham khảo giá, tìm hiểu sản phẩm kĩ càng khi quyết định mua, dù là món đồ nhỏ nhất!