Trang chủ » Kinh tế 24h » “Oan án” cá tra và những toan tính phía sau

“Oan án” cá tra và những toan tính phía sau

Tác giả:

LTS: Trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của WWF tại một số nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch, cá tra được đưa vào danh sách đỏ với nhiều lý do là môi trường nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra “có vấn đề”.

Việc đưa cá tra vào danh sách đỏ đồng nghĩa với việc, WWF khuyên người tiêu dùng nên lựa chọn một loại  thủy sản khác thay thế. Đối với các loài thuộc danh sách vàng, WWF khuyến cáo người tiêu dùng vẫn có thể mua, nhưng chỉ nên chọn là sản phẩm thứ yếu so với các loài trong danh sách xanh.

Nhà lãnh đạo thủy sản toàn cầu của WWF Mark Powell nói với IntraFish rằng, “sự xuống hạng này là do “giảm các vấn đề về quản lý và kiểm soát”. Tuy nhiên các thứ hạng này vẫn có thể thay đổi khi chúng tôi có thông tin mới. Năm nay chúng tôi đã cập nhật cơ chế chấm điểm cho cá nuôi và đang trong quá trình thực hiện tương tự cho cá khai thác”.

Võ đoán và phi lý

Phản ứng trước thông tin này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, đây là điều võ đoán và phi lý. Trả lời báo Người lao động, ông nói: “Hiện Bộ NN-PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản làm rõ việc cá tra bị WWF cáo buộc có đúng không. Nếu là nhận định chính thức từ WWF thì tôi khẳng định đây là nhận định võ đoán, phi lý”.

“Do vậy, Bộ NN-PTNT đang yêu cầu Tổng cục Thủy sản sớm có phương án đối phó trước cáo buộc bất công này và Bộ NN-PTNT sẽ sớm có ý kiến chính thức với WWF và các tổ chức quốc tế liên quan. Thông tin này là vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến nông dân nuôi cá tra và ảnh hưởng lớn đến sản phẩm cá tra xuất khẩu của VN. Thật khó hiểu về nhận định của WWF và họ đang “ủng hộ” ai để đưa ra kết luận thiếu căn cứ như vậy!”.

Theo Thứ trưởng, WWF quan hệ và hợp tác với VN trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả nuôi trồng thủy hải sản nhưng việc đưa ra đánh giá một cách vội vàng như vậy là hoàn toàn không khoa học, thiếu cơ sở thực tế cũng như thiếu thiện chí.

“Tôi khẳng định chuỗi nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được cấp chứng nhận GobalGAP (Tiêu chuẩn tập trung vào quản lý chất lượng, an toàn và truy nguồn gốc trong lĩnh vực nuôi trồng cây, rau, củ, quả, gia cầm, gia súc, thủy sản) và xuất khẩu đến rất nhiều quốc gia và thị trường lớn trên thế giới. Không thể có chuyện cá tra VN không đạt chuẩn mà dễ dàng được những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… chấp nhận và ưa chuộng”, ông bức xúc.

Cũng theo báo Người lao động dẫn lời TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: “Không ai nuôi cá tra công nghiệp mà dùng thức ăn tự chế. Nguyên liệu chế biến thức ăn chủ yếu được nhập khẩu từ các nước trên thế giới, vì thế không thể nói là không bảo đảm an toàn.

Còn vấn đề bảo vệ môi trường ở những vùng nuôi cá tra được các ngành chức năng quan tâm hàng đầu. Chúng ta có Viện Quan trắc môi trường 2 và các trạm quan trắc của mỗi địa phương với khả năng làm việc rất đáng tin cậy, luôn bảo đảm các quy định và chỉ tiêu bảo vệ môi trường vùng nuôi”.

Trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết sau khi nhận được thông tin WWF đưa cá tra VN vào danh sách Đỏ, VASEP đã có liên lạc với quỹ này làm rõ lý do. Tuy nhiên, đại diện WWF chưa đưa ra lời giải thích thỏa đáng.

Còn theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN khẳng định, việc WWF đưa cá tra vào danh sách Đỏ của cẩm nang là không hợp lý. Bởi nhiều năm qua, việc nuôi, chế biến cá tra tuân thủ quy định thực hành sản xuất tốt của FAO, Global GAP… Thậm chí mặt hàng cá tra đã có các chứng nhận của nhiều cơ quan kiểm soát chất lượng tại nhiều thị trường khó tính của thế giới.

Có sự toan tính

Khẳng định với TTXVN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Phạm Anh Tuấn cho rằng, khuyến cáo của WWF là thiếu cơ sở khoa học. Theo ông Tuấn, khuyến cáo này mang dụng ý không tốt, làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất cá tra của Việt Nam cũng như người tiêu dùng trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, đây là thông tin không đầy đủ, kể cả tiêu chuẩn, cơ sở WWF áp dụng là không đúng mới chỉ dựa vào thông tin một chiều. Việc WWF đưa ra không dựa trên bất cứ một tiêu chí nào; chưa nhìn nhận đúng thực tế. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa các nước với nhau.

Báo Dân Việt dẫn nguồn tin Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTN) thời gian gần đây, cá tra Việt Nam đã bị “đánh hội đồng” trên thị trường châu Âu và phóng sự chống cá tra trên kênh Truyền hình Today của Mỹ. Và gần đây nhất, con cá tra còn bị EU đưa vào mặt hàng có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá…Tuy nhiên, cũng có nhiều tập đoàn bán lẻ thủy sản lớn tại Anh như Findus Group và Birds Eye Group lại lên tiếng bảo vệ sản phẩm cá tra cũng như môi trường nuôi cá tra.

Trong những năm gần đây, cá tra là một trong những loài thủy sản luôn được người tiêu dùng châu Âu lựa chọn trong các bữa ăn gia đình do chất lượng an toàn với giá cả phải chăng. Từ năm 2004, cá tra Việt Nam đã được nuôi trong ao đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý SQF 1000 CM do hiệp hội Tiếp thị Thực phẩm (FMI) Mỹ làm chủ sở hữu và điều hành. Tiêu chuẩn này đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm nghiêm ngặt cả của Mỹ và nhiều nước khác, cũng như thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng ở các thị trường.

Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam luôn cập nhật thông tin về các hệ thống quản lý chất lượng mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu về tiêu chuẩn quốc tế liên tục được đặt ra và đòi hỏi của người tiêu dùng đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đã xây dựng các hệ thống xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn.”

Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Gobal GAP. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã và đang được xuất khẩu đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Australia, Mỹ, Nhật Bản. Khối lượng xuất khẩu cá tra sang các thị trường luôn tăng trưởng đều đặn hằng năm. Đây là minh chứng cho thấy sản phẩm cá tra Việt Nam không chỉ được ưa thích vì hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.