Trang chủ » Thế giới » Muốn “khai tử” WikiLeaks, phải phá hủy toàn bộ Internet

Muốn “khai tử” WikiLeaks, phải phá hủy toàn bộ Internet

Tác giả:

Muốn phá hủy WikiLeaks, chỉ có cách phá hủy toàn bộ mạng Internet bởi kết cấu rất phức tạp của mạng lưới này, với 20 máy chủ và hàng trăm tên miền trên khắp thế giới. Mới đây, một số công ty đã từ chối cung cấp dịch vụ cho WikiLeaks và nước Pháp tuyên bố quyết tâm chặn trang web này, nhưng “vòi bạch tuộc” của nó đã vươn rất xa, rất khó để bất cứ chính phủ nào đó có thể xóa sổ nó vĩnh viễn.

Các nỗ lực xóa sổ WikiLeaks

WikiLeaks đã đăng ký vài máy chủ ở Thụy Điển để tận dụng lá chắn pháp luật ở quốc gia được coi là có nền báo chí tự do bậc nhất thế giới này. Nhưng tới tháng 8 vừa rồi, ông chủ Julian Assange, mới “ngã ngửa” ra vì WikiLeaks chưa hề được đăng ký là một đơn vị truyền thông ở Thụy Điển, do vậy, nó không được pháp luật bảo vệ.

Assange đã sang tận Stockholm để xử lý vụ này nhưng bất thành. Ngược lại, ông còn nhận thêm một lệnh truy nã từ Interpol vì tội lạm dụng tình dục.

Trong khi đó, Pháp đã trở thành nước đầu tiên công bố dự định chặn trang WikiLeaks.

Bộ trưởng Công nghiệp nước này, ông Eric Besson cam kết sẽ “loại bỏ” trang web này khỏi máy tính của mọi người dân.

“Nước Pháp không thể host một trang web vi phạm bí mật quan hệ ngoại giao và gây nguy hiểm tới người dân,” ông Besson nói.

EveryDNS, một công ty của Mỹ, nhà cung cấp tên miền cho WikiLeaks đã từ chối tiếp tục cung cấp dịch vụ này do lo sợ các websites khác cũng sẽ bị tấn công.

Động thái này dấy lên mối nghi ngờ rằng EveryDNS bị chính phủ Mỹ gây sức ép để chấm dứt các mối quan hệ với WikiLeaks sau vụ tiết lộ những email ngoại giao gây tranh cãi tuần qua.

Hôm qua, Wikileaks.org đã mất sáu giờ để khôi phục và chạy tiếp sau khi ông chủ của nó tìm được nhà cung cấp tên miền mới. Nhưng rất nhiều đường link nội bộ vẫn “chết” và gửi trả lại thông điệp báo lỗi.
Amazon đã đưa WikiLeaks ra khỏi máy chủ của họ sau khi chịu áp lực chính trị gia.

Tuy nhiên, việc “xóa sổ’ WikiLeaks lại không dễ dàng chút nào.

Bản thân WikiLeaks không hẳn là một tổ chức. Nó không có nhân viên, không bàn ghế, không văn phòng, không địa chỉ. Julian Assange – người được coi như tổng biên tập và là người chịu trách nhiệm của WikiLeaks, thậm chí còn không có nhà. Trang web chỉ có một vài thành viên chủ chốt được biết đến và được gọi bằng chữ cái đầu tiên, – M chẳng hạn.

Để duy trì hoạt động, hàng trăm tình nguyện viên trên khắp thế giới đã tham gia giúp đỡ dưới nhiều hình thức khác nhau. Chi phí để thành lập và duy trì hoạt động của trang web đến từ nguồn tài trợ cá nhân.

Vụ “tấn công” mạnh nhất vào WikiLeaks cho tới thời điểm này là sự việc PayPal phong tỏa tài khoản của một quỹ phi lợi nhuận ở Đức, cơ quan đứng ra nhận các khoản tiền tài trợ cho trang này. PayPal cho rằng WikiLeaks đã vi phạm quy chế dịch vụ của họ vì “dịch vụ thanh toán của chúng tôi không thể được sử dụng cho các hoạt động nhằm cổ vũ, động viên, kích động hoặc hướng dẫn người khác dính líu tới những hành động phạm pháp.”

Phần lớn số tiền 1 triệu USD mà WikiLeaks nhận được từ các nhà hảo tâm trong năm qua là thong qua tài khoản PayPal của quỹ Wau Holland, một tổ chức phi lợi nhuận Đức quản lý phần lớn tiền cho WikiLeaks.

Đến tối thứ sáu vừa qua, mọi quyên góp cho WikiLeaks qua PayPal đều nhận được thông điệp: “Người này hiện tại không thể nhận được tiền.”

Một hệ thống không thể bị kiểm duyệt

Về mặt pháp lý, tổng biên tập Julian Assange có thể bị chính phủ Mỹ kết tội gián điệp và điều tra hình sự vì bị cáo buộc là vi phạm Luật tình báo Mỹ, nhưng hiện ông ta không có nơi cư trú xác định và không phải là công dân Mỹ (Julian Assange có quốc tịch Úc), rất khó để có quyền truy tố cá nhân ông ta. Trên thực tế đạo luật được ban hành từ năm 1917 này bị coi là “điên khùng” và “vi hiến” vì có quy định kết tội chỉ dựa trên việc ai đó đăng bất cứ thông tin nào mà chính phủ Mỹ không muốn họ đăng.

Đối với website của mình, ban đầu, trang WikiLeaks phần lớn nằm trong hệ thống máy chủ của nhà cung cấp Thụy Điển PeRiQuito (PRQ, một công ty Thụy Điển cung cấp dịch vụ “bảo mật cao, không đặt câu hỏi”. Công ty này gần như không lưu trữ một thông tin nào về khách hàng của mình).

Hiện nay, WikiLeaks đã lưu trữ nội dung trên hơn 20 máy chủ với hàng trăm tên miền trên khắp thế giới. Trang web có rất nhiều bản sao (Mirror sites), nếu một bản sao bị chặn, người dùng có thể chuyển sang truy cập bản sao khác với nội dung tương tự. Các bản sao này bao gồm WikiLeaks.fr, WikiLeaks.se, WikiLeaks.de, WikiLeaks.nl, WikiLeaks.is,…

Chẳng hạn vào năm 2008, ngân hàng Thụy Sỹ Julius Baer đã thắng kiện, được phép ngăn chặn WikiLeaks sau khi trang này tung ra các tài liệu như là bằng chứng cáo buộc các hoạt động rửa tiền của ngân hàng này. Tuy nhiên, rất nhiều trang mạng bản sao khác của WikiLeaks – với các máy chủ khác nhau đặt tại nhiều nơi trên thế giới – vẫn tiếp tục hoạt động. Lệnh của tòa sau đó được rút lại.

Assange coi đó là một hệ thống “không thể bị kiểm duyệt” cũng như “không thể lần ra các tài liệu rò rỉ từ đâu”.  Đây cũng là một hệ thống đảm bảo thông tin sau khi được đăng tải lên mạng Internet sẽ không thể bị gỡ bỏ. Nếu một tổ chức hay chính phủ muốn gỡ bỏ những thông tin tên WikiLeaks, cách duy nhất là gỡ bỏ toàn bộ mạng Internet. Vì vậy, cho dù là những chính phủ mạnh nhất cũng không dễ dàng để đối phó với trang web này.

Julian Assange, ông chủ WikiLeaks, đối tượng đang bị truy nã toàn cầu của Interpol.

Tương lai của báo chí?

Bất chấp việc những tiết lộ mới nhất của WikiLeaks – bao gồm các tài liệu mật và nhạy cảm của Bộ Ngoại giao Mỹ – bị nhiều quan chức đánh giá đã gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, các nhà ngoại giao, các tài sản tình báo và quan hệ với các chính phủ nước ngoài, không ít những ý kiến cho rằng WikiLeaks vẫn đang mở ra một con đường mới cho báo chí, đặc biệt là trong báo chí điều tra.

Với khoảng 30 tài liệu mỗi ngày, WikiLeaks thường cho đăng tải những thông tin mà theo đánh giá của họ là đáng tin cậy và nguyên bản, chưa thông qua chỉnh sửa, kèm với lời bình luận bên cạnh.

Tổng biên tập Assange nói ông muốn đưa ra một tiêu chuẩn mới trong báo chí: “báo chí khoa học”. Assange cho rằng, hiện nay có một sự không công bằng trong vấn đề tiếp nhận thông tin, khi mà người đọc không thể kiểm chứng được những thông tin đó, và nó dẫn tới sự lạm dụng thông tin. WikiLeaks chỉ đưa ra những đoạn video gần như nguyên bản và cung cấp nguồn tin, sau đó những thông tin này sẽ tự động được phát tán, kiểm tra, và xác minh.

Theo cách đó, Assange tin rằng công chúng sẽ được tiếp cận gần hơn với một thứ: “Sự thật”.