Trang chủ » Doanh nhân » Chàng trai Stanford và ước mơ kinh doanh công nghệ

Chàng trai Stanford và ước mơ kinh doanh công nghệ

Tác giả:

Với liên tiếp hai giải nhất toán quốc gia và hai huy chương Olympic toán quốc Tế, Phạm Kim Hùng đã nhận được học bổng toàn phần của trường đại học danh tiếng Stanford, nơi khởi nguồn của những Google, Yahoo, hay Sun Microsystems. Trở thành chủ tịch HĐQT của công ty công nghệ trẻ NES, với nhiều ý tưởng và tham vọng, liệu Phạm Kim Hùng và NES có làm người ta mơ đến một Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zukerberg của Việt Nam?

Mời bạn đọc Diễn đàn kinh tế Việt Nam làm quen với ông chủ trẻ của NES và tìm hiểu về một dự án công nghệ sẽ sớm được đưa ra thị trường trong khoảng 1 tháng nữa.

Những giá trị nào khi học ở Stanford mà Hùng thu nhận được?

Mình đã học được hai điều quan trọng nhất ở Stanford, một trong số đó rất đơn giản và đã giúp mình thay đổi bản thân rất nhiều.

Mình muốn kể câu chuyện cách đây 6 năm ở Trung tâm tài năng trẻ FYT (FPT). Khi đó, chú Trương Gia Bình đã nói rằng: “Hãy định hướng cho mình những mơ ước lớn lao, những ước mơ đóng góp cho đất nước Việt Nam phát triển”. Câu nói dù rất hay, mình đã tự hỏi rằng phải chăng đây là một cách nói hình thức mà những người thành đạt luôn thể hiện. Và lúc đó mình đã không hiểu được ý nghĩa sâu sa của câu nói ấy.

Trong cuốn sách Khởi Thuật (The Art of Start), một cuốn sách mình rất tâm đắc, tác giả Kawasaki có viết phải mất hai mươi năm ông mới cảm nhận được một điều đơn giản: các Startup công nghệ thực sự cần một sứ mệnh cao cả để thay đổi cuộc sống và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Điều mình muốn nói là Stanford đã giúp mình thực sự hiều giá trị của công nghệ và sự phát triển. Trước kia, vì đam mê, mình thích làm những sản phẩm khi thấy thú vị về công nghệ. Bây giờ thì khác. Trước khi bắt đầu bất kỳ ý tưởng nào, mình luôn đặt một câu hỏi đầu tiên: “Liệu nó có thực sự mang lại giá trị cho mọi người?” Có lẽ điều này thật đơn giản (cười).

Nhiều bạn cũng sẽ hình dung nó giống như cách mình đã nghĩ về câu nói của chú Trương Gia Bình, nhưng đó là trải nghiệm quan trọng nhất của mình trong những năm qua. Mình tin rằng, đối với các công ty công nghệ thông tin, bất kỳ sự thành công lâu dài nào đều phải gắn liền với một sứ mệnh làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Không phải là đi theo trào lưu của thị trường.

Điều thứ hai chính là kiến thức. Stanford thực sự là trường đại học tuyệt vời và mình đã học được rất nhiều kiến thức chuyên ngành ở đó.

Bạn có thể chia sẻ thêm về quá trình học tập ở Stanford?

Học tập ở Stanford dù căng thẳng nhưng rất thú vị. Stanford có nhiều sinh viên với những khả năng phi thường. Họ có thể chỉ ngủ 4 tiếng 1 ngày, hay học chương trình đại học khi mới 13, 14 tuổi. Tất cả mọi người đều rất xuất sắc. Họ dành toàn bộ thời gian cho các kỳ học, nhưng vẫn sẵn sàng đi làm tình nguyện ở Châu Phi vào mùa hè. Mình học hỏi được rất nhiều từ bạn bè ở đây.

Họ là động lực và là nguồn cảm hứng quan trọng nhất đối với mình. Họ đã giúp mình nhận ra việc học hàng ngày (daily learning) là cần thiết như thế nào. Sau mỗi ngày trôi qua mình nhận ra rất nhiều điều. Không chỉ là các phép toán và các định lý, mà là những ý tưởng và những trải nghiệm cuộc sống.

Hùng hẳn có người thày ảnh hưởng tới mình chứ?

Thày Nguyễn Duy Tiến, thày Nguyễn Vũ Lương và thày Phạm Văn Hùng là những người đã giúp mình rất nhiều trong thời gian mình học tập tại khối PTCTT ĐHQG Hà Nội và quá trình nộp đơn du học. Đối với mình, thày Phạm Văn Hùng còn gần gũi như một người cha thứ hai.

Còn trong thời gian ở Stanford, chính các anh chị học sinh Việt Nam đang học tập tại trường là những người có ảnh hưởng đến mình nhiều nhất. Trong số đó có anh Lê Việt Quốc.

Ở anh Quốc, mình đã học được rằng khi làm bất kỳ việc gì đều cần định hướng và mục đích rõ ràng. Vì thế, mình có thể dừng những cuộc thảo luận không cần thiết sau khi tự hỏi bản thân “mục đích của câu chuyện này là gì”. Nhưng chắc chắn điều mình khâm phục nhất ở anh Quốc là anh luôn làm việc với một sự tập trung và say mê hiếm có.

Phạm Kim Hùng đã trở về với tấm Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2005 sau khi đã giành Huy chương Vàng trong kỳ thi năm 2004 (Ảnh: Bùi Tuấn)

Nói về những kết quả tươi sáng trong quá trình học tập của mình, Hùng bảo rằng môi trường là điều kiện cần và may mắn là điều kiện quyết định, vì xung quanh luôn có những người rất giỏi nhưng không phải ai cũng đạt được điều mình mong muôn.

Sau khi đạt giải, Hùng đã viết cuốn sách “Sáng tạo bất đẳng thức”, sau này được xuất bản bằng 2 tập bằng tiếng Anh ở nhà xuất bản quốc tế. Trong thời gian ôn thi Tiếng anh để nộp đơn du học, Hùng biết đến trang web http://freerice.com, và đây chính là nguồn cảm hứng để Hùng setup dự án đầu tay của mình là “dongmaulachong.net”.

Mục đích ra đời của dự án phi lợi nhuận này là tạo ra cầu nối để mọi người chia sẻ kiến thức (về toán học, tiếng anh, IQ, lịch sử, văn học, thế giới, Việt Nam) và làm từ thiện. Người tham gia sẽ trả lời những câu hỏi rất thú vị mà hệ thống đưa ra. Với mỗi câu trả lời đúng, họ sẽ đóng góp được 10 hạt gạo cho những người nghèo khổ ở Việt Nam. Điều này vừa giúp người chơi bổ trợ kiến thức, vừa giúp nâng cao ý thức cộng đồng.

Dù phải “đầu tư” toàn bộ số tiền làm việc trong nhiều tháng (ở Stanford, việc làm thêm của Hùng là chấm bài tập cho các lớp học), Hùng và bạn bè đã duy trì và phát triển dongmaulachong.net trong hơn 1 năm.Nhiều hoạt động đã được tổ chức, tiêu biểu là hoạt động quyên góp gạo cho các nạn nhân chất độc màu da cam ở Ứng Hòa, Hà Tây. Hùng nói rằng sau này nhất định sẽ phát triển Dòng máu Lạc Hồng lên một tầm cao hơn khi đảm bảo được những vấn đề chi phí.

Tự nhận mình là đam mê quá đáng (crazy), và lại không muốn theo trào lưu của thị trường, bạn có nghĩ rằng như vậy rất khó để kinh doanh?

“Crazy” vì có lẽ mình không biết cách dừng lại khi đang làm việc gì dang dở. Còn ngoài ra thì mình vẫn là người bình thường (cười).

Còn việc không muốn theo trào lưu của thị trường  chắc không hẳn như vậy. Mình muốn mọi ý tưởng phải xuất phát từ giá trị cuộc sống trước, còn nếu ý tưởng “không phù hợp” với số đông thì có lẽ cách đánh giá giá trị của mình đã sai mất rồi. Hi vọng là sẽ không sai nhiều quá! (cười)

Thực tế thì mình muốn phát triển những ý tưởng mới thay vì hoàn thiện một mô hình cũ. Đó cũng là tư duy của NES.

Phạm Kim Hùng (thứ hai từ trái sang) và nhóm cộng sự đã thành lập nên công ty Cổ phần NES

Như vậy có phải Hùng đã bỏ qua bài toán về lợi nhuận?

Hãy tạo ra giá trị trước, và mình sẽ không nghĩ quá xa. Vì nếu không có giá trị, sẽ không có lợi nhuận.

Hùng có thể nói một chút về ý tưởng hình thành của NES?

Facebook chính là nguồn cảm hứng. Sự thành công và phát triển của Facebook là rất mạnh mẽ và bất ngờ. Điều đó chứng minh sự bùng nổ của thế giới Web 2.0 và tạo ra niềm tin cho các trang mạng xã hội. Câu hỏi còn lại là “Liệu Facebook đã mang lại những giá trị cần thiết nhất của người dùng internet 2.0?” NES sẽ cố gằng tìm câu trả lời cho câu hỏi này.

Liệu NES có phải là một trang mạng xã hội khác?

Bạn hãy chờ xem!

Phạm Kim Hùng, Sáng lập viên, Chủ tịch HĐ Quản trị Công ty Cổ phần NES

Giải thưởng và thành tích đặc biệt:

– Học bổng toàn phần trường Stanford từ năm 2007

– Học bổng chương trình nghiên cứu hè dành cho sinh viên học Computer Science, Stanford

– Đạt được học bổng chương trình nghiên cứu theo từng quý tại Stanford, mùa thu năm 2008

– Huy chương Bạc Olympiad Toán quốc tế năm 2005

– Giải nhất cuộc thi Toán quốc gia năm 2005

– Huy chương Vàng Olympiad Toán quốc tế năm 2004

– Giải nhất cuộc thi Toán quốc gia năm 2004

– Giải thưởng Lê Văn Thiêm dành cho học sinh xuất sắc về Toán, năm 2004

– Các giải HSG cấp tỉnh cho kì thì Toán học từ 1998 đến 2005

Tạp chí & Sách đã xuất bản

– Secrets in Inequalities II, Nhà xuất bản Gil, 2009

– Secrets in Inequalities I, Nhà xuất bản Gil, 2008

– Sáng tạo bất đẳng thức, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, 2007