Trang chủ » Kinh tế 24h » Giá than nhấp nhổm tăng

Giá than nhấp nhổm tăng

Tác giả:

Theo đánh giá của TKV, do giá xuất khẩu và tỷ giá tăng, nên giá than bán cho xi măng, phân bón và giấy được áp dụng từ ngày 1/1/2010 chỉ còn bằng khoảng 60% giá xuất khẩu có cùng chủng loại.

Trong khi đó, theo Thông báo 244/TB-VPCP ngày 11/8/2009 của Văn phòng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, thì giá bán than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước (trừ điện) thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%.

Trước đó, từ ngày 1/1/2010, giá than bán cho các hộ xi măng, phân bón và giấy là 1,5 triệu đồng/tấn than cám 3a, 1,35 triệu đồng/tấn than cám 3b, 1,26 triệu đồng/tấn than cám 3c, 1,17 triệu đồng/tấn than cám 4a và 1,1 triệu đồng/tấn than cám 4b.

Vào thời điểm ngày 1/1/2010, mức giá này cũng đảm bảo nguyên tắc thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%. Riêng với điện, giá than sau khi điều chỉnh vào ngày 1/3/2010 bằng 54-59% giá bán cho các hộ khác trong nước, bằng 35-40% giá xuất khẩu than cùng chủng loại (áp dụng từ ngày 1/1/2010 của TKV) và mới bằng 67-73% giá thành năm 2010.

Bởi vậy, TKV rục rịch ý định tăng giá bán than cho các hộ tiêu thụ lớn từ đầu năm 2011, với mục tiêu chính là sử dụng tiết kiệm than và tăng doanh thu cho ngành than. Theo hướng này, TKV dự tính tăng giá bán than cho phân bón, xi măng và giấy, để đảm bảo giá bán thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%.

Riêng với điện, việc điều chỉnh giá than có thể theo hai bước. Đó là ngay từ đầu năm 2011, giá than sẽ được điều chỉnh lên để bù đắp chi phí sản xuất than theo nguyên tắc bằng giá thành năm 2010 (chi tiết xin xem bảng). Sau bước điều chỉnh thứ nhất, TKV kỳ vọng, giá than cho điện sẽ theo cơ chế thị trường, bằng giá bán cho các hộ ở thị trường trong nước từ quý IV/2011.

Theo TKV, hiện nay, để tăng sản lượng 1 triệu tấn than, cần phải đầu tư khoảng 120 – 150 triệu USD. Như vậy, với mục tiêu tăng thêm 20 triệu tấn than hầm lò đến năm 2015, cần đầu tư khoảng 3 tỷ USD.

Trong khi đó, vào năm 2015, giá thành sản xuất than sẽ khoảng 1,35-1,4 triệu đồng/tấn than (tương đương than cám 5), trong khi giá nhập khẩu than tại thời điểm này là 115 USD/tấn (khoảng 2,24 triệu đồng/tấn).

Điều đó có nghĩa là, giá thành sản xuất than ở Việt Nam năm 2015 mới chỉ bằng 62-65% giá than nhập khẩu than hiện nay. Vì thế, việc thị trường hóa giá than để có nguồn đầu tư các dự án than trong nước, phục vụ phát điện được TKV cho là giải pháp tối ưu.

Không bình luận về đề nghị cụ thể trong việc tăng giá than cho điện theo cơ chế thị trường, ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, giá điện đầu ra vẫn đang do Chính phủ quy định.

Vì vậy, muốn gỡ được nút thắt giá điện, thì việc điều chỉnh giá các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất điện, không riêng gì cho than mới là giải pháp cơ bản.

Ông Nguyễn Gia Tường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kiến nghị, chưa nên tăng giá than cho sản xuất phân bón trong năm 2011. “Tăng giá than cho phân bón đầu năm 2010 là cú sốc cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Do giá than tăng, nên lợi nhuận năm 2010 của Công ty Phân đạm và Hóa chất Bắc Giang giảm đi 260 tỷ đồng trong tổng số 500 tỷ đồng dự tính. Đó là chưa kể, đại lý và người tiêu dùng cứ thấy nói tới tăng giá than cho điện là nghĩ ngay tới việc có tăng giá than cho phân bón, tức là giá phân bón lại cũng bị ảnh hưởng tăng theo khi nghe việc giá than nhấp nhổm”, ông Tường nói.

Với tư cách là nhà bán than, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc TKV cho hay, trong 10 tháng qua, TKV đã tiêu thụ được 34 triệu tấn, trong đó xuất khẩu than có giảm và chỉ bằng 78% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng bởi giá thế giới đang lên, nên doanh thu xuất khẩu than vẫn tốt.

Như vậy, trong điều kiện giá than thế giới đang tăng trở lại, các hộ tiêu thụ than trong nước rõ ràng đứng trước áp lực phải đua cùng giá than xuất khẩu.