Trang chủ » Điểm nóng » Vốn “ngoại” quay lại ngân hàng

Vốn “ngoại” quay lại ngân hàng

Tác giả:

Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới hồi phục cộng với những thời cơ thuận lợi từ trong nước đã tạo điều kiện cho nguồn vốn ngoại quay lại với ngân hàng Việt Nam. Thời điểm các ngân hàng Việt Nam phải hoàn tất việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng cũng được dự báo là lúc có nhiều công bố đầu tư từ nước ngoài vào các ngân hàng Việt.

Hồi phục

Đại diện hãng luật Mayer Brown ở Việt Nam cho biết, hãng này đang tư vấn pháp lý cho 3-4 thương vụ đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dù chưa thể tiết lộ tên tuổi, nhưng các hoạt động đầu tư này đang đi đến giai đoạn cuối và sẽ công bố chính thức trong thời gian sớm nhất.

Trong các nhà đầu tư, có cả những ngân hàng lớn của thế giới đầu tư theo hướng trở thành những nhà đầu tư chiến lược và cả những quỹ đầu tư, các đối tác đầu tư không phải là tổ chức tài chính.

Không còn là bí mật, mới đây, Mekong Bank cho biết, Ngân hàng đã tìm được đối tác chiến lược để bán 20-30% vốn điều lệ tăng thêm trong kế hoạch tăng vốn (từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong năm 2010) cho cổ đông nước ngoài.

Việc đàm phán đã gần như hoàn tất, trong cuối năm 2010, Mekong Bank sẽ chính thức công bố thông tin về đối tác ngoại. Trong khi đó, TrustBank cũng tiết lộ đã thành công trong việc tìm đối tác nước ngoài.

Không chỉ tìm các đối tác mới, các ngân hàng đã có đối tác ngoại cũng đã tìm cách huy động thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư này.

Cụ thể, trong đợt chào bán 110 triệu cổ phiếu (tương đương 1.100 tỷ đồng tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) để tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng vào tháng tới, OCB cũng dành khối lượng tối đa 29 triệu cổ phần để bán tiếp cho cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn BNP Paribas, nâng  tỷ lệ sở hữu vốn của BNP Paribas tại OCB từ 15% lên 20%.

Đây cũng là cách một số ngân hàng khác như ABBank, Techcombank, VPBank, SeABank… thực hiện trong thời gian qua để tăng vốn.

Ngân hàng Việt Nam luôn được đánh giá là một lĩnh vực đầu tư đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 2007 là một năm “nóng” với rất nhiều sự kiện thành công của các ngân hàng nước ngoài và các đối tác ngoại đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam.

Rất nhiều tên tuổi lớn của thế giới đã đến Việt Nam và sẵn sàng mua hết tỷ lệ được phép, để trở thành nhà đầu tư chiến lược trong các ngân hàng Việt Nam, dù mức giá mà họ chấp nhận không hề rẻ, thường gấp 3-5 lần mệnh giá.

Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi khủng hoảng tài chính diễn ra, nguốn vốn ngoại vào các ngân hàng Việt Nam giảm sụt và gần như ngưng trệ. Thậm chí, có những đối tác đang đã phải từ bỏ ý định đầu tư vào Việt Nam, có những dự án đầu tư đang đàm phán buộc phải dừng lại vì khủng hoảng.

Tuy nhiên, sau hai năm khi các kinh tế thế giới đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, các ngân hàng nước ngoài, các quỹ đầu tư sau khi đã vượt qua được những khó khăn và cả nỗi lo sự bất ổn của tình hình thế giới thì họ lại quay lại với lộ trình tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới. Việt Nam với sự ổn định và tăng trưởng qua hai năm khủng hoảng. Trong đó, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục ăn nên làm ra và phát triển lại tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong khi đó, ở trong nước, các ngân hàng lại đang có những nhu cầu lớn đối với nguồn vốn nước ngoài. Đối với những ngân hàng quốc doanh cổ phần hóa đang cần tìm kiếm các đối tác ngoại và ngoại lực cả về vốn và kỹ thuật để hoàn thiện nhất quá trình cổ phần hóa.

Đặc biệt, đối với các ngân hàng cổ phần, ngân hàng nhỏ đang chịu sức ép tăng vốn theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP, nên không ít nhà băng phải thu hút thêm nguồn vốn từ cổ đông chiến lược, trong đó có cổ đông nước ngoài. Và thực tế, đã có những ngân hàng đàm phán và thành công trong việc bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

Một yếu tố thuận lợi cho quá trình hồi phục này chính là sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu như thời kỳ sôi động nhất, giá cổ phiếu ngân hàng luôn ở mức cao nhất có khi gấp hơn chục lần mệnh giá.

Các nhà đầu tư ngoại khi muốn mua dù là cổ phiếu của một ngân hàng nhỏ, mới chuyển đổi cũng có giá gấp 3-5 lần chuyện thường.

Tuy nhiên, khi thị trường suy giảm, cổ phiếu ngân hàng là nhóm bị rớt giá mạnh nhất, trở về mức khá thấp không quá cao so với mệnh giá nên được đánh giá là hấp dẫn để đầu tư.

Nhu cầu tìm kiếm đầu tư của khối ngoại, sự hồi phục của dòng vốn thế giới cộng với mong muốn tìm kiếm các đối tác nước ngoài của ngân hàng Việt Nam đã làm cho vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hồi phục lại.

Kết nối của giá trị

Thực tế, trong thời gian vừa qua, dù tình hình còn khó khăn nhưng vẫn có những thương vụ thành công. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư ngoại vẫn luôn tìm kiếm và tận dụng các cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong năm 2010, đã có những thương vụ hợp tác đầu tư giữa ngân hàng Việt Nam với các đối tác nước ngoài gây chú ý trên thị trường. Đó là việc Vietinbank lựa chọn và bán cổ phần cho hai cổ đông chiến lược là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Nova Scotia (Canada).

Việc này đánh dấu sự thành công của cổ phần hóa bước đầu tại Vietinbank. Và hơn thế, hai đối tác uy tín quốc tế đầu tư hết khả năng được phép vào Vieetinbank trong thời điểm kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi cho thấy các ngân hàng nội vẫn rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả tổ chức và cá nhân.

Một sự kiện khác là Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) chính thức bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược là Commonwealth of Australia – ngân hàng bán lẻ số 1 tại Australia – và dự kiến nâng lên 20% vào năm 2011 khi được Chính phủ cho phép. Nếu như Vietinbank còn được nhòm ngó bởi lợi thế của một ngân hàng quốc doanh, có lợi thế đặc biệt trên thị trường thì sự kiện đầu tư vào VIBBank đã khẳng định mạnh mẽ hơn sự hấp dẫn của các ngân hàng Việt Nam.

Một xu thế khác không thể bỏ qua là việc các ngân hàng nước ngoài thành lập các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài và đẩy mạnh việc đầu tư phát triển các dịch vụ ở Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng trên thị trường Việt Nam là điều không hề suy xuyển dù có khủng hoảng. Đến nay đã có 5 ngân hàng con 100% nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam.

Trong đó các các tên tuổi lớn như HSBC, ANZ và Standard chartered… Như vậy, cùng với việc mở chi nhánh, rồi thành lập ngân hàng con 100% và cả việc hợp tác đầu tư, mua cổ phần… đã một lần nữa khẳng định các tập đoàn tài chính nước ngoài đang đánh giá cao và bằng mọi cách đặt chân và  bước bành trướng hoạt động của mình, với kỳ vọng sớm thu hút được khách hàng, mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Trong một đợt xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài lớn của quỹ VinaCapital đã cho thấy, lĩnh vực hoạt động được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều ở thị trường trong nước vẫn là tài chính – ngân hàng, hạ tầng, y tế, dịch vụ bán lẻ… Trong đó, tài chính – ngân hàng cũng là lĩnh vực được  đặc biệt quan tâm dù hiện còn những quy định hạn chế việc đầu tư của quỹ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Trên thực tế, những ngân hàng có đối tác nước ngoài đều xây dựng được những sản phẩm và dịch vụ tài chính cạnh tranh, nâng cao năng lực công nghệ ngân hàng… Ngược lại những đối tác ngoại cũng thu được những lợi nhuận  lớn từ việc đầu tư vào ngân hàng Việt Nam.

Chính vì vậy, việc gia tăng hợp tác để có được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía đối tác nước ngoài trong các lĩnh vực trên là rất cần thiết đối với nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam để phát triển và cạnh trang. Nhưng đối với ngân hàng ngoại, họ cũng tìm được kỳ vọng của mình là lợi nhuận và thị phần.

Khi cả hai đều tìm được giá trị mong muốn của mình trên nên tảng một thị trường còn nhiều tiềm năng và cô hội thì không có gì lạ khi sẽ có nhiều hơn những sự kiên công bố nhà đầu tư ngoại của các ngân hàng Việt Nam.